Bạch Hải Đường không chỉ kể lại số phận cuộc đời bi kịch của tướng cướp khét tiếng mà còn cho khán giả mường tượng lại sinh hoạt của đời sống Sài Gòn vào một ngày đã xa.
Trước năm 1975, khán giả cải lương từng say mê vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường (tác giả Nguyễn Huỳnh). Khoảng thập niên 1990, các nhà làm điện ảnh Việt cũng dựng bộ phim dựa vào cuộc đời tướng cướp Bạch Hải Đường có tên là “Hải Đường trắng” rất thành công về doanh thu.
Ngày 23.1.2021 vừa qua, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã công diễn vở kịch Bạch Hải Đường (tác giả cải lương Nguyễn Huỳnh, chuyển thể kịch bản kịch nói Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như).
Cảm hứng từ sự xuất quỷ nhập thần của tướng cướp Nguyễn Ngọc Truyện
Tác giả Nguyễn Huỳnh sáng tác vở tuồng Tướng cướp Bạch Hải Đường dựa vào cuộc đời đầy huyền thoại của tướng cướp Nguyễn Ngọc Truyện nổi tiếng ở khắp các đô thị miền Nam vào thập niên 1950 - 1960. Đây là một tay giang hồ chuyên cướp của quan chức, nhà giàu và giúp đỡ người nghèo.
Ngoài tài xuất quỷ nhập thần, sau mỗi lần thực hiện xong các phi vụ, tướng cướp Nguyễn Ngọc Truyện thường để lại hiện trường một cành hoa hải đường. Vì vậy, giang hồ và báo giới thời ấy đã đặt cho ông ta biệt danh: Tướng cướp Bạch Hải Đường.
Khi đi vào tuồng tích cải lương, tướng cướp Nguyễn Ngọc Truyện trở thành nhân vật mang tên Đặng Hoàng Minh, biệt danh Bạch Hải Đường. Tác giả Nguyễn Huỳnh đã xây dựng nên tính cách của một tướng cướp rất dữ dội trên chốn giang hồ, nhưng hết lòng yêu thương vợ con đến mức nhu nhược trước người vợ xấu xa và phản trắc.
Tác giả tạo ra các tình huống khiến cho cuộc đời tên tướng cướp trở nên đầy bi kịch, đẫm lệ. Đây chính là yếu tố chạm vào trái tim của khán giả giúp cho Tướng cướp Bạch Hải Đường trở thành một trong những vở cải lương nổi tiếng nhất của thời hoàng kim của bộ môn nghệ thuật này.
Khi chuyển thể sang kịch bản kịch nói ở thời điểm năm 2021, tức gần 50 năm sau so với thời điểm ra đời của tuồng cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường, tác giả Hoàng Thái Thanh vẫn giữ lại cái hồn cốt trong kịch bản của tác giả Nguyễn Huỳnh. Đó là bối cảnh của thập niên 1960, tên nhân vật, đường dây kịch bản chính. Dẫu vậy, kịch bản kịch nói sáng tạo nên những tình tiết mới để tạo nên nhiều kịch tính. Ví dụ, tình tiết Nhung phát hiện ra người chồng hiền lành Đặng Hoàng Minh chính là tướng cướp Bạch Hải Đường.
Một điểm mới quan trọng tạo nên cảm xúc đặc biệt của vở kịch Bạch Hải Đường được đạo diễn Ái Như xoáy vào, đó là tình mẫu tử và tình phụ tử. Đạo diễn đã đưa khán giả trở lại tuổi thơ dữ dội của Đặng Hoàng Minh. Ở đó, cuộc đời đã đối xử quá cay nghiệt với một người mẹ nghèo và một đứa con nhỏ dại. Vì nghèo khó mà mẹ của Minh đã chết trong tuổi nhục, còn đứa trẻ vị thanh niên bị quăng vào sống gió của chốn giang hồ. Tình tiết này đã lý giải vì sao Bạch Hải Đường rất liều lĩnh, xuất quỷ nhập thần nhưng lại rất giàu lòng thương người. Bài hát nhan đề Nó của tác giả Anh Bằng được đạo diễn Ái Như sử dụng xuyên suốt trong vở diễn đã miêu tả rất rõ cuộc đời đầy cay đắng của Đặng Hoàng Minh.
Cảnh tướng cướp Bạch Hải Đường được gặp lại con sau khi bị bắt lần thứ hai cũng là sự sáng tạo đầy thuyết phục của kịch bản kịch nói. Tình huống này càng nổi bật thêm cái tình của người cha dành cho núm ruột không thể thừa nhận của mình - hình ảnh làm lắng đọng lòng người.
NSƯT Tuyết Thu và Trí Quang hóa thân thuyết phục vào vai diễn
Trong vở kịch Bạch Hải Đường, NSƯT Tuyết Thu đóng vai Nhung, vợ của tướng cướp Bạch Hải Đường. Tuyết Thu vốn dĩ quen thuộc với khán giả qua tuyến nhân vật chính diện hiền lành, nữ tính. Hóa thân vào nhân vật Nhung, chị đã lột tả nhuần nhuyễn tính cách một người phụ nữ vừa đanh đá, trắc nết nhưng cũng rất dại dột yêu đương mù quáng gã nhân tình đểu cáng. Vào những phút cuối cùng của vở diễn, sự phản tỉnh của Nhung đã đưa Tuyết Thu trở lại hình ảnh một người phụ nữ vừa đáng trách nhưng cũng rất đáng thương.
Như tên của vở diễn, nội dung câu chuyện xoáy sâu vào thân phận của Bạch Hải Đường, thế nên đạo diễn Ái Như dành nhiều đất diễn cho Trí Quang trong vai Bạch Hải Đường. Nam diễn viên này đã không phụ lòng đạo diễn khi diễn tả rất tốt nỗi đau của người đàn ông có tuổi thơ đầy nước mắt. Cảnh Bạch Hải Đường bị còng tay sau lưng nhưng đối đáp dữ dội với cò Bằng về lòng người và hành động cố gắng lấy chiếc bánh bao trên bàn thờ mẹ mình là một trong những tình huống giàu cảm xúc.
Trí Quang cũng lấy được nước mắt của khán giả trong tình huống làm con bò cưỡi cho bé Thu trong lần gặp lại con sau 12 năm. Bạch Hải Đường gặp lại con mà không dám nhận con đã khiến cho cảm xúc nhân vật bị dồn nén và điều này tác động mạnh vào cảm xúc của người xem.
Bạch Hải Đường là vở kịch hay của sân khấu Hoàng Thái Thanh, không chỉ kể lại số phận cuộc đời bi kịch của tên tướng cướp khét tiếng mà còn cho khán giả mường tượng lại sinh hoạt của đời sống Sài Gòn vào một ngày đã xa.