Một doanh nghiệp sát cánh với người nông dân trong và ngoài nước, một doanh nhân thành đạt, điển hình toàn quốc... bỗng chốc tiêu tan sự nghiệp sau khi ông Dương Văn Hòa bị kết án với hơn 3.600 ngày.

Bài cuối: Bại sản bởi án oan, chỉ bồi thường tổn thất tinh thần!?

Lê Đình Dũng | 19/11/2018, 05:54

Một doanh nghiệp sát cánh với người nông dân trong và ngoài nước, một doanh nhân thành đạt, điển hình toàn quốc... bỗng chốc tiêu tan sự nghiệp sau khi ông Dương Văn Hòa bị kết án với hơn 3.600 ngày.

Đại dịch lở mồm long móng và vụ án oan hơn 3.600 ngày

Trong khu vườn có cây đu đủ gãy

Trong 10 năm bị hàm oan làm lan dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc cho 6 huyện, thị xã tỉnh Quảng Trị, ông Hòa từng sống trong oán trách của nhiều người, bởi thoạt đầu họ tin vào kết quả điều tra cho rằng ông Hòa mang dịch bệnh về quê hương gây nên cơn đại dịch LMLM. Nhưng rồi thời gian trôi qua, nhiều người hