Trong khi ngân sách huyện vướng nợ nần vì lãnh đạo địa phương nóng vội xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo huyện còn cho Quỹ an sinh xã hội vay.
Chiều 9.6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu xác nhận, nơi đây đã có quyết định kỷ luật ông Phan Thành Đông, Phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phước Long với hình thức cảnh cáo về mặt Đảng.
Cùng bị kỷ luật với hình thức tương tự còn có ông Lâm Thành Sáo, Phó bí thư kiêm Chủ tịch HĐND huyện Phước Long.
Sai phạm nặng nhất là ông Trần Hoàng Duyên - nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Long. Tuy nhiên, do cán bộ này nguyên là Tỉnh ủy viên nên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu sẽ họp để thông qua việc xử lý, kỷ luật theo thẩm quyền.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, trên cương vị người đứng đầu cấp ủy nhưng ông Duyên cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Thường trực chủ trương triển khai ồ ạt nhiều dự án khi chưa cân đối được nguồn vốn.Nhiều nơimặc dù chưa bố trí vốn nhưng vẫncho nhà thầu ứng vốn trước để thi công.Việc làm này trái quy định pháp luật, làm cho nợ đọng liên tục tăng và khó khắc phục được.Cụ thể, năm 2013, nợ đọng của huyện gần 125 tỉđồng và đến cuối năm 2015 con số này đã gần 400 tỉđồng.
Ông Duyên còn bị cho là chủ trương cho UBND huyện và các xã, thị trấn chia nhỏ dự án, chỉ định đơn vị thi công mà không tổ chức đấu thầu nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch.Trong quá trình xây dựng, nguyên Bí thư huyện Phước Long đã chỉ đạo tạm ứng ngân sách trả tiền mua vật tư thi công trái với chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy. Từ đó, làm phát sinh thêm nợ đọng.
Ngoài ra, ông Duyên cùng với các lãnh đạo huyện còn vận động một số cá nhân có tài sản đem thế chấp ngân hàng lấy tiền cho Quỹ an sinh xã hội nông thôn mới vay, rồi chỉ đạo tạm ứng ngân sách trả.Đây là hình thức huy động vốn trái quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tính đến thời điểm kiểm tra, các cá nhân đã cho vay hơn 30 tỉđồng. Trong đó đã chuyển trả gần 29 tỉđồng, còn nợ 2 tỉđồng (tiền lãi 677 triệu đồng).
Riêng gia đình ông Duyên đã đem tài sản (nhà, đất, sổ tiết kiệm) thế chấp ngân hàng lấy tiền cho quỹ vay hơn 13 tỉđồng để khắc phục khó khăn khi ngân sách mất cân đối.
Hiện huyện đã tạm ứng ngân sách trả cho gia đình ông Duyên trên 11 tỉđồng, còn nợ 2 tỉđồng, trong đó lãi suất 267 triệu đồng.
Ngoài ông Duyên, ông Lâm Thành Sáo (nguyên Phó chủ tịch UBND huyện) cho ngân sách huyện vay 5,3 tỉđồng, lấy lãi 216 triệu đồng; nguyên Chủ tịch UBND huyện Phan Thành Đông cho vay 1,4 tỉđồng, lấy lãi 80 triệu đồng.
Theo báo cáo của UBND huyện Phước Long, 5 năm qua địa phương này đã huy động gần 5.194 tỉđồng để xây dựng nông thôn mới.Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước trên 682 tỉđồng, còn lại là vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất (2.190 tỉ), vốn nhân dân (2.223 tỉ) và huy động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được gần 97 tỉđồng.
Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đúng kế hoạch, nhiều dự án được lãnh đạo huyện cho xây dựng trước, đấu thầu sau. Do không cân đối được vốn, một số công trình đang xây dang dở.
Không chỉ trường học mà công trình giao thông cũng được UBND huyện Phước Long xé lẻ thành nhiều gói thầu nhỏ nhưdự án đường từ giáp ranh thị trấn Phước Long đến xã Vĩnh Phú Tây và Phong Thạnh Tây A.Trong đó, cùng ngày 16.4.2013, chủ đầu tư đã ký nhiều hợp đồng có số liền kề nhau với DNTN Hùng Hậu để đơn vị này thực hiện nhiều gói thầu nhỏ từ 1 đến 1,4 tỉđồng/hợp đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lâm Thành Sáo nhìn nhận những thiếu sót mà lãnh đạo huyện đã làm trong những năm xây dựng nông thôn mới.Theo ông Sáo, dohuyện không có vốn nên đã yêu cầunhà thầuxuất tiền túi xây trướcđể kịp tiến độ hoàn thành một số công trình nông thôn mới. Chính vì vậy, địa phương đã cho một số doanh nghiệp thi công khi chưa đấu thầu, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ.
"Làm như vậy là sai Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. Nếu không làm vậy thì địa phương có công trình sẽ không kịp đủ điều kiện đạt các tiêu chí nông thôn mới. Trước khi làm, chúng tôi đều họp Ban Thường vụ Huyện ủy và được sự thống nhất của tập thể chứ không cá nhân nào dám làm trái luật", ông Sáo nói.
Hàm Yên
Ảnh:Hồ sơ một dự án đã thi công trước rồi mới duyệt vốn sau.