Chỉ tự nhận mình là một kẻ “ăn mày sách” nhưng “người ăn mày” này đã làm giàu rất nhiều cho đời sống tinh thần trẻ em nông thôn thông qua chương trình “Sách hóa nông thôn” do anh thiết kế và thực hiện suốt 20 năm.

22 tuổi, tôi đã đặt mục tiêu trở thành nhà cách mạng thư viện để thay đổi đất nước

04/09/2016, 04:59

Chỉ tự nhận mình là một kẻ “ăn mày sách” nhưng “người ăn mày” này đã làm giàu rất nhiều cho đời sống tinh thần trẻ em nông thôn thông qua chương trình “Sách hóa nông thôn” do anh thiết kế và thực hiện suốt 20 năm.

Nguyễn Quang Thạch theo đuổi mục tiêu là nhà cách mạng thư viện

Đóng góp của anh đã được vinh danh qua giải UNESCO King Sejong Literacy Prize 2016, một giải thưởng tôn vinh những người khai trí cộng đồng trên tinh thần “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Cuộc trò chuyện ngắn dưới đây cho thấy thêm khát vọng, lý do và thành bại của anh trên con đường mang kiến thức đến cộng đồng…

Mạnh Kim: Xin anh cho biết ý tưởng thành lập thư viện “Sách hóa Nông thôn” bắt đầu từ lúc nào? Trong suốt thời gian thực hiện chương trình, anh gặp điều gì khó khăn nhất?

Nguyễn Quang Thạch: Ý tưởng đưa sách về nông thôn khởi phát từ năm 1997. Ý tưởng xuất phát tự nhận thức cá nhân về các khuyết tật xã hội tích lũy từ ấu thơ đến khi ở trên giảng đường đại học và câu trả lời duy nhất để cải thiện tình hình là giúp cho người dân, đặc biệt là trẻ em có cơ hội tiếp thu tri thức từ sách như chính tôi từ nhỏ. Điều khó khăn nhất là do phần đa dân số đất nước ta bị mù chữ cả ngàn năm trước đó, văn hóa đọc chưa tồn tại trên quy mô quốc gia, cùng với sự thiếu sách ở nông thôn trong hàng chục năm qua, dẫn đến rất ít người thấu hiểu vai trò của sách và thư viện đối với sự phát triển của con trẻ và của sự phát triển quốc gia, nên tôi phải vất vả trong đưa ra các giải pháp để tạo nhận thức cho cả khu vực dân sự và chính quyền về sách hóa nông thôn. Ngay cả trên mạng xã hội, số người hiểu hàm ý chữ HÓA trong “Sách hóa Nông thôn” cũng không nhiều.

Mạnh Kim: Có lúc nào anh cảm thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ kế hoạch của anh?

Nguyễn Quang Thạch: Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống khai trí ở quy mô nhỏ và có khát vọng dân tộc. Chẳng hạn, từ thập niên 1930, những người bằng tuổi ông nội tôi được sinh ra vào cuối thế kỷ 19 đã đưa ra khẩu hiệu “Học và hành thật nhiều để nhón chân bên ni hình chữ S thấy bên tê là nước Mỹ” hoặc “học và hành để sánh đầu cùng nhân loại tinh hoa”. Để hiện thực tinh thần khuyến trí, ông nội tôi đã mời những người Tây học bên bà nội về dạy cho con cái và dòng họ, con tá điền của gia tộc tôi được học như cha tôi. Em ông nội tôi đã bán ruộng đất để làm trường học miễn phí cho toàn xã. Cha tôi đã dành gần 20 năm cuối đời dạy toán và tiếng Anh miễn phí cho nhiều trẻ em ở quê tôi. Bởi thế, càng lũy tích những khuyết tật xã hội trong tâm trí, càng thúc giục tôi hành động.

Mạnh Kim: Trong suốt thời gian thực hiện, anh có nhận được sự giúp đỡ gì từ nhà nước hay chính quyền địa phương không?

