Nhóm nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vòng đời của một xét nghiệm axit nucleic COVID-19 ở Trung Quốc có thể dẫn đến việc phát thải 0,6 kg carbon dioxide (CO2), gần bằng 1/2 lượng khí thải carbon từ việc sử dụng điện hàng ngày của một người nước này.

9 tỉ xét nghiệm tạo ít nhất 5,4 triệu tấn khí nhà kính từ 2020, Trung Quốc khó đạt mục tiêu trung hòa carbon

Sơn Vân | 11/09/2022, 12:12

Nhóm nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vòng đời của một xét nghiệm axit nucleic COVID-19 ở Trung Quốc có thể dẫn đến việc phát thải 0,6 kg carbon dioxide (CO2), gần bằng 1/2 lượng khí thải carbon từ việc sử dụng điện hàng ngày của một người nước này.

Các nhà nghiên cứu cho biết trong một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường tuần trước rằng, việc sản xuất kit test, vận chuyển, xét nghiệm, xử lý chất thải đều gây phát thải khí nhà kính (GHG) và ô nhiễm không khí, nước.

Các phương pháp tiếp cận cải tiến để xử lý chất thải, vận chuyển carbon thấp và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường hơn cần được xem xét để đạt được các chẩn đoán xanh và bền vững, khi thế giới tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19 và một số quốc gia, gồm cả Trung Quốc, thực hiện chính sách Zero COVID với việc xét nghiệm hàng loạt đang được tiến hành trên toàn quốc để ngăn chặn sự bùng phát dịch.

“Mặc dù các chẩn đoán COVID-19 có tầm quan trọng lớn nhất để chấm dứt đại dịch, tác động môi trường của chúng cũng không nên bị bỏ qua”, các nhà nghiên cứu từ một số tổ chức bao gồm Đại học Công nghệ Quảng Đông, Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh (BUCT) và Đại học Michigan (Mỹ), viết trong bài báo.

Khi nhìn thấy một kit test nhỏ, chúng ta thường có xu hướng bỏ qua tác động môi trường của nó. Thế nhưng khi thực hiện xét nghiệm hàng triệu lần trên toàn cầu ở mức độ hàng ngày, chắc chắn sẽ có một số tác động”, Su Xin, giáo sư kỹ thuật y sinh tại Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh và là một trong những tác giả của bài viết, nói vào tuần trước.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tác động môi trường, bao gồm phát thải khí nhà kính, kim loại nặng và chất ô nhiễm nước, của một xét nghiệm COVID-19 ở Trung Quốc bằng cách thực hiện cách tiếp cận Lifecycle Assessment (LCA).

LCA là một phương pháp luận được sử dụng để đánh giá các tác động tự nhiên liên quan đến tất cả giai đoạn trong vòng đời sản phẩm từ việc thu thập nguyên liệu thô, chế biến các vật liệu này, sản xuất, phổ biến, sử dụng, bảo trì và sửa chữa, bán hoặc tái sử dụng.

9-ti-xet-nghiem-tao-it-nhat-5-4-trieu-tan-khi-thai-nha-kinh.jpg
Một phụ nữ làm xét nghiệm COVID-19 ở thành phố Thượng Hải vào tháng 8. Trung Quốc đã áp dụng các chính sách COVID-19 nghiêm ngặt hơn kể từ khi bùng phát dịch ở Thượng Hải vào đầu năm nay - Ảnh: EPA-EFE

Một xét nghiệm COVID-19 điển hình thường bắt đầu bằng việc kỹ thuật viên sử dụng tăm bông dùng một lần để thu thập vật liệu hô hấp từ mũi hoặc miệng của bệnh nhân, niêm phong nó trong ống chứa môi trường vận chuyển vi rút và sau đó chuyển nó từ trạm xét nghiệm đến phòng thí nghiệm lâm sàng. Tiếp theo là chiết xuất RNA, khuếch đại axit nucleic và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Chất thải y tế sau đó được khử trùng và xử lý trong lò đốt ở nhiệt độ cao.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tổng lượng phát thải khí nhà kính mỗi lần xét nghiệm là 612,9 gram, với phần lớn là carbon dioxide và một ít khí mêtan.

