Khi căng thẳng tăng lên trên biển Đông qua các hoạt động ngày càng khiêu khích của Trung Quốc, còn Mỹ quyết định sẽ bảo vệ trực tiếp các lợi ích của họ trong khu vực, nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng xảy ra đụng độ Mỹ - Trung là rất cao.
Mỹ cảnh báo sẽ đưa vũ khí hiện đại nhất vào Biển Đông |
Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Mỹ đều đưa ra nhiều cam kết ở biển Đông tới mức mỗi nước khó có thể tìm được đường lui. Trong hai tuần qua, những cam kết này đã phát sinh một cuộc khẩu chiến khiến các nhà phân tích mối quan hệ này thấy quan ngại. Các vấn đề chính tập trung vào những hoạt động mở rộng và tôn tạo đảo một cách phi pháp của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mỹ không chấp nhận hành động trái phép này của Trung Quốc. Washington vừa yêu cầu ngừng ngay hành động này đồng thời tuyên bố kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố việc xây dựng đảo là hoạt động “bình thường” trong phần lãnh thổ của họ, một vị trí không được Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc ủng hộ.
Dưới đây là ba khả năng có thể dẫn đến cuộc xung đột được nêu ra trên báo National Interest của Mỹ cuối tuần qua:
1. Nếu các tàu hay máy bay Mỹ vào vùng biển mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền, khi đó các thủy thủ, binh sĩ và phi công Trung Quốc phải cẩn thận trong các phản ứng. Nếu họ phản ứng theo kiểu quân sự hóa, tình hình có thể nhanh chóng leo thang, đặc biệt trong trường hợp các lực lượng Mỹ bị thiệt hại nghiêm trọng. Cũng dễ dàng tưởng tượng ra một kịch bản trong đó việc xây dựng đảo trái phép khiến Trung Quốc vướng vào một cuộc chiến tranh chống lại các quốc gia ASEAN. Trong trường hợp này, một cuộc tuần tra để đảm bảo tự do hàng hải có thể đặt Trung Quốc vào một thế khó xử liên quan đến bên thứ ba.
2. Trung Quốc và Mỹ từng suýt xung đột do các vụ va chạm máy bay. Khi chiếc P-3 Orion của Mỹ đụng phải một máy bay đánh chặn J-8 của hải quân Trung Quốc năm 2001, phải mất nhiều tuần lời qua tiếng lại tố cáo lẫn nhau và đàm phán, tổ lái P-3 mới được trở về Mỹ và chiếc máy bay lúc đó chỉ còn là... một cái hộp. Không khó để hình dung một cuộc đối đầu còn nghiêm trọng hơn ở biển Đông. Một vụ va chạm không cố ý cũng đã đủ tồi tệ, nhưng nếu một kịch bản phát triển tới mức tương tự như vụ bắn hạ KAL 007 (máy bay dân sự Mỹ bị phi công Liên Xô bắn nhầm ngày 1 -9-1983), với một chiến đấu cơ Trung Quốc nhắm bắn vào máy bay Mỹ, tình hình có thể xấu đi cực kỳ nhanh chóng. Và nếu một phi công Mỹ bắn vào một máy bay Trung Quốc, phản ứng của công chúng Trung Quốc có thể trở thành lý do quá đủ để Bắc Kinh xử lý một cách hợp lý.
3. Khi Trung Quốc quyết định đi trước và tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông, vấn đề có thể trở nên phức tạp hơn. Mỹ đã phô bày hành động phớt lờ ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, nhưng Trung Quốc có những lợi ích lớn hơn và sự hiện diện lớn hơn trên biển Đông. Một tuyên bố lập ADIZ nữa gần như chắc chắn sẽ xảy ra một phản ứng tương tự từ Mỹ, đặt các máy bay Mỹ và Trung Quốc vào trạng thái ở rất gần nhau.
Khả năng thứ ba là nguy cơ va chạm tàu ngầm. Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô và NATO nhiều lần suýt đụng nhau ở Đại Tây Dương, Bắc Cực và biển Bắc. Các sự cố tương tự giữa Mỹ và Trung Quốc cho đến nay chưa xảy ra, một phần do các tàu Trung Quốc không có phạm vi hoạt động xa như tàu của Liên Xô. Nhưng khi lực lượng tàu ngầm của hải quân Trung Quốc trở nên mạo hiểm hơn, các sự cố tàu ngầm có thể tăng lên. Nếu một vụ va chạm tàu ngầm lớn giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra, nhiều mạng sống và tài sản sẽ gặp nguy hiểm hơn một vụ đụng chiến đấu cơ.
Hồng Phương (Công an TP.HCM)