Nhiều cơ quan báo chí đã liên hệ đề nghị cung cấp các hồ sơ liên quan đến dự án đường phía đông đầm Lập An, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đồng ý cung cấp.

3,4km đường trị giá 172 tỷ đồng: ‘Hồ sơ rất nhiều nên không thể cung cấp’

Quế Sơn | 03/12/2020, 14:39

Nhiều cơ quan báo chí đã liên hệ đề nghị cung cấp các hồ sơ liên quan đến dự án đường phía đông đầm Lập An, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đồng ý cung cấp.

Như đã thông tin, dự án đường phía đông đầm Lập An dài khoảng 3,4km, thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế với số vốn đầu tư lên tới 172 tỷ đồng nhưng đã hư hỏng nặng sau khi bão số 13 đi qua. Đáng chú ý tuyến đường này vẫn còn trong quá trình thi công hoàn thiện, chưa đưa vào hoạt động.

Dự án có chiều dài chỉ 3,4km nhưng có tổng vốn lên tới 172 tỷ đồng, trong đó phần kinh phí phục vụ xây lắp lên tới 110 tỷ đồng được nhiều người có chuyên môn trong ngành xây dựng đánh giá là quá “đắt đỏ”. Dư luận tỉnh Thừa Thiên – Huế xuất hiện sự hoài nghi về tính minh bạch trong dự án, từ đó các cơ quan báo chí đã vào cuộc quyết liệt để điều tra, tìm hiểu sự việc nhằm phản ánh chính xác đến người dân.

2de457ca16cfe791bede.jpg
Hình ảnh tan nát của dự án đường phía đông đầm Lập An - Ảnh: LC

Sau các bài viết phản ánh thực tế về hiện trạng dự án, nhiều cơ quan báo chí đã đề nghị được tiếp cận hồ sơ thiết kế và hồ sơ dự toán các hạng mục của dự án để tìm hiểu nguyên nhân dự án bị hư hại sau bão số 13 cũng như nguyên nhân tổng vốn dự án lại lên tới 172 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay phía chủ đầu tư vẫn đang phớt lờ các đề nghị, kể cả đề nghị bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã có chỉ đạo chủ đầu tư dự án đường phía đông đầm Lập An là Ban Quản lý các khu kinh tế và công nghiệp tỉnh xác minh rà soát sự việc báo cáo lại Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời Ban cũng được yêu cầu minh bạch cung cấp thông tin các cơ quan báo chí cần.

Sau khi gửi giấy giới thiệu đề nghị cung cấp hồ sơ dự án, vào chiều 2.12, đại diện chủ đầu tư đã sắp xếp làm việc với phóng viên Một Thế Giới. Tại đây, ông Nguyễn Văn Thạch Tuấn, Phó giám đốc Ban đầu tư xây dựng của Ban Quản lý các khu kinh tế và công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cung cấp cho phóng viên tờ báo cáo sự việc hư hỏng tại dự án đường phía đông đầm Lập An, ngoài ra ông Tuấn không cung cấp thêm bất cứ hồ sơ nào liên quan đến dự án với lý do không được sự đồng ý của lãnh đạo Ban.

4188c6af87aa76f42fbb.jpg
Hệ thống vỉa hè, taluy bị sạt sau khi bão số 13 đi qua - Ảnh: LC

“Các hồ sơ liên quan đến dự án không phải là văn bản mật nhưng chúng tôi đã cung cấp cho các cơ quan chuyên môn có liên quan để xác minh sự việc, ở đây tôi chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin theo chỉ đạo của lãnh đạo Ban chứ không thể cung cấp hồ sơ. Nếu cần gì thêm phía báo chí có thể làm việc với lãnh đạo Ban”, ông Tuấn nói.

Không đồng ý với câu trả lời của vị đại diện chủ đầu tư, Phóng viên đã đến trực tiếp phòng làm việc của ông Lê Văn Tuệ, Giám đốc Ban Quản lý các khu kinh tế và công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế để đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến dự án. Cũng như ông Tuấn, ông Tuệ đã từ chối cung cấp và đề nghị phía cơ quan báo chí quay lại làm việc với Ban đầu tư xây dựng.

Ông Tuệ lý giải: “Chúng tôi chỉ cung cấp thông tin, còn hồ sơ dự án, dự toán … chúng tôi chỉ cung cấp cho các cơ quan chuyên môn, các hồ sơ của dự án rất nhiều có thể chở cả xe thì làm sao cung cấp cho phía báo chí được”.

0b4fc110d81f2941700e.jpg
Đại diện chủ đầu tư dự án trong 1 lần cung cấp thông tin cho báo chí - Ảnh: QS
cbf459221827e979b036.jpg
Dự án hàng trăm tỷ đồng nhưng lại không có thiết kế chắn sóng - Ảnh: LC

Mặc dù đã nhận được đề nghị chỉ cần cung cấp: Quyết định phê duyệt dự án, hồ sơ mời thầu và hồ sơ thiết kế của dự án nhưng ông Lê Văn Tuệ vẫn kiên quyết từ chối và đề nghị phía cơ quan báo chí quay lại tiếp tục làm việc với Ban đầu tư xây dựng.

Sự khắt khe đến khó hiểu của Ban Quản lý các khu kinh tế và công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế trong việc cung cấp hồ sơ cho báo chí càng làm tăng cao sự hoài nghi về tính minh bạch của dự án. Đến nay, phía chủ đầu tư vẫn nhất quyết khẳng định nguyên nhân hư hại dự án trị giá 172 tỷ đồng là do tác động của thiên tai.
Xin nhắc lại, dự án nằm ở khu vực đầm phá, gần biển tại địa phương thường xuyên bị thiên tai tàn phá nhưng lại không có thiết kế để chắn sóng.

Hiện tại, phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã vào cuộc thu thập hồ sơ, xác minh nguyên nhân dẫn đến sự việc cũng như xác minh tính thực tế của số vốn đầu tư lên tới 172 tỷ đồng nói trên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3,4km đường trị giá 172 tỷ đồng: ‘Hồ sơ rất nhiều nên không thể cung cấp’