Các nhân vật của Alexander Dumas sống mãi trong lòng người đọc, dù đó là nhân vật hư cấu hoàn toàn hay hư cấu một phần cũng không quan trọng. Tòa lâu đài cổ lỗ, xoàng xĩnh về mặt kiến trúc vẫn mãi thu hút du khách đến tìm chốn xưa của các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn vĩ đại.

Bá tước Monte Cristo và lâu đài If

07/09/2017, 12:17

Các nhân vật của Alexander Dumas sống mãi trong lòng người đọc, dù đó là nhân vật hư cấu hoàn toàn hay hư cấu một phần cũng không quan trọng. Tòa lâu đài cổ lỗ, xoàng xĩnh về mặt kiến trúc vẫn mãi thu hút du khách đến tìm chốn xưa của các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn vĩ đại.

Lâu đài If

Từ một kiệt tác

Dantès đứng dậy, đưa mắt nhìn về nơi mà dường như con tàu đang đi tới, và trước mặt anh độ một trăm toise, anh thấy sừng sững cái khối đá đen sì và dữ dội của pháo đài If ảm đạm. Cái hình thù kỳ lạ ấy, cái nhà tù mà quanh nó bao trùm một nỗi khiếp sợ đến tột cùng ấy đột ngột xuất hiện trước Dantès, vốn chẳng hề nghĩ gì đến nó, đã tác động đến anh giống như hình dáng chiếc giá treo cổ tác động đến người tử tù. (Trích A. Dumas. Bá tước Monte Cristo)

Bá tước Monte Cristo, một trong những kiệt tác của văn học Pháp và thế giới, được viết trong khoảng thời gian từ năm 1844-1845. Để tác phẩm đạt độ chân xác cao nhất, tác giả, nhà văn Alexander Dumas đã đích thân thâm nhập thực tế những nơi chốn mà nhân vật của mình sẽ phải trải qua: đảo Corse, Paris, Marseille và đặc biệt là tòa lâu đài trên đảo If.

Tòa lâu đài trên đảo If, nơi nhân vật chính của câu chuyện trải qua 14 năm bị giam cầm trong ngục tối, là một thực thể tồn tại trong thực tế, không phải là kết quả hư cấu của nhà văn.

Khi được xây dựng bởi một tác giả bậc thầy, một nhân vật văn học có thể trở thành biểu tượng của một lý tưởng hay một thời đại và được cộng đồng xã hội coi như một nhân vật thực tế. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi ở Matxcơva có đường phố Pavel Corchaghin (nhân vật chính trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky) hay ở phố Baker của Luân Đôn có bảo tàng Sherlock Holmes (nhân chính trong loạt truyện trinh thám lừng danh của Conan Doyle). Trên khắp thế giới, hàng triệu độc giả ưa thích tác phẩm Bá tước Monte Cristo cũng mong muốn được tận mắt nhìn thấy đảo If, tòa lâu đài u ám và căn hầm tối giam giữ nhân vật yêu thích của mình. Cần biết rằng, về phương diện kiến trúc, tòa lâu đài trên đảo If thua rất nhiều lâu đài cổ của nước Pháp. Nhưng dưới ngòi bút thiên tài của Alexander Dumas, nó đã trở thành biểu tượng của ý chí, nghị lực, thông qua nhân vật Edmond Dantes, tức bá tước Monte Cristo về sau.

Tòa pháo đài vô tích sự

Lâu đài If nằm trên đảo If, một hòn đảo nhỏ trong quần đảo Frioul cách không xa bờ biển Marseille, trực thuộc hạt Bouches du Rhone, tỉnh Aix, miền Nam nước Pháp. Lâu đài (về thực chất là pháo đài) được khởi công xây dựng năm 1527 và hoàn tất vào năm 1531, theo lệnh của vua Francois I, như một tiền đồn chống cự những cuộc tấn công từ phía biển. Suốt 5 thế kỷ nay, tòa pháo đài này chưa một lần bị tấn công, vây hãm, nên cho đến nay vẫn ở trong tình trạng gần như nguyên vẹn và đặc biệt là đã trở thành một trong những biểu tượng của thành phố biển Marseille xinh đẹp.

