Những con cá chép được vỗ béo từ 4 đến 6 tháng, khi đạt trọng lượng khoảng 1,5kg mỗi con sẽ được chuyển sang giai đoạn nuôi đặc biệt, gọi là chuyển giòn cá chép. Giai đoạn này diễn ra trong khoảng 100 ngày, khi hoàn tất, thịt cá chép sẽ được nâng lên một tầm khác, giá trị cũng sẽ tăng gấp bội.
Chuyển giòn cá chép
Cá chép giòn không phải là loại cá mới mẻ, nhưng ít người biết được nguồn gốc, cách nuôi loại cá đặc sản này. Ở miền Tây vốn đa dạng về các loại cá, nhưng cá chép giòn vẫn khá lạ lẫm với nhiều người.
Hơn 10 năm trước, một nông dân ở Đồng Tháp đã mạnh dạn nuôi loại cá này, bất chấp sự mới mẻ, đầu ra hết sức mờ mịt.
Người nông dân ấy là Lê Văn Dũng (60 tuổi) ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Từ vụ thu hoạch cá chép giòn đầu tiên cho đến nay, ông Dũng luôn có những thành công nhất định với con cá này.
Nói về nguồn gốc cá chép giòn, ông Dũng cho biết, thực chất đây là những con cá chép thông thường, nhờ kỹ thuật nuôi đặc biệt trong giai đoạn quan trọng mà thịt cá chuyển từ mềm sang dai, sần sật. “Cá chép giống nhỏ bằng chân nhang được tuyển từ nguồn cá bố mẹ khỏe mạnh. Trong thời gian nuôi trong bè từ 4 đến 6 tháng, chúng được ăn thức ăn công nghiệp, khi đạt trọng lượng 1,5kg mỗi con sẽ được chuyển qua bè khác, bắt đầu giai đoạn chuyển giòn”, ông Dũng cho hay.
Giai đoạn chuyển giòn, cá chép sẽ được cho ăn chỉ một loại thức ăn duy nhất được nhập từ nước ngoài về là đậu tằm. Nhiều năm trước, đậu tằm được ông nhập từ Trung Quốc về có giá 25.000 đồng/kg, thời gian gần đây ông tìm được đậu tằm có nguồn gốc từ Úc, Canada nên giá thành giảm còn dưới 20.000 đồng/kg. “Trước khi cho cá ăn, đậu tằm sẽ được ngâm trong nước khoảng 12 giờ, đậu sẽ được cho vào thùng, nhấn chìm dưới nước để cá tự ăn”, ông Dũng tiết lộ.
Mỗi con cá chép trong 100 ngày này sẽ ăn hết từ 1,5 đến 2kg đậu tằm. Điều thú vị là trong thời gian này, cá sẽ không tăng trọng lượng mà sẽ bắt đầu quá trình chuyển hóa thịt từ mềm sang giòn. Với hơn 20 bè cá, mỗi năm ông Dũng xuất bán khoảng 200 tấn cá chép giòn. Ông cũng nuôi thêm nhiều loại khác như cá lăng, cá nheo Mỹ, cá chép giòn không vảy (còn gọi là cá chuỗi ngọc)… tổng cộng mỗi năm ông xuất ra thị trường hơn 300 tấn cá các loại, thị trường chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL và khu vực miền Trung.
Ông Dũng tiết lộ, giá trị kinh tế của cá chép giòn gấp đôi cá chép thường, với giá bán ổn định trên dưới 100 ngàn đồng/kg, có thời điểm cao xấp xỉ 200 ngàn đồng/kg. Vậy nhưng, làn sóng dịch thứ tư vừa rồi, bè cá của ông cũng không thoát cảnh lao đao khi cá không xuất bán được, giá thành lại thấp, hàng trăm tấn cá đã chuyển giòn phải chuyển sang chế độ ăn thức ăn bình thường để bảo đảm chất lượng cá.
10 năm “hóa rồng” cá chép
Ông Dũng kể, gia đình ông có truyền thống nuôi cá ở xã Phú Thuận, huyện Hồng Ngự. Hàng chục năm về trước, ông Dũng cùng cha bơi xuồng dọc theo con nước vớt cá giống về ươm giống để nuôi. Kinh nghiệm dày dạn, thế mà với sự nghiệp nuôi cá, ông Dũng cũng có không ít thời gian lao đao. Sự thăng trầm trong nghề nuôi cá của ông gắn liền với con cá tra. Hơn 10 năm trước, sau thất bại với nhiều vụ cá tra, ông Dũng mày mò tìm kiếm giống cá mới để nuôi, quyết tâm làm giàu từ con cá.
Trong một chuyến đi miền Bắc, ông Dũng biết đến loại cá chép giòn, nhìn thấy tiềm năng của con cá này, ông quyết định nhập hơn 2.000 cá giống về nuôi. Cá nuôi lớn rồi, thịt đạt chuẩn rồi, nhưng cá chép giòn quá xa lạ với người dân miền Tây, rất khó để cá ra chợ, vào được nhà hàng. Trước tình cảnh này, ông Dũng lại dồn tâm huyết để tiếp thị cá chép giòn.
Mỗi ngày, ông Dũng lái chiếc xe máy cũ kỹ với 2 sọt cá chép giòn phía sau tìm tới các nhà hàng, quán ăn, dùng đủ cách để giới thiệu sản phẩm. “Tôi phải gặp chủ nhà hàng để nói về cá chép giòn, thậm chí phải vào bếp để nấu cá rồi mời khách ăn thử. Thấy họ gật gù, tôi tặng lại mấy con để họ bán thử. Lúc ấy, mỗi chiều trở về nhà, lòng tôi nặng trĩu, nhưng ngủ dậy một đêm, lại hạ quyết tâm phổ biến loại cá này”, ông Dũng tâm sự.
Trời không phụ người có công, sự nỗ lực của ông Dũng bao nhiêu năm qua nay đã hái được quả ngọt. Cá chép giòn của ông Dũng nay đã có thương hiệu, uy tín được nhiều vựa cá, nhà hàng tìm đến mua bán. Con cá chép giòn từ những bè cá bên bờ sông Tiền đã bơi ra được biển lớn và “hóa rồng”, mang lại sự sung túc cho người nuôi.
Dù đã có những thành công nhất định với cá chép giòn nhưng ông Dũng cũng nhận định rằng, thời kỳ đỉnh cao của loại cá này một thời điểm nào đó sẽ không còn. Chính vì vậy, khi những người nuôi cá khác đến tìm hiểu, nhờ ông chia sẻ phương pháp nuôi cá, ông đều nhiệt tình hướng dẫn để cùng nhau làm giàu.
Anh Đặng Hoài Thanh, một người dân ở xã An Phong, huyện Thanh Bình nhận định: “Một thời điểm nào đó, cá chép giòn sẽ trở nên phổ biến hơn và người nuôi cũng nhiều hơn. Nhưng rồi người ta vẫn sẽ nhắc tới ông Năm Dũng (tên thường gọi của ông Dũng - PV) với cương vị là người đặt nền móng cho nghề nuôi loại cá này ở Đồng Tháp và thậm chí là cả khu vực miền Tây”.