Chính quyền Đài Loan cho biết 28 máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo hôm 15.6.

28 máy bay chiến đấu, ném bom hạt nhân và chống tàu ngầm Trung Quốc tiến sát Đài Loan sau hội nghị G7

Nhân Hoàng | 15/06/2021, 19:45

Chính quyền Đài Loan cho biết 28 máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo hôm 15.6.

Dù chưa có bình luận ngay lập tức từ Bắc Kinh, động thái này diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada) ra tuyên bố chung hôm 13.6 chỉ trích Trung Quốc về một loạt vấn đề và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan. Đây là bình luận mà Trung Quốc cho rằng là "vu khống ".

Đài Loan đã phàn nàn trong vài tháng qua về các nhiệm vụ lặp đi lặp lại của Không quân Trung Quốc gần hòn đảo tự trị, tập trung ở phía tây nam vùng nhận dạng phòng không gần quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát.

Nhiệm vụ mới nhất của Trung Quốc có sự tham gia của 14 chiến đấu cơ J-16, 6 chiến đấu cơ J-11, 4 máy bay ném bom H-6 có thể mang vũ khí hạt nhân cùng máy bay chống tàu ngầm, tác chiến điện tử và cảnh báo sớm, theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan.

Đây là cuộc xâm nhập hàng ngày lớn nhất kể từ khi Cơ quan phòng vệ Đài Loan bắt đầu báo cáo thường xuyên các hoạt động của Không quân Trung Quốc tại ADIZ hòn đảo vào năm ngoái, phá vỡ kỷ lục trước đó với 25 máy bay được báo cáo vào ngày 12.4.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan nói thêm rằng các chiến đấu cơ của Đài Loan đã được điều động để đánh chặn và cảnh báo máy bay Trung Quốc, trong khi các hệ thống tên lửa cũng được triển khai để theo dõi chúng.

Máy bay Trung Quốc không chỉ bay ở khu vực gần quần đảo Đông Sa, mà các máy bay ném bom và một số chiến đấu cơ đã bay quanh khu vực phía nam Đài Loan, gần với mũi dưới cùng của hòn đảo, theo bản đồ mà cơ quan phòng vệ cung cấp.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bình luận về vấn đề trên.

18-may-bay-trung-quoc-tien-sat-dai-loan.jpg
Máy bay ném bom H-6 có thể mang vũ khí hạt nhân của Trung Quốc

Trong quá khứ, Trung Quốc đã mô tả những sứ mệnh như vậy là cần thiết để bảo vệ chủ quyền của đất nước và đối phó với "sự thông đồng" giữa Đài Loan với Mỹ.

Không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng Mỹ ủng hộ hòn đảo mạnh mẽ nhất bất chấp gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Trung Quốc mô tả Đài Loan là vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất và là lằn ranh đỏ mà Mỹ không nên vượt qua. Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực để đảm bảo thống nhất hòn đảo.

Hôm 13.6, sau khi thảo luận về cách đi đến một lập trường thống nhất về Trung Quốc trong hộ nghị thượng đỉnh ở Anh, các nhà lãnh đạo 7 nền kinh tế giàu có đã ban hành một thông cáo cuối cùng mang tính chỉ trích cao, đi sâu vào những vấn đề nhạy cảm nhất với Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo G7 đã chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền ở Tân Cương, kêu gọi giữ mức độ tự chủ cao cho Hồng Kông, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

Người phát ngôn Văn phòng bà Thái Anh Văn - Xavier Chang cho biết đây là lần đầu tiên thông cáo chung của các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển và lần đầu tiên có "nội dung thân thiện với Đài Loan". Ông bày tỏ cảm ơn sâu sắc về sự ủng hộ của G7.

Ông Xavier Chang cho biết thêm, Đài Loan cùng các nước thành viên G7 chia sẻ các giá trị cơ bản như dân chủ, tự do và nhân quyền.

Đài Loan chắc chắn sẽ tuân thủ vai trò của mình như một thành viên có trách nhiệm trong khu vực và cũng sẽ kiên quyết bảo vệ hệ thống dân chủ cùng các giá trị phổ quát được chia sẻ”, ông Xavier Chang cam kết.

Ông Xavier Chang nói Đài Loan sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của mình với các nước G7 và các nước cùng chí hướng khác, đồng thời cố gắng nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế.

Theo Xavier Chang, Đài Loan cũng sẽ đóng góp một cách vững chắc lực lượng tốt nhất cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường áp lực chống lại Đài Loan, với các cuộc tập trận quân sự thường xuyên gần hòn đảo này.

Trong khi hầu hết các nước, bao gồm cả các thành viên G7, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhóm này cùng các đồng minh phương Tây khác đã và đang ủng hộ hòn đảo này.

Điều đó bao gồm việc kêu gọi cho Đài Loan được tiếp cận thích hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong đại dịch coronavirus. Đài Loan không phải là một thành viên WHO do sự phản đối của Trung Quốc, vốn coi đây chỉ là một trong những tỉnh của mình.

Bài liên quan
Nhu cầu bay dịp tết tăng cao, giá vé máy bay leo thang từng ngày
Trong những thời điểm nhu cầu di chuyển tăng vọt, đặc biệt là vào dịp lễ tết, giá vé máy bay có xu hướng leo thang từng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
28 máy bay chiến đấu, ném bom hạt nhân và chống tàu ngầm Trung Quốc tiến sát Đài Loan sau hội nghị G7