Nhiệm vụ của 600 sinh viên Trường đại học Y dược Cần Thơ và cán bộ của trường, của đoàn viên đến Kiên Giang lần này là hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần ở 5 huyện, TP có nguy cơ cao.
Trưa 16.9, Trường Đại học Y dược Cần Thơ tổ chức lễ xuất quân đưa đoàn cán bộ, học viên, sinh viên tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Kiên Giang.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, hơn 2 tháng qua toàn TP đã nỗ lực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch. “Chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành để chống dịch. Tuy dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng cơ bản khống chế được, quản lý được nguồn lây. TP đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm PCR toàn dân để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng đưa đi điều trị, truy vết F1 để đưa đi cách ly”, ông Hè cho hay.
Trong tình hình đó, ông Nguyễn Ngọc Hè đánh giá cao sự đóng góp của Đại học Y dược Cần Thơ, Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Thành đoàn trong tuyến đầu phòng chống dịch.
Trong chuyến tăng cường hỗ trợ tỉnh Kiên Giang chống dịch lần này, ông Nguyễn Ngọc Hè mong các tình nguyện viên giữ nghiêm tổ chức kỷ luật trong đội hình truy vết lấy mẫu, thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Kiên Giang, sớm hoàn thành nhiệm vụ trở về.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết, thời gian qua trường đã đưa quân tham gia chống dịch trên mọi mặt trận cùng với Cần Thơ và các địa phương như TP.HCM. Hiện nay, Kiên Giang đang là điểm nóng của dịch bệnh, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế và được sự đồng thuận của lãnh đạo Thành ủy, UBND, trường tiếp tục đưa quân đến Kiên Giang.
Lực lượng lần này gồm 630 người, trong đó có 600 sinh viên, học viên, 15 cán bộ của trường và 15 tình nguyện viên của Thành đoàn Cần Thơ. Số nhân lực này sẽ đến địa bàn 5 huyện có nguy cơ cao về dịch bệnh ở tỉnh Kiên Giang.
Được biết, để thực hiện kế hoạch xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS-CoV-2 trên địa bàn toàn tỉnh, Kiên Giang cần tổng số nhân lực tham gia lấy mẫu lên đến 7.137 người. Do nguồn nhân lực tỉnh chỉ đáp ứng được 2.532 người, nên cần huy động 4.605 người từ các tỉnh thành trong vùng hỗ trợ. Kinh phí thực hiện kế hoạch gần 128 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác.
Tính từ ngày 21.6 đến ngày 14.9, Kiên Giang ghi nhận 3.777 ca mắc COVID-19, riêng tại TP.Rạch giá có 1.611 ca.