Theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ, mỗi bà mẹ đều có nguy cơ sinh ra trẻ dị tật bẩm sinh là 3-5%. Tác nhân gây dị tật bẩm sinh là yếu tố làm tăng nguy cơ này lên.
Theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ, mỗi bà mẹ đều có nguy cơ sinh ra trẻ dị tật bẩm sinh là 3-5%. Tác nhân gây dị tật bẩm sinh là yếu tố làm tăng nguy cơ này lên. Những tác nhân này có ở nhà, nơi làm việc và môi trường xung quanh. Vậy cần làm gì để giảm rủi ro dị tật cho con trước khi bé chào đời?
Tôi mượn lời của Jean-Louis Fournier trong tác phẩm nổi tiếng “Ba ơi, mình đi đâu?” để mở đầu bài này: “Những ai chưa từng sợ có một đứa con bất thường hãy giơ tay. Chẳng ai giơ tay cả. Mọi người đều nghĩ đến chuyện đó như nghĩ đến một trận động đất, như nghĩ đến ngày tận thế…”. Nếu có ai đó ao ước con mình thông minh, đẹp xinh, nhiều tài năng thiên phú thì thật lòng, tôi chỉ mong mỗi đứa trẻ sinh ra có đầy đủ các bộ phận và chức năng của tạo hoá, có khả năng cảm nhận niềm vui nỗi buồn trong đời, có khả năng học tập vài điều gì đó (không nhất thiết phải giỏi) và mỗi ngày một lớn lên.
Trước khi tiếp tục đọc, tôi mong bạn đừng quá kỳ vọng vào những điều dưới đây sẽ là “đảm bảo bằng vàng” cho đứa trẻ bạn đang mang trong bụng. Có chăng, nếu bạn biết, để tâm tới những điều này, sẽ bớt đi những quyết định và thái độ sai lầm.
Theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ, mỗi bà mẹ đều có nguy cơ sinh ra trẻ dị tật bẩm sinh là 3-5%. Tác nhân gây dị tật bẩm sinh (teratogen) là yếu tố làm tăng nguy cơ này lên. Những tác nhân này có ở nhà, nơi làm việc và môi trường xung quanh, ví dụ: Hoá chất và các chất độc hại như thuỷ ngân; Rượu và một vài chất cấm; Vitamin và khoáng chất, ví dụ như dùng quá liều vitamin A, Thuốc như warfarin sử dụng trong ngừa huyết khối (cục máu đông); Mẹ bị nhiễm cúm, thuỷ đậu, Rubela; Tình trạng bệnh lý của mẹ, ví dụ như tiểu đường không điều trị…
Một cách tự nhiên thôi, mỗi bà mẹ đã có sẵn nguy cơ sinh ra một đứa trẻ bất thường, chưa kể đến vô vàn thứ mình ăn, mình uống, mình tiếp xúc mỗi ngày. Một vài hoá chất và chất độc hại được “dán nhãn” gây dị tật thai, còn lại, người ta vẫn chưa dám khẳng định chính xác tác nhân thật sự liên quan đến bất thường của một đứa trẻ.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tôi cần làm gì để giảm rủi ro dị tật cho con tôi trước khi chào đời? Và sau đây là vài điều mà bạn cần làm:
1. Khám tiền sản:Một cách ngắn gọn, bạn sẽ cùng bác sĩ rà soát lại những gì liên quan đến bản thân mình mà có thể ảnh hưởng đến trẻ (ví dụ thuốc đang sử dụng trị mụn, những bệnh lý sẵn có cần điều trị lâu dài...).
2. Tìm những yếu tố nguy cơ bệnh di truyền:Một vài bệnh lý cứ truyền từ cha - mẹ sang con và các thế hệ sau nữa. Bạn cần có kế hoạch sẵn để tìm và xác định con mình có khả năng mắc cao hay thấp, có điều trị được không…
3. Bổ sung vitamin mỗi ngày,quan trọng nhất là 0,4mg acid folic trước và trong khi có thai. Acid folic là một dạng vitamin giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho trẻ. Để hiệu quả, bạn cần bổ sung acid folic ít nhất 1 tháng trước khi có thai, nếu đã từng có lần mang thai bị dị tật ống thần kinh, bạn cần duy trì uống trong suốt 3 tháng đầu thai kỳ.
4. Sử dụng thuốc một cách thận trọng:Không tự mua bất kỳ thuốc nào để uống nếu sắp và đang có thai. Hãy nói cho bác sĩ của bạn biết bạn có ý định hoặc đang có thai khi được bác sĩ chỉ định thuốc. Đừng nghĩ thuốc đó vô hại, bởi vì kiến thức về y học là liên tục thay đổi và cập nhật. Hôm nay, một loại thuốc nào đó được chứng minh an toàn trong thai kỳ, bỗng một ngày đẹp trời, rất có thể lại được phát hiện ra có ảnh hưởng tới sự phát triển, hành vi của trẻ sau này (ví dụ loại thuốc phổ biến, mua dễ hơn mua kẹo - paracetamol).
5. Duy trì lối sống lành mạnh và cân nặng lý tưởng:Chỉ một yếu tố mẹ béo phì thôi, tự nhiên con bạn sẽ có nguy cơ dị tật, nguy cơ bệnh tim bẩm sinh nhiều hơn em bé khác. Hơn nữa, béo phì làm giảm bớt độ chính xác lúc siêu âm tầm soát dị tật thai, càng đẩy nguy cơ bỏ sót những khiếm khuyết trong quá trình theo dõi thai.
6. Không uống rượu:Rượu đã được chứng minh làm trẻ dị tật, làm trẻ chậm phát triển tâm thần. Hiện nay, vẫn chưa có khuyến cáo về lượng rượu uống bao nhiêu sẽ gây ảnh hưởng gì, do đó, tốt hơn hết bạn cứ tránh xa.
7. Phòng nhiễm khuẩn:Bằng cách tiêm ngừa, bằng cách giữ cho mình khoẻ mạnh, tránh nơi đông người, tránh đến nơi có dịch bệnh lưu hành.
8. Tìm hiểu về môi trường sống xung quanh và một số tác nhân gây hại như chì, thuỷ ngân, tia xạ...
9. Tránh tắm hơi hay ngâm quá lâu nước nóng quá. Nếu tắm bồn nước nóng, chỉ ngâm đến vai, nước không quá nóng và thời gian không quá 15 phút.
10. Khám thai định kỳ và thực hiện xét nghiệm tầm soát đầy đủ.
Nguy cơ, rủi ro dường như luôn hiện hữu trong cuộc sống. Hơn nữa, có những bệnh lý rất khó phát hiện trong thai kỳ, hay mệt hơn, chỉ biểu hiện rất muộn. Chúng ta chỉ hy vọng mỗi đứa trẻ đều có quyền được sinh ra toàn vẹn và sống khoẻ mạnh đồng thời làm tất cả những gì có thể làm để giảm thiểu các nguy cơ.
TheoBS. Lê Tiểu My/Sức khỏe và Đời sống