Đài Channel News Asia dẫn lời giới phân tích nhận định một nhiệm kỳ nữa giúp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tăng thâm niên lẫn vị thế chính trị để theo đuổi những tham vọng lớn.
Tổng tuyển cử Ấn Độ vừa khép lại với chiến thắng của đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền, qua đó trao cho đương kim Thủ tướng Modi nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Dự kiến thời điểm ông chính thức nhậm chức là vào ngày 8.6.
Theo Giáo sư quan hệ quốc tế Harsh.V.Pant (Đại học King): “Thủ tướng Modi trở thành một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới với 3 chiến thắng bầu cử. Ông đã đặt ra nhiều tham vọng lớn cho bản thân lẫn cho đất nước, khó có khả năng ông hài lòng với di sản của chính mình”.
Ở 2 nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Modi dựa vào vị thế toàn cầu ngày càng lớn của Ấn Độ để củng cố vị thế trong nước, đồng thời tận dụng ghế Chủ tịch G20 mà cường quốc Nam Á này nắm giữ đánh bóng hình ảnh bản thân ở ngoài nước. Giờ đây ông hi vọng có thể đăng cai Olympic mùa hè 2036 nhờ tổ chức thành công Giải vô địch cricket thế giới 2023, đặc biệt còn nỗ lực vận động trao ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho Ấn Độ.
Với Mỹ và châu Âu
Ấn Độ là thành viên quan trọng của nhóm Quad, cùng Mỹ, Nhật, Úc ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tiếp đón Thủ tướng Modi vào năm ngoái, Tổng thống Joe Biden tuyên bố quan hệ giữa Washington với New Delhi là “mối quan hệ định hình thế kỷ 21”. Tháng 2 vừa qua Mỹ còn phê duyệt thương vụ bán máy bay không người lái tân tiến trị giá 4 tỉ USD cho cường quốc Nam Á này. Quan hệ song phương ngày càng trở nên sâu sắc.
Không chỉ Mỹ, Ấn Độ cũng đang tăng cường quan hệ với các nước châu Âu, đồng thời hi vọng ký thêm nhiều hợp đồng mua vũ khí như chiến đấu cơ Rafale và tàu ngầm lớp Scorpene với Pháp.
Với Trung Quốc
Ấn - Trung đều là thành viên diễn đàn Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, nhưng quan hệ giữa hai nước đông dân nhất thế giới lại trở nên xấu đi từ sau vụ đụng độ chết người tại biên giới năm 2020.
Tiến sĩ Karthik Nachiappan (Đại học Quốc gia Singapore) nhấn mạnh Trung Quốc tiếp tục là mối quan hệ quan trọng và có ý nghĩa lớn nhất đối với Ấn Độ ở châu Á. Thủ tướng Modi cần tìm ra cách tiếp cận đúng đắn khi hai nước không ngừng cạnh tranh.
Cựu Đại sứ Ấn Độ Jayant Prasad dự đoán tình trạng đối đầu sẽ kéo dài: “Ấn Độ cùng đối tác chắc chắn cố gắng kiềm chế Trung Quốc”.
Với nam bán cầu
Tuần qua, Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ là “tiếng nói mạnh mẽ và quan trọng của nam bán cầu”. Cường quốc Nam Á này nỗ lực nâng cao vị thế đại diện cho các quốc gia châu Á, châu Phi, Nam Mỹ bằng cách hai lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh “Voice of the Global South” vào năm ngoái.
Thủ tướng Modi thúc đẩy nhóm G20 trao tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Ấn Độ luôn nhấn mạnh quốc gia đang phát triển cần có tiếng nói lớn hơn trong các quyết định toàn cầu.
Với Nga
Ấn - Nga thiết lập quan hệ từ thời Chiến tranh lạnh. Đến nay Nga vẫn là nước cung cấp vũ khí số 1 của Ấn Độ.
New Delhi không lên án cuộc chiến Ukraine do Moscow phát động, bỏ phiếu trắng loạt nghị quyết lên án Moscow của Liên Hợp quốc và không ngần ngại mua dầu thô Nga giá rẻ.
Khi Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử vào tháng 3, Thủ tướng Modi gửi lời chúc mừng, đồng thời bày tỏ mong muốn phát triển mối quan hệ “đặc biệt” giữa hai nước.
Với Pakistan
Thủ tướng Modi từ chối hợp tác với Pakistan kể từ khi cáo buộc nước láng giềng tiến hành khủng bố xuyên biên giới.
Kể từ năm 1947 đến nay giữa hai nước từng xảy ra 3 cuộc chiến lớn cùng nhiều giao tranh quy mô nhỏ khác. Vùng Kashmir còn đang tranh chấp là trung tâm của căng thẳng.
Năm 2015, Thủ tướng Modi bất ngờ sang thăm thành phố Lahore. Nhưng từ năm 2019 quan hệ song phương lao dốc.
Đến tháng 3, nhà lãnh đạo Ấn Độ chúc mừng chính trị gia Shehbaz Sharif quay lại nắm quyền. Đây là biểu hiện thiện chí hiếm hoi giữa hai nước.