Từ trước Công nguyên, hoàng đế Caesar của La Mã từng dừng chân hai ngày trên đảo If trước khi đổ bộ lên đất liền, đánh chiếm vùng đất ngày nay thuộc Pháp. Có thể gọi đảo If là hòn đảo tí hon, vì nơi rộng nhất chỉ đạt 180m và dài chỉ có 300m, diện tích vào khoảng 30.000 mét vuông. Có một thời gian khá dài, khi chính quyền không mấy quan tâm đến đảo If, tòa lâu đài trên đảo trở thành chốn dung thân lý tưởng cho đám cướp biển, dân buôn lậu và cả những những ngư dân, thợ săn chẳng may bị “nhỡ độ đường”. Ngày nay, tòa lâu đài trở thành điểm tham quan thú vị đối với những du khách yêu mến tác phẩm Bá tước Monte Cristo – họ muốn được tự thân cảm nhận những đau đớn nặng nề về tinh thần và thể xác mà nhân vật Edmond Dantes từng phải chịu đựng cách đây hai thế kỷ.

Nhìn từ xa, tòa lâu đài như mọc liền một khối với núi đá trên đảo. 3 trong số 4 góc của lâu đài được xây theo hình trụ tròn. Khuôn viên quanh lâu đài (gần như toàn bộ đảo If) được bao quanh bằng một bức tường đá rất chắc chắn. Bức tường này được xây dựng vào cuối thế kỷ 16, nghĩa là khoảng nửa thế kỷ sau khi đã có tòa lâu đài trên đảo. Trong khuôn viên có một ngọn hải đăng, một nhà thờ nhỏ và một tháp canh khá cao.

Mặc dù được xây dựng để phục vụ việc phòng thủ nhưng xét tổng thể, lâu đài đảo If khó mà gánh vác nổi chức năng này. Cuối thể kỷ 17, khi tới thăm đảo If, Vauban, kiến trúc sư thiên tài về các công trình phòng ngự của Pháp, đã vô cùng thất vọng khi thấy tòa lâu đài – pháo đài trên đảo được thiết kế với quá nhiều khiếm khuyết trong kiến trúc và được xây dựng khá cẩu thả. Theo Vauban, nếu bị tấn công, pháo đài If chắc chắn bị phá vỡ trong một sớm một chiều. Nhưng may thay, suốt nửa thiên niên kỷ tồn tại, lâu đài If chưa một lần phải thực hiện chức năng phòng thủ. Ngày nay, người ta thường cười mỉa và nói rằng có lẽ những kẻ thù của nước Pháp ngán ngại hình thù kỳ dị như quái vật của lâu đài If nên không dám tấn công chăng (?).

Thực ra thì cũng có một lần, vào năm 1531, vua Charles V của Tây Ban Nha nhăm nhe tấn công nước Pháp qua ngả Marseille, nhưng bỗng đổi ý vào phút cuối. Người Pháp cho rằng chính lâu đài If, lúc bấy giờ mới xây dựng xong, đã khiến Charles V hoảng sợ. Rất có thể như vậy.

Một cảnh trong phim Bá tước Monte Cristo

Nhà tù lý tưởng

Ngoài chức năng phòng thủ, từ năm 1689 lâu đài If còn được sử dụng làm nơi giam giữ những thành phần chống đối chính quyền. Chức năng thứ hai này đã được A. Dumas mô tả cực kỳ sinh động trong tác phẩm của mình. Tổng cộng đã có hơn 3.500 phạm nhân (tất cả thuộc án chính trị) bị giam cầm trong lâu đài If qua nhiều thời kỳ, trong đó có cả những nhà lãnh đạo Công xã Paris.

Rất nhiều tù nhân chính trị đã bỏ xác trong ngục tối của lâu đài. Trong số những người nổi tiếng bị giam cầm nơi đây có cả Honoré de Mirabeau, một trong những nhà lãnh đạo Cách mạng tư sản Pháp. Tương truyền ông bị bắt giam vào đây 6 tháng, theo lệnh của chính cha đẻ là Victor Mirabeau, nhưng được giam trong một căn phòng sang trọng chẳng khác gì phòng khách của một bá tước ở Paris.

