Nắm trong tay khối sản lớn với quỹ đất lên đến 475.000 ha cùng với một bộ máy cồng kềnh đang là khó khăn lớn trong kế hoạch cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su (VRG) sắp tới.

Khó bán cổ phần Tập đoàn Cao su vì hàng trăm nghìn ha quỹ đất vàng, nhạy cảm

tuyetnhung | 01/01/2018, 05:09

Nắm trong tay khối sản lớn với quỹ đất lên đến 475.000 ha cùng với một bộ máy cồng kềnh đang là khó khăn lớn trong kế hoạch cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su (VRG) sắp tới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển thành CTCP Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam với hình thức cổ phần hóa kết hợp bán phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Theo đó, VRG có số lượng cổ phần tương đương là 4 tỉ cổ phần. Với mức giá khởi điểm thực hiện IPO là 13.000 đồng/cổ phần, công ty được định giá lên 52.000 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ, tương ứng 3 tỉ cổ phần. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 475.123.761 chiếm 11,88% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 48.921.710, chiếm 1,22% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp là 830.769 cổ phần, chiếm 0,02% vốn điều lệ.

Dù phương án bán cổ phần VRG đã được đưa ra, nhưng với tài sản lên tới 475.000 ha đất, trong đó nhiều quỹ đất nằm ở các vị trí nhạy cảm về vấn đề an ninh, quốc phòng, chính trị... cùng với bộ máy VRG cồng kềnh với hơn 120 đơn vị thành viên đang là bài toán khó đối với Nhà nước khi chuyển nhượng cổ phần tập đoàn này cho các nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn trao đổi với báo chí ngày 29.12 cho biết lý do khiến Nhà nước "chần chừ", khó bán cổ phần VRG vì đây là tập đoàn có vốn lớn, diện tích đất đai lớn, số lượng lao động thường xuyên và thời vụ cũng rất lớn. Việc tiến hành cổ phần hóa tập đoàn này cần diễn ra rất thận trọng để tránh những tác động không đáng có.

Theo Thứ trưởng, sau khi cổ phần hóa VRG, nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn điều lệ. 25% vốn xã hội hóa sau khi bán đấu giá công khai, bán cho người lao động, bán cho công đoàn trong doanh nghiệp, còn lại 11,25% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng không bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Lý giải nguyên nhân không bán cổ phần VRG cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết: "Thứ nhất là vì đất đai, Tập đoàn này có hơn 300 nghìn ha, có những nơi có vị trí rất quan trọng, ở đô thị cũng có những vị trí đắc địa. Thứ hai, hơn 100 nghìn ha của Tập đoàn này được chính phủ Lào và Campuchia cho phép đầu tư. Vì vậy, muốn cổ phần hóa đưa thêm nhà đầu tư khác ở nước ngoài cần có sự đồng ý của nước bạn Lào và Campuchia".

Thứ trưởng Tuấn cũng cho biết đến bây giờ chưa có nhà đầu tư chiến lược nào tham gia đàm phán chính thức việc mua cổ phần VRG.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng phải hết sức lưu ý và thận trọng khi Nhà nước bán cổ phần VRG, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề định giá tài sản của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, vì ở tập đoàn này có 2 dạng tài sản gồm: Tài sản hữu hình (bao gồm đất đai, nhà xưởng, cơ sở chế biến...) và tài sản vô hình (bao gồm mối quan hệ bạn hàng đối với nhiều quốc gia trên thế giới).

Định giá tài sản đất đai được cho là rất khó vì giá trị dễ bị hạ thấp nên việc làm thế nào để định giá được một cách công bằng và tương đối chính xác là cả một vấn đề.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận cổ phần hóa VRG là hết sức đặc biệt và nhạy cảm, vì định giá đất, định giá tài sản, định giá thương hiệu là những vấn đề hết sức nhạy cảm và cần phải có hội đồng độc lập xem xét cẩn trọng.

Theo ông Doanh, những vấn đề liên quan đến đất đai cần phải trình lên Chính phủ để xem xét phương án và đưa ra các đánh giá cụ thể. "Chúng ta rất cần các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có năng lực về tài chính, không phải là những nhà đầu tư có những tham vọng chiến lược về đất đai, an ninh quốc phòng. Để làm được như vậy thì cần phải thận trọng về nhiều mặt", ông Doanh nhấn mạnh.

Phương án cổ phần hóa VRG

Theo phương áncổ phần hóa VRG, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tiêu chí, quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nước sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; bảo đảm nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Trong đó bảo đảm điều kiện không chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 5 năm và quy định rõ quyền ưu tiên của nhà nước được mua cổ phần nếu nhà đầu tư chiến lược bán cổ phần sau 5 năm cổ phần hóa.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần thực hiện xử lý đất đai, thuê đất của Nhà nước, trả tiền thuê đất hàng năm, thực hiện việc quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của Luật đất đai và pháp luật có liên quan; giải quyết các tồn tại về nhà, đất (nếu có) trước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 43.614 người; tổng số lao động chuyển sang Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần là 42.751 người; tổng số lao động dôi dư là 863 người.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
6 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó bán cổ phần Tập đoàn Cao su vì hàng trăm nghìn ha quỹ đất vàng, nhạy cảm