Nguyễn Quang Thạch: Tôi có cách tiếp cận đi từ dân sự đến chính quyền. Tôi xây dựng các tủ sách dòng họ bằng tiền túi và bằng hỗ trợ của một số cá nhân trong năm 2007-2009. Có kết quả rồi thì tôi truyền thông để khi tiếp xúc với chính quyền thì việc họ ủng hộ tôi là việc nghiễm nhiên. Nhờ cách làm này mà chính quyền tham gia hiện thực các ý tưởng của tôi rất nhanh. Hơn 10.000 tủ sách ra đời ở Thái Bình, Nam Định và các tỉnh khác là nhờ hành động của dân sự và chính quyền. Dân sự góp tiền mua sách, chính quyền địa phương ủng hộ phương thức xã hội hóa thư viện, mở cửa lớp học để đưa ông thầy sách vào lớp. Đặc biệt, Bộ Văn hóa và Bộ Giáo dục đã đưa các loại tủ sách mà tôi thiết kế và áp dụng vào danh mục khuyến khích nhân rộng trên toàn quốc gồm Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Phụ huynh (Tủ sách Lớp học).

Mạnh Kim: Trên con đường rong ruổi tìm sách, anh đã tìm được triết lý sống gì theo anh có giá trị nhất?

Nguyễn Quang Thạch: Hãy giúp cho người khác tiếp cận và lĩnh hội tri thức như mình để họ bằng mình và vượt mình nhằm thúc đẩy sự phát triển đất nước. Khi đặt mình ở tâm thế người tạo các tác động có điều kiện để thay đổi nhận thức xã hội thì bản thân sẽ tận tâm, kiên trì, bao dung, chấp nhận mọi sự khác biệt vì mục tiêu lớn, vì một xã hội văn minh và đất nước được tôn trọng.


Mạnh Kim: Giáo dục nước nhà, theo anh, có còn khả năng sửa lại được nữa không?

Nguyễn Quang Thạch: Thế hệ ông nội và cha tôi được ảnh hưởng của giáo dục Pháp. Nếu lấy hệ quy chiếu từ ông và cha tôi, những người có năng lực thực nghiệm và tinh thần xã hội tương đối tốt làm tiêu chuẩn ĐỂ SỬA LẠI thì vẫn có thể, nhưng với điều kiện tầng lớp trung lưu cấp tiến phải tham gia vào tiến trình thúc đẩy hệ thống thư viện dân sự rộng khắp trên toàn quốc, nhằm tạo ra kênh giáo dục trẻ em và người lớn trên toàn quốc làm cơ sở thay đổi nhận thức giáo dục. Kế đến, tầng lớp trung lưu cấp tiến hướng cho con cái học thông qua hành, theo mô hình giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) mà khu vực tư nhân đang tiến hành, để tạo tác động từ bên ngoài vào ngành giáo dục, để họ thấy xu thế của thế giới mà thay đổi.

Chúng ta cần hiểu rằng giáo dục gia đình của Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông thôn, rất yếu kém bởi nền tảng tri thức trong mỗi người cha, người mẹ, người ông người bà rất mỏng. Họ dạy con cháu theo “chủ nghĩa kinh nghiệm” chứ không được trải nghiệm khoa học xã hội và tự nhiên trên cơ sở thực nghiệm. Bởi thế, rất cần tầng lớp trung lưu cấp tiến hành động để tạo áp lực thay đổi cho ngành giáo dục cũng như thay đổi nhận thức của hàng triệu ông bố, bà mẹ nông thôn.

Mạnh Kim: Xin lỗi anh vì phải hỏi một câu hơi thiếu tế nhị, tôi nghe nói mắt anh bị đau, giờ mắt anh thế nào rồi, anh có nhận được sự trợ giúp tài chính từ ai để chữa mắt hay được bệnh viện nhà nước nào đề nghị giúp anh chữa mắt?

Nguyễn Quang Thạch: Tôi bị hỏng mắt trái từ năm 1996. Bị chấn thương võng mạc thành ra không còn khả năng hồi phục. Cũng có nhiều cá nhân đề nghị hỗ trợ chữa mắt nhưng y học hiện tại chưa có giải pháp. Tuy nhiên, nếu phải chữa mắt thì tôi sẽ đi làm lại để có thu nhập cao và tự trang trải cho mình. Làm phiền xã hội là điều tôi không muốn. Mắt phải của tôi vẫn ổn định. Năm ngoái, trên hành trình đi bộ Hà Nội - Sài Gòn, tôi hơi lo mắt phải bị ảnh hưởng vì do thời tiết và bụi đường.


Mạnh Kim: Sau giải thưởng này, kế hoạch tiếp theo của anh là gì?

Nguyễn Quang Thạch: Tôi vẫn tiếp tục kêu gọi tầng lớp trung lưu cấp tiến ở Việt Nam góp 240.000 đồng/năm để Chương trình Sách hóa Nông thôn có kinh phí đối ứng kích thích khoảng 7.000.000 cha mẹ học sinh nông thôn tham gia tạo dựng hệ thống tủ sách đến lớp học. Nếu có 500.000 người hành động thì chỉ trong hai năm, kế hoạch thúc đẩy khoảng 300.000 tủ sách ra đời sẽ thành hiện thực. Hiện tại đã có hơn 10.000 tủ. Kinh phí cho mỗi tủ sách chỉ mất khoảng 2 triệu đồng, như vậy chỉ cần 600 tỷ góp bởi tầng lớp trung lưu cấp tiến và chính cha mẹ học sinh nông thôn sẽ tạo ra hệ thống thư viện rộng khắp mà bất cứ đứa trẻ và người lớn nghèo ở Việt Nam đều được đọc sách.

Tôi đang lên kế hoạch nhân rộng các loại thư viện giá thấp sang các quốc gia mà trẻ đang thiếu sách như Ấn Độ, các nước Châu Phi. Hiện tại, Chương trình Sách hóa Nông thôn đã được Viện nghiên cứu học tập suốt đời của UNESCO (UIL) đưa thành mô hình tham khảo (case study) để chia sẻ toàn cầu. Đã đến lúc, người Việt cần ý thức được vai trò mình đối với sự phát triển toàn cầu.


Mạnh Kim: Anh nói gì với con anh về những gì anh đã làm và anh nhắn gửi gì với các bạn trẻ?

Nguyễn Quang Thạch: Tôi đã từng có tuổi trẻ như các bạn. 17 tuổi tôi muốn trở thành nhà văn để nổi tiếng. Ba năm ngụp lặn trong đời sống để lấy vốn viết văn nhưng không thành công và tôi đã quay lại đại học ở tuổi 20. Năm 21 tuổi, tôi đặt mục tiêu trở thành thủ tướng. Tôi mất một năm nghiên cứu các chiến lược chính trị và đã từ bỏ. 22 tuổi, tôi đặt mục tiêu trở thành nhà cách mạng thư viện để thay đổi đất nước và tôi đã kiên trì đến ngày hôm nay. Từ kinh nghiệm của tôi, nếu các bạn đặt mục tiêu vì mình, vì nổi tiếng thì bạn khó làm được việc gì, mà hãy đặt mục tiêu vì người khác, vì tổ quốc thì chính sự khát khao của bạn sẽ đánh thức chân tâm của mình, làm cho mình đam mê và luôn học hỏi để đặt mục tiêu cao cả. Tôi mong các bạn nghĩ nhiều về số phận của hàng triệu người Việt đang nghèo khổ, hàng triệu người Việt đang làm công nhân hay giúp việc ở xứ người, để chính các bạn định dạng được bản thân và tìm cách thay đổi số phận của chính mình và đồng bào của mình. Con trai tôi còn nhỏ nên tôi chưa nói với cháu những điều lớn lao mà chỉ mong sự tận tâm vì xã hội của mình sẽ giúp cháu ý thức được bổn phận của cháu đối với xã hội khi cháu đã trưởng thành.

Mạnh Kim: Cám ơn anh. Cám ơn anh vì những gì anh đã làm cho xã hội. Chúc anh nhiều sức khỏe để tiếp tục mang lại niềm vui cho đời và cho người.

Mạnh Kim thực hiện

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
22 tuổi, tôi đã đặt mục tiêu trở thành nhà cách mạng thư viện để thay đổi đất nước