Tháng 9.1830, nền Quân chủ tháng bảy hủy bỏ việc giam giữ tù chính trị trên đảo If, nơi đây chỉ còn có tù thường phạm và tù hình sự. Chế độ giam giữ cũng có sự phân biệt rõ rệt: ai có tiền thì được giam trên các tầng cao, có cửa sổ nhìn ra biển; ai nghèo khổ hoặc thuộc đối tượng cực kỳ nguy hiểm thì bị nhốt trong hầm tối. Tương truyền, có một thủy thủ trẻ chỉ vì một lời nói xấc xược với thuyền trưởng của mình mà bị cầm tù mòn mỏi suốt 30 trong ngục tối trên đảo. Tuy nhiên, từ năm 1871, lâu đài If lại tiếp nhận tù chính trị. Sau khi Công xã Paris thất bại (1871), Gaston Cremieux, một trong những nhà lãnh đạo của Công xã, bị đày lên đảo If và sau đó không lâu thì bị xử bắn ngay trên đảo.

Năm 1890, Chính phủ Pháp chính thức xóa bỏ vĩnh viễn chức năng "tù ngục" của lâu đài If. Ngày 7.7.1926, theo một sắc lệnh đặc biệt của chính phủ, lâu đài If trở thành di tích lịch sử quốc gia. Từ đó, tòa lâu đài chính thức được mở cửa cho các hoạt động tham quan, du lịch. Ngày nay, ở nhiều “xà lim biệt giam” trong lâu đài có gắn những tấm biển đề “Phòng giam người mang biệt danh Mặt nạ sắt”, “Bá tước Mirabeau bị giam giữ nơi đây từ 1774-1775” hay “Phòng giam E. Dantes – bá tước Monte Cristo”, v.v. Dĩ nhiên chỉ có bá tước Mirabeau là nhân vật lịch sử có thật, số còn lại chỉ là nhân vật văn học mà thôi. Nhưng không sao, như thế càng thú vị, cũng giống như “ngôi nhà của thám tử Sherlock Holmes” bên Anh thôi mà…

Buồng giam bá tước Monte-Cristo

Hư cấu và... nửa hư cấu

Thiết nghĩ cũng cần có đôi lời về một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm Bá tước Monte Cristo – đó là linh mục Faria, người bạn tù từng dạy cho Dantes những kiến thức khoa học quý báu và chỉ cho anh biết nơi cất giấu kho báu trên đảo Mongte Cristo. Trong sách, ông tự giới thiệu với Dantes: “Tôi là linh mục Faria, bị bắt năm 1811 tại một tỉnh của nước Ý, được chuyển sang Pháp rồi bị giam giữ ở lâu đài If này. Từ năm 1807 tôi đã mơ ước nước Ý đang bị chia lẻ thành những tiểu quốc hèn yếu đâm chém lẫn nhau trở thành một nước Ý thống nhất... ”.

Trong thực tế, Faria là một nhân vật lịch sử có thật. Đương thời, Faria thủ đắc thuật thôi miên mà ông học được ở Ấn Độ, nơi ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình thực dân. Vốn có tài hùng biện và khả năng lôi kéo quần chúng, ông luôn tuyên truyền phản đối chủ nghĩa thực dân nên bị liệt vào hàng tội phạm chống đối chế độ cực kỳ nguy hiểm. Faria bị đóng xiềng, đày qua Bồ Đào Nha. Sau ba năm lưu đày trên một hòn đảo, Faria được người bản địa giúp vượt ngục, trở về Pháp.

Ở Pháp, dưới tên khác, ông viết sách dạy thôi miên, bán rất chạy. Do dự mưu cùng một nhóm khởi nghĩa, Faria bị lộ nhân thân và bị tống giam vào ngục Bastille. Ông tổ chức vượt ngục nhưng không thành và chỉ được giải thoát khi ngục Bastille bị phá trong thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp (1789 – 1794). Sau Cách mạng, ông lại bị phái bảo hoàng bắt giam trong một nhà tù vô danh và chết trong tù năm 1819. Faria chưa từng bị giam ngày nào trên đảo If.

Các nhân vật của Alexander Dumas sống mãi trong lòng người đọc, dù đó là nhân vật hư cấu hoàn toàn hay hư cấu một phần cũng không quan trọng. Tòa lâu đài cổ lỗ, xoàng xĩnh về mặt kiến trúc vẫn mãi thu hút du khách đến tìm chốn xưa của các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn vĩ đại.

Phạm Bá Thủy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bá tước Monte Cristo và lâu đài If