Trước Cuộc họp cấp cao Liên hiệp quốc lần đầu tiên trong lịch sử về bệnh lao vào ngày 26/9, tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nhiều quốc gia chưa hành động đủ để kết thúc bệnh này vào năm 2030 vì thế lao vẫn là căn bệnh nhiễm gây chết người nhiều nhất.
Nhìn chung số người chết vì bệnh lao đã giảm trong năm 2017, với 1,6 triệu ca tử vong trong đó có 300.000 người có HIV. Kể từ năm 2000, tỷ lệ tử vong vì bệnh lao trong số người có HIV đã giảm đến 44%.
Ước tính năm qua toàn cầu có 10 triệu phát bệnh lao, số ca mắc mới giảm 2% mỗi năm trong đó một số vùng giảm nhiều như châu Âu (5% mỗi năm) và châu Phi (4% mỗi năm) từ năm 2013 – 2017.
Bất chấp những thành công này, theo WHO, lao vẫn là một trong những bệnh nhiễm trùng gây chết người nhiều nhất thế giới và ẩn chứa nhiều quan ngại. Thực tế bệnh lao kháng thuốc được xem là khủng hoảng sức khỏe công cộng toàn cầu.
Năm qua có 558.000 bệnh nhân lao được xem là kháng ít nhất vớirifampicin, thuốc chữa lao đầu tiên hiệu quả nhất. Phần lớn những người này thuộc dạng kháng đa thuốc, nghĩa là kháng với những thuốc lao khác.
Nhưng đáng lo nhất khi WHO ước tính có đến 1/4 dân số thế giới đang nhiễm lao, những người này có thể phát bệnh bất kỳ lúc nào một khi sức khỏe bất lợi. Một thách thức khác là trong số 10 triệu người mắc bệnh lao trong năm qua chỉ có 6,4 triệu người được ghi nhận, còn lại 3,6 triệu người không được chẩn đoán hoặc không đượcphát hiện, và đây chính là nguồn lây bệnh cho cộng đồng. Có 10 quốc gia vượt quá 80% chênh lệch này, nhiều nhất là Ấn Độ, Indonesia và Nigeria.
TS Tereza Kasaeva, giám đốc Chương trình lao toàn cầu của WHO, nhận định: “Các quốc gia cần hành động nhiều hơn nữa để kết thúc bệnh lao vào năm 2030. Không thể chấp nhận khi hàng triệu người phải mất mạng và nhiều người hàng ngày phải đau khổ vì căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị này”.
Tâm An