“ADB sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong các doanh nghiệp tư nhân. Những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư là kinh doanh nông nghiệp, năng lượng tái tạo…và một số lĩnh vực khác của Việt Nam” – ông Nakao - Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho hay.
Tại buổi họp báo chiều 17.6, ông Takehiko Nakao – Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết bên cạnh việc cho vay đầu tư công, ADB sẽ cho doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng tái tạo...của Việt Nam vay vốn.
Trước cuộc họp báo này, Chủ tịch ADB đã gặp nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Ông Nakao cho rằngvấn đề mấu chốt là Việt Nam cần tiếp tục thực thi chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu.
“Chính phủ Việt Nam cũng cần xử lý nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế và nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Một điều quan trọng nữa là nhà nước cần giảm tỷ lệ sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao quản trị doanh nghiệp” – ông Nakao nói.
Theo đó, ADB kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay, bằng mức của năm 2015. Lạm phát được dự báo ở mức 3% trong năm nay.
Quan trọng hơn, theo ông Nakao, ADB sẽ hỗ trợ chuẩn bị các dự án trọng điểm theo mô hình đối tác công tư (PPP), phù hợp với khung pháp lý thống nhất về PPP đã được ADB hỗ trợ.
“ADB sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong các doanh nghiệp tư nhân. Những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư là kinh doanh nông nghiệp, năng lượng tái tạo…và một số lĩnh vực khác của Việt Nam” – ông Nakao nói.
Chủ tịch ADB cũng cho biếtkhoản nợ đáo hạn của Việt Nam đối với ADB trong năm ngoái là 400 triệu USD. Dự kiến, mức giải ngân năm nay là 800 triệu – 1 tỉ USD. Theo đó, số cho vay ròng sẽ là vào khoảng 400 - 600 triệu USD.
Theo chia sẻ từ phía ADB, thời gian tới, việc cho doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vay vốn sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp tư nhân nào đề xuất vay vốn từ ngân hàng này. Do đó, dù muốn tăng cường đầu tư vào khu vực tư nhân nhưng vẫn phải dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp tại Việt Nam.
“Chúng tôi có chương trình cho vay ở nhiều quốc gia khác nhau. Trước kia chúng tôi không cho doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vay và mới cho phép vay trở lại gần đây. Về mặt lý thuyết thì chúng tôi cũng muốn tăng cường cho vay nhưng các doanh nghiệp tư nhân cũng đề xuất” – ông Nakao nói.
Theo chia sẻ của ông Nakao, lĩnh vực vay cũng được mở rộng chứ không giới hạn. Với Myanmar, ADB mới chỉ bắt đầu cho doanh nghiệp tư nhân của nước này vay từ năm 2013 trong lĩnh vực viễn thông và năng lượng tái tạo; ở Trung Quốc là cho vay lĩnh vực thiết bị y tế… còn ở Việt Nam, doanh nghiệp nông nghiệp và năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên.
ADB đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993. Tính đến hết năm 2015, ADB đã cung cấp 14,4 tỉ USD vốn vay, hơn 276 triệu USD hỗ trợ kĩ thuật và hơn 318 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
Tới đây, trong lĩnh vực y tế, ADB sẽ hỗ trợ để mở rộng các trung tâm y tế cộng đồng và tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế so với mức 76% hiện nay.
Trong lĩnh vực giáo dục, ADB sẽ tăng cường hỗ trợ theo chiều sâu để cải thiện chất lượng giáo dục trung học, và mở rộng hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo kỹ thuật, dạy nghề.
“ADB cũng sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, gồm đường bộ và các hệ thống vận chuyển hành khách công cộng số lượng lớn, truyền tải và phân phối điện năng, năng lượng tái tạo, điện khí hóa nông thôn, cơ sở hạ tầng đô thị, thủy lợi và quản lý tài nguyên nước… cho Việt Nam” – ông Nakao nói.
Theo ông Nakao, Việt Nam đang ngày càng chịu tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán và lũ lụt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp. ADB sẽ cung cấp, hỗ trợ kỹthuật cũng như các khoản vay cho lĩnh vực này.
Mới đây, ADB cũng đã phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu USD từ Quỹ ứng phó thảm họa châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng này để hỗ trợ giảm nhẹ thiệt hại do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Trí Lâm