Su Xin cho biết: “Lượng phát thải khí nhà kính kết hợp của hai cuộc xét nghiệm được thực hiện gần tương đương với lượng khí thải từ điện mà một người dân Trung Quốc sử dụng hàng ngày”.

Tuy nhiên theo nhà cung cấp dữ liệu Our World In Data, Trung Quốc đã thực hiện hơn 9 tỉ cuộc xét nghiệm như vậy kể từ khi bùng phát COVID-19 vào năm 2020 đến ngày 11.4.2022, gấp 10 lần so với Mỹ, quốc gia đứng thứ hai về số lượng xét nghiệm COVID-19.

Điều này ngụ ý rằng ít nhất 5,4 triệu tấn phát thải khí nhà kính có thể được tạo ra do các cuộc xét nghiệm COVID-19 ở Trung Quốc kể từ năm 2020. Trung Quốc, quốc gia cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng vào năm 2060, đã thải ra hơn 11,9 tỉ tấn khí nhà kính trong năm 2021, chiếm 33% tổng số toàn cầu.

Một bản phân tích của quy trình xét nghiệm COVID-19 cũng cho thấy việc xử lý chất thải chiếm phần lớn lượng khí thải: 71,3% tổng lượng phát thải. Sản xuất và vận chuyển kit test chiếm lần lượt khoảng 14,5 và 13,3% tổng số.

Quá trình xử lý chất thải là phát thải cao, vì tất cả chất thải được khử trùng bằng hơi nước nhiệt độ cao và được xử lý trong lò đốt nhiệt độ cao từ 850 đến 1.200 độ C.

Quá trình vận chuyển cũng đáng quan tâm, vì các kit test phải được giữ ở nhiệt độ âm 20 độ C trong quá trình vận chuyển để duy trì hoạt động của các thành phần của chúng và xe tải động cơ diesel thông thường hiện là con đường hậu cần dây chuyền lạnh y tế phổ biến nhất Trung Quốc.

Với vận chuyển đường dài, cần phải làm mát thêm, tiêu tốn thêm nhiên liệu. Theo nghiên cứu, khoảng cách vận chuyển trung bình của một kit test từ nhà sản xuất đến trung tâm xét nghiệm là khoảng 5,96 km tại Trung Quốc.

Phát thải khí nhà kính từ quá trình xét nghiệm đến từ việc tiêu thụ điện của thiết bị xét nghiệm, thường mất từ ​​7 đến 15 phút để chiết xuất axit nucleic, sau đó là 1 giờ rưỡi trong chu trình nhiệt PCR để có kết quả xét nghiệm.

Trên thực tế, tác động môi trường của các xét nghiệm COVID-19 có thể còn lớn hơn, vì tác động từ việc vận chuyển chất thải y tế từ các trung tâm xét nghiệm đến nhà máy xử lý chất thải bị loại trừ do không có dữ liệu, theo các nhà nghiên cứu.

Họ đề xuất ba chiến lược giảm thiểu tác động môi trường có thể có với xét nghiệm COVID-19: Sử dụng vật liệu tái chế và thân thiện với môi trường hơn trong kit test; sửa đổi các phương pháp xử lý chất thải y tế hiện có; dùng ô tô điện trong quá trình vận chuyển.

Tôi hy vọng các công ty liên quan và các nhà hoạch định chính sách lưu ý vấn đề này. Xét nghiệm COVID-19 vẫn cần thiết trong tình hình đại dịch hiện nay, nhưng cần có những cách cải tiến để giảm tác động môi trường của nó”, Su Xin nói.

Bài liên quan
Mỹ điều tra gian lận 1,2 tỉ USD về kiểm tra sức khỏe từ xa, xét nghiệm di truyền và tim mạch
Hôm 20.7, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố một cuộc điều tra gian lận trong chăm sóc sức khỏe trị giá 1,2 tỉ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
9 tỉ xét nghiệm tạo ít nhất 5,4 triệu tấn khí nhà kính từ 2020, Trung Quốc khó đạt mục tiêu trung hòa carbon