Với giá từ vài chục triệu đồng/công (1.000 mét vuông), một số hộ dân ở xã Hòa An, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, sẵn sàng xẻ thịt lớp đất mặt ở ruộng nhà để bán”, vài người dân sinh sống tại đây cho biết.

An Giang: Cần mạnh tay xử lý nạn ‘xẻ thịt’ lấy đất mặt đem bán

10/04/2020, 13:49

Với giá từ vài chục triệu đồng/công (1.000 mét vuông), một số hộ dân ở xã Hòa An, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, sẵn sàng xẻ thịt lớp đất mặt ở ruộng nhà để bán”, vài người dân sinh sống tại đây cho biết.

Xe múc dùng để khai thác đất mặt ruộng trái phép tại địa bàn ấp Bình Thạnh 2, xã Hòa An - Ảnh: Tô Văn

Đến ấp Bình Thạnh 2, xã Hòa An, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, chúng tôi rảo nhiều vòng trên địa bàn ấp thì nhận thấy có vài công ruộng bị đào lớp đất mặt tạo thành những vuông sâu khoảng 30 cm, nằm xen giữa những chòm mả, những ruộng lúa.

Vài công ruộng bị đào lớp đất mặt tạo thành những vuông sâu khoảng 30 cm nằm xen giữa những chòm mả - Ảnh: Tô Văn

Một người dân sinh sống tại ấp Bình Thạnh 2 cho biết, những ngày cuối tháng 2.2019, tuyến đường từ cầu ngang chạy dài đến cầu Lò Rèn thông ra rạch Cái Bí và vàm Thông Lưu xuất hiện 4 chiếc xe tải lớn vận chuyển đất mặt ruộng chạy liên tục gây ồn ào, bụi bặm.

Điều này khiến cho việc tham gia giao thông của bà con trên tuyến cũng gặp khó khăn vì mặt đường nhỏ, xe tải lớn chiếm hết phần đường, nhiều trường hợp xe gắn máy qua mặt bị lọt xuống lề. Do chở quá tải, mặt lộ nơi đây bị lún và sụp, mố cầu Lò Rèn đang bị hở có nguy cơ sạt lở.

Do chở đất mặt ruộng quá tải, mặt lộ nơi đây bị lún và sụp, mố cầu Lò Rèn đang bị hở có nguy cơ sạt lở - Ảnh: Tô Văn

“Qua tìm hiểu, chúng tôi biết đoàn xe tải này do 1 doanh nghiệp làm gạch nung có tên Vạn Hòa (Ba Đậm) ngụ tại ấp Bình Thạnh 1, và họ mua lớp đất mặt ruộng của ông Huỳnh Thanh Tùng (tên thường gọi là Bứng) tại ấp Bình Thạnh 2.

Hiện nay, ông Tùng đã bán xong phần đất mình, Vạn Hòa lại mua của các hộ lân cận và lấy đất chạy tiếp tục. Còn trong rạch Lâm Vồ thì chủ đất bán đất mặt cho sà lan chuyên chở bằng đường sông gây khó khăn cho bà con tham gia trên con rạch này”, người dân này bức xúc nói.

Một chiếc sà lan chuyên chở đất mặt ruộng bằng đường sông gây khó khăn cho bà con tham gia trên con rạch này - Ảnh: Tô Văn

Chị P. (42 tuổi, ngụ cùng địa phương) cho biết: “Vì thế, cách đây hơn 1 tháng, chúng tôi đã gửi đơn đến UBND xã Hòa An, đài truyền hình An Giang kêu cứu về tình trạng này”.

Ông Phương Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa An, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang nói: “Từ xưa tới giờ Hòa An không có tình trạng này. Từ cuối tháng 2.2020, bắt đầu là hộ ông Huỳnh Thanh Tùng (SN 1977, ngụ ấp Bình Thạnh 2, xã Hòa An) đã có hành vi tự thuê Kobe bán lớp đất mặt trồng lúa chiều sâu khoảng 30 cm, diện tích 896 m2 thuộc tờ bản đồ 02, thửa số 1215.

Địa phương đến kiểm tra, lập biên bản đình chỉ, không cho đào đất thì những người khai thác ngưng, bỏ đi. Tuy nhiên, khi lực lượng kiểm tra về thì những người này lại khai thác tiếp nên xã phải kiến nghị UBND huyện xử lý”.

Ông Phương Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa An, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang trao đổi với PV - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo ông Thanh, khoảng cuối tháng 3.2020, UBND xã Hòa An đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Tùng do có hành vi khai thác đất trái phép với số tiền 3,5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu khôi phục lại tình trạng như ban đầu. Riêng việc lấy đất trong rạch Lâm Vồ là lúc trước do UBND xã có cho 1 doanh nghiệp lấy phần đất gò và bờ còn to (còn gọi là mô bự, do sản xuất không hiệu quả - PV).

“Còn việc lấy đất gò số lượng nhiều như người dân phản ánh thì chiều nay chúng tôi sẽ xuống kiểm tra, xử lý và yêu cầu ngưng khai thác ngay từ hôm nay. Nếu họ làm đúng theo địa phương yêu cầu thì chúng tôi không lập biên bản. Còn việc họ vi phạm lấy số lượng đất quá quy định, chúng tôi sẽ lập biên bản, xử lý luôn”, ông Thanh nhận định.

Theo các nhà khoa học và cơ quan chức năng, lớp đất mặt trong canh tác lúa có vai trò quan trọng, bởi nó cung cấp nhiều khoáng chất cần thiết, giữ nước và làm nền cho cây lúa phát triển. Việc bán lớp đất mặt khiến năng suất những vụ lúa tiếp theo thường không cao, dễ bị đổ ngã, phải dùng nhiều phân bón nên chi phí cuối vụ cao hơn so với trước.

Tô Văn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Cần mạnh tay xử lý nạn ‘xẻ thịt’ lấy đất mặt đem bán