Có thể thấy các bệnh viện quá tải thường ở các thành phố lớn và các bệnh viện tuyến trên, đây không chỉ là gánh nặng của ngành y tế mà còn là nỗi ám ảnh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Thế nhưng, sự quá tải ở một số bệnh viện như Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) từ lâu đã là một bài toán không có lời giải và đồng thời được ví như một căn bệnh nan y không có thuốc đặc trị. Tình trạng đông đúc, người người ngồi chờ đợi ở khắp nơi, từ người dân miền Tây cho tới miền Trung xa xôi vẫn diễn ra một cách thường xuyên.
Vào cuối tháng 10.2013, thông tin từ Bộ Y tế cho hay Chính phủ đã đồng ý về chủ trương và giao Bộ Y tế xây dựng đề án, sớm triển khai xây dựng cơ sở 2 của 4 bệnh viện đầu ngành. Dự án 20.000 tỉ đồng lấy từ vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được dùng để hỗ trợ xây mới các bệnh viện. Tại miền Bắc sẽ xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, tại miền Nam sẽ xây mới một Bệnh viện Nhi đồng và cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Khi đến các bệnh viện ở thành phố thăm khám, mỗi bệnh nhân luôn có một người nhà đi theo.
Người nhà bệnh nhân hoàn toàn không có nơi tá túc mà phải nằm vất vưởng ở hành lang, dưới gầm giường bệnh nhân hoặc kiếm tạm một nơi nào đó trong bệnh viện để ngả lưng. Trước đây, nhiều bệnh viện kiến nghị lên Bộ Y tế về việc xây nhà chờ cho người nhà bệnh nhân nhưng dường như vấn đề này vẫn còn là một dấu chấm hỏi.
Có mặt tại Bệnh viện Ung bướu từ sáng sớm, chúng tôi có thể thấy nơi tập trung nhiều bệnh nhân và người nhà nhất là khu khám bệnh. Khu này lúc nào cũng gần như kẹt cứng vì quá nhiều người qua lại. Đối với những người đang điều trị bệnh ung thư mà phải chen chúc khám bệnh thì vấn đề lây nhiễm thêm một số bệnh khác là điều khó tránh khỏi. Theo tìm hiểu của PV, mỗi bệnh viện chỉ được mở một nhà thuốc nên các bệnh viện lớn phải gồng lưng để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, dẫn đến tình trạng cầu vượt quá cung.
Dưới cái nắng gần 40 độC của TP.HCM, bệnh nhân phải xếp hàng, có người phải đến từ 3, 4 giờ sáng để lấy sổ khám bệnh, kẻ đứng người ngồi chờ đợi ở tất cả các khu vực, nhất là khu thanh toán viện phí và nhà thuốc của bệnh viện. Có thể thấy, xung quanh các bệnh viện đều có các phòng khám tư, dịch vụ tư được mở ra nhưng vẫn không thể nào giải quyết dứt điểm được vấn đề quá tải. Vừa qua, trong cuộc trao đổi với báo chí về thời gian hoàn thành của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, ông Lâm Thái Hòa, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Kế hoạch thi công phần xây lắp khoảng 18 tháng.
Trong thời gian đó, Ban quản lý sẽ hoàn thành các thủ tục của gói mua sắm trang thiết bị để bảo đảm thi công xong đến đâu thì lắp thiết bị đến đó. Dự kiến cuối năm 2017, người dân sẽ được khám chữa bệnh ở bệnh viện mới”. Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là nơi chuyên chữa trị cho các bệnh nhân ung thư ở khu vực phía Nam và hiện nay tình trạng quá tải đang ở mức báo động.
Làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật, làm sớm hơn thời gian quy định của Nhà nước, làm thêm giờ, làm ngoài giờ… là những giải pháp được tăng cường ở đây nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của bệnh nhân, thế nhưng tình trạng quá tải cũng chỉ tạm thời giải quyết được một phần. Thực hiện vấn đề giảm tải ở Bệnh viện Ung bướu đang là thách thức lớn đối với các hoạt động chăm sóc sức khỏe ở TP.HCM và cũng là bài toán cấp thiết khó có lời giải đối với ngành y tế.
Hoàng Phương