“Cách tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công hoặc tăng sản lượng khai thác dầu... có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách”, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR nhấn mạnh.
Trong buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2017 vừa diễn ra, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết năm 2017 Chính phủ quyết tâm rất cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra là 6,7%, bất chấp nhiều cảnh báo khó khả thi.
Theo đó, các biện pháp đã được nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ, ngành (Chỉ thị 24/CT-TTg, 2.6.2017). Đặc biệt, ngành dầu khí được chỉ thị tăng cường sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào GDP.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô... có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách”, ông Thành nhấn mạnh và cho rằng, chúng ta đang sử dụng trở lại kế hoạch hóa khi yêu cầu từng bộ, ngành, đơn vị, thậm chí làdoanh nghiệp lớn phải có tăng trưởng nhất định.
Vẫn theo TS Thành, điều này có thể đi ngược lại với tinh thần tự nhiên của kinh tế. “Như Samsung, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của họ có một thủ tướng nước địa phương đến đặt ra kế hoạch tăng trưởng. Chúng ta đều biết các doanh nghiệp như vậy có kế hoạch toàn cầu. Kế hoạch được lập theo dự báo cung cầu của họ chứ không phải theo cái điều kiện gì đó của Việt Nam. Họ không thể nào vô nguyên tắc trong kế hoạch hóa của họ được”.
Còn theo TS Vũ Đình Ánh, Việt Nam đang lựa chọn sai cách thức tăng trưởng khiđặt ra các giải pháp tăng trưởng kinh tế dựa vào trọng cung (tăng khai thác, sản xuất, xuất khẩu..) trong khi, để tăng trưởng trong năm nay thìphải trọng cầu.
"Chúng ta lao vào đầu tư, không những không góp nhiều cho tăng trưởng mà còn để lại hệ lụy về sau”, ông Ánh nói.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế đang tăng trưởng dưới tiềm năng, nên Chính phủ mong muốn đạt mức tăng trưởng năm 2017 ở mức 6,7% là hợp lý và phù hợp với yêu cầu.
Tuy nhiên, ông Lê Đăng Doanh cũng cho biếtnếu tăng trưởng năm nay không đạt được như mức Chính phủ đã đề ra thì sẽ là 2 năm liên tục không đạt được tăng trưởng theo Nghị quyết Quốc hội. Khi đó, chi ngân sách và nợ công vượt ngưỡng đề ra. Do đó, vị này cho rằng phải tích cực cải cách hơn nữa để đạt được mức tăng trưởng.
Cụ thể, ông Doanh nói các DNNN phải nâng cao hiệu quả kinh doanh, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, giảm bớt thủ tục, thuếphí; thực hiện tốt cổ phần hóa DNNN…
“Thủ tướng yêu cầu năm 2017 là năm giảm chi phí, nhưng tôi chưa thấy chi phí nào giảm và giảm ở đâu. Chỉ thấy lãi suất giảm một cách thận trọng, trong khi các chi phí khác như vận tải, chi phí ngoài quy định vẫn còn cao. Giá đất tại một số địa phương đang muốn tăng để tăng thu ngân sách. Cần thực hiện có hiệu quả và kịp thời chỉ đạo của Thủ tướng thì giảm chi phí hoàn toàn ở trong tầm tay”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Bên cạnh đó, theo TS Lê Đăng Doanh, việc chi tiêu ngân sách hiện nay còn chưa tiến bộ, nhất là thực trạng hiện nay chi thường xuyên lên đến 71%, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chưa có chuyển biến. Do đó, việc cần và có thể làm tốt hiện nay để giải quyết tăng trưởng kinh tế vĩ mô chính là tái cơ cấu ngân sách, giảm chi thường xuyên và giảm số lượng công chức.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, 6 tháng qua, số doanh nghiệp trong nước tạm ngừng hoạt động và phá sản vẫn rất cao, môi trường kinh doanh chưa cải thiện nhiều dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh như như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35.
Đáng lo hơn, trong quý 2/2017, tăng trưởng của Việt Nam vẫn nhờ chủ yếu vào động lực từ nước ngoài như tăng đầu tư, tăng xuất khẩu và khai khoáng, còn khu vực trong nước đang giảm. Khu vực công lại đang chật vật cải cách. “Phải cải cách mới làm cho DNNN tốt hơn, còn nếu không thực hiện được, chỉ đưa chính sách không thì vô tình lại tạo điểm nghẽn chính sách”.
Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằngđối với đầu tư nước ngoài, áp lực và chi phí liên quan đến chính quyền đỡ hơn so với doanh nghiệp trong nước, bởi các doanh nghiệp nước ngoài có lượng đầu tư lớn, lại được bảo vệ bởi các đại sứ quán. Hơn nữa, nếu bị gây khó dễ thì báo chí quốc tế cũng soi vào nên các doanh nghiệp này không bị “hành” như doanh nghiệp trong nước.
Đề cập đến vấn đề này, theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM, để thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần phải cải cách mạnh mẽ để kích nguồn cung.
“Tăng trưởng đi đôi với chất lượng là thông điệp dễ bị nhầm lẫn và mang tính áp đặt chỉ huy. Trong khi thông điệp cần hướng tới là chuyển dần sang cơ chế thị trường nên thông điệp vĩ mô nếu không thận trọng, chỉ nhìn vào ngắn hạn để có tăng trưởng là thiếu nhất quán. Khi dồn sức cho tăng trưởng sẽ dễ bỏ quên cải cách, hoặc tăng cải cách để gia tăng năng suất giá trị gia tăng rồi lại phải dừng lại để hướng đến tăng trưởng”, TS Thành nhận định.
Hoài Phong