“Người ta đào nát cả một vùng đất và tìm được nhiều vàng, nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ dấu tích đền đài, miếu mạo hoặc khu dân cư ngày xưa”, ông Chí Linh nói.

Bài 3: Những bí ẩn chưa có lời giải trên ‘cánh đồng vàng’

Hùng Anh | 22/08/2019, 06:12

“Người ta đào nát cả một vùng đất và tìm được nhiều vàng, nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ dấu tích đền đài, miếu mạo hoặc khu dân cư ngày xưa”, ông Chí Linh nói.

Bài 2: Những chuyện trúng vàng ly kỳ trên ‘cánh đồng vàng’

Vàng nhiều nhưng không ai làm giàu

Mùa này cả “cánh đồng vàng” rộng hơn 40 ha ở ấp Vĩnh Ân vàng rực một màu lúa chín đang chuẩn bị thu hoạch. Đi từ kênh 62 vào kênh Đồng Vàng, nhìn đâu cũng thấy nhà cửa lụp xụp bằng tre lá, nhà tường, nhà ngói chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Ông Chí Linh cho hay, những người trong các xóm nhà ở kênh 62 và kênh Đồng Vàng ngày xưa ít nhiều đều có tham gia chuyện tìm vàng, nhưng sau mấy chục năm thì… nghèo vẫn hoàn nghèo. Lời ông Linh nói không ngoa, bởi cho đến giờ này con đường dẫn vào cánh đồng vàng nổi tiếng vẫn là đường bằng đất. mùa mưa thì sình bùn lầy lội, mùa nắng thì dằn xóc ổ voi, ổ gà.

Ông Chí Linh kể, ở ấp Vĩnh Ân ngày xưa hầu như ai cũng tìm được vàng trên đồng ruộng. Người ít thì vài ba món trọng lượng vài phân, 1 chỉ; người nhiều thì không thể biết được, vì họ rất kín miệng. Nhưng điều mà ai cũng phải thừa nhận là những món đồ bằng vàng nhặt được, đào được đều là các loại nữ trang được chế tác rất tinh xảo. Chỉ có điều là tuổi vàng rất thấp, bởi khi người nhặt được vàng đem bán thì đám thợ bạc thu mua cho biết các món đồ bằng vàng đều không quá 10 tuổi.

“Hồi đó chuyện chén vàng, nải chuối vàng, vương miện vàng… trọng lượng cả ký lô thì không biết thực hư ra sao, nhưng bản thân tui nghe ba tui và mấy người lớn tuổi trong xóm nói người ta nhặt được những chiếc nhẫn vàng chạm trổ bông hoa, hình thù những con vật như con chim, con ngựa, những xâu chuỗi, vòng cổ bằng vàng, bằng bạc sáng long lánh, chạm trổ cực kỳ tinh xảo là có thật”, ông Chí Linh khẳng định.

Trong khi đó, ông Sáu Lý cho biết, do trong thời gian rộ lên chuyện tìm vàng thì trong nhà ông có 1 thợ bạc kỳ cựu tên Út Dân ở huyện Cần Đước tỉnh Long An đến xin tá túc để thu mua vàng, nên bản thân ông có chứng kiến nhiều món đồ bằng vàng rất khác thường. “Sau lần đầu tiên nhặt được miếng vàng cuộn tròn như điếu thuốc lá thì tui còn nhặt được nhiều miếng vàng dài, mỏng, hình dạng giống như lá của cây lúa, chạm trổ rất tinh vi.

Nhưng tui nhiều lần tận mắt thấy người ta đem bán cho ông Út Dân những món vàng rất lạ lùng mà chẳng biết nó được sử dụng vào mục đích gì. Đó là những sợi vàng nhỏ được xoắn lại từng khúc, nhìn rất giống chiếc lò xo trong các máy móc hiện nay, rồi có cả những thỏi vàng nhỏ bằng chiếc đũa, ngón tay, được chế tác thành hình thù chẳng khác gì chiếc bù lon, con tán”, ông Sáu Lý nhớ lại.

Tuy nhiên ông Sáu cho biết, thời đó ông Út Dân thu mua nhiều nhất là các món đồ bằng vàng pha bạc và bụi vàng cám được dân tìm vàng đựng trong những chai thủy tinh nhỏ. Sau khi thu mua, tất cả những món đồ bằng vàng, bằng bạc và bụi vàng đều được ông Út Dân dùng đèn khò nung chảy rồi nhồi thành 1 cục lớn, cứ 1 tháng ông thợ bạc lại đem các cục vàng về quê ở Cần Đước để phân chất tách vàng, bạc riêng với nhau.

Cánh đồng ngày xưa từng là bãi đào vàng, nay vẫn có người đến tìm hiểu thực hư - Ảnh: Thanh Anh

Hỏi ông Sáu Lý ngày xưa cả xóm tìm được vàng nhưng có ai giàu lên nhờ của Trời cho hay không, lão nông cười xòa, khẳng định: “Bản thân tui chưa nghe nói ai trong ấp này khá giả hay giàu có đổi đời nhờ tìm được vàng. Còn những người từ các địa phương khác đến đây tìm vàng rồi về quê thì không thể nào biết được”. Ông Sáu lý giải, vùng Vĩnh Ân ngày xưa dân cư nghèo khó, nên khi tìm thấy vàng là ai cũng đem bán cho thợ bạc để lấy tiền tiêu xài, xoay xở trong nhà. Nhưng điều làm mọi người nghèo vẫn hoàn nghèo dù có tìm được vàng chung quy cũng là chuyện “của thiên trả địa”.

“Hồi đó cứ ai tìm được vàng bán có tiền là lại mua rượu thịt khao cả xóm, ăn nhậu hát hò sáng đêm, rồi sáng hôm sau lại ra đồng mò mẫm đãi vàng. Ngay trên đồng vàng có cái chợ rất sung túc nhưng chỉ bán rượu, thịt và các món đồ phục vụ chuyện đào đãi vàng, chứ người ta nói dân trúng vàng có tiền ăn chơi sa đọa, cờ bạc hết tiền nên vẫn nghèo là chuyện hoàn toàn bịa đặt.

Theo chỗ tui biết thì họ bán vàng có tiền rồi ăn nhậu đến hết tiền là chủ yếu, lại không lo chuyện cấy cày, nên hết vàng trên ruộng thì… nhà cũng hết tiền. Sau dịch tìm vàng nhiều năm, khu này có người được cất được nhà tường, nhà ngói, nhưng chủ yếu là nhờ trúng múa lúa, bán được giá mà giàu lên, chứ không phải do trúng vàng”, ông Sáu Lý nói.

Những giả thuyết chưa có lời giải thỏa đáng

Bây giờ nhắc lại chuyện cơn sốt tìm vàng ngày xưa nhiều người dân ấp Vĩnh Ân vẫn còn bày tỏ luyến tiếc. Bản thân ông Sáu Lý thừa nhận, mấy năm qua trong khi đi làm ruộng nếu phát hiện cục đất nào có điều khác lạ thì ông vẫn chú ý xem kỹ coi… có phải vàng hay không. Vào những tháng mùa khô, sau khi ruộng đã thu hoạch lúa, vẫn có những người giả dạng đi cắt cỏ, hái rau, mò cua, bắt ốc trong ruộng của ông Sáu Lý, ông Ba Bê, ông Hai Thiêm để tìm vàng.

“Nhưng hơn 30 năm rồi cả vùng này chẳng ai tìm được miếng vàng nào nữa. Đất hết vàng hay Trời chỉ cho dân vùng này cơ hội đổi đời 1 lần duy nhất ?”, ông Sáu trầm ngâm tự vấn. Trong khi đó bà Trần Thị Kiều cho biết, sau 2-3 năm cả ấp lên cơn sốt tìm vàng thì có mấy đoàn khảo cổ ở TP.HCM về khu vực này khảo sát.

“Lúc đó họ đem theo nhiều máy móc lắm, cả máy rà kim loại để tìm vàng. Họ đi khắp nơi hỏi han, ghi chép rất tỉ mỉ, dùng máy rà khắp cánh đồng, nhưng chẳng thu được món nào. Lúc đó cánh đồng vàng hình như cũng hết vàng rồi, dân tìm vàng chỉ còn thưa thớt vài người, đoàn khảo cổ làm việc một thời gian ngắn rồi rút đi, cho đến nay chẳng ai nghe nói gì nữa”, bà Kiều kể.

Theo nhiều người dân ở ấp Vĩnh Ân, cho đến giờ này chưa có ai lý giải được vì sao trên cánh đồng lại xuất hiện nhiều vàng như vậy. Trong những năm lên cơn sốt tìm vàng, hàng ngàn người cày xới, đào bới nát cả cánh đồng nhưng tuyệt nhiên không phát hiện được dấu tích đền đài, miếu mạo hay khu dân cư của người xưa.

Điều kỳ lạ nhất chính là việc những người thợ bạc vào đây thu mua vàng đều khẳng định: tất cả những món vàng mà mọi người tìm được là đồ cổ, tuổi vàng rất thấp. Nhưng có 1 điều mà mọi người đều thừa nhận: những món vàng đã qua chế tác chỉ xuất hiện dọc bờ những con kênh, mương dẫn nước và những vùng trũng thấp, còn nơi có gò đất cao thì rất ít đồ nữ trang bằng vàng.

Dọc theo kênh 62 ngày nay còn nhiều nhà cửa lụp xụp dù xưa kia người dân nơi đây từng trúng vàng - Ảnh: Thanh Anh

“Trên những gò đất cao, khi đào thấy dấu tích tro than hoặc cát mịn lẫn với nhiều mảnh đồ gốm bể thì chắc chắn là khu vực đó có vàng, nhưng nhiều nhất vẫn là bụi vàng cám, không hiểu tại sao lại như vậy”, ông Sáu Lý cho biết. Trong khi đó ông Chí Linh kể, bản thân ông nhiều lần nghe những người lớn tuổi trong ấp bàn tán: có lẽ nguồn gốc số vàng xuất hiện ở ấp Vĩnh Ân là của người Khơme cổ chạy loạn làm rơi rớt và bị vùi lấp theo thời gian. Sau nhiều năm người dân cày xới đất làm ruộng, trồng tràm thì vàng mới trồi lên.

Ông Sáu Lý và các bậc bô lão ở xã Vĩnh Đại còn cho biết, hồi trước ở vùng Bắc Chan, Mộc Hóa cũng có người đi ruộng lượm được vàng giống ở Vĩnh Ân, nhưng không nhiều. “Tui có tìm hiểu và được biết, khu vực này trước đây thuộc vương quốc Phù Nam cổ và nền văn hóa Óc Eo, khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên kéo dài đến thế kỷ thứ 12 sau Công nguyên, nên chắc vàng là của họ.

Nhưng tui vẫn không hiểu, tại sao vùng này lại không có những dấu tích đền đài cổ xưa của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam như ở vùng Gò Tháp của tỉnh Đồng Tháp, nơi có nhiều truyền thuyết về những kho vàng lớn bị chon vùi và gần đây các nhà khảo cổ khai quật tìm được rất nhiều vàng bạc, hiện vật quý hiếm?”, ông Chí Linh thắc mắc.

Bài 2: Những chuyện trúng vàng ly kỳ trên ‘cánh đồng vàng’

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 3: Những bí ẩn chưa có lời giải trên ‘cánh đồng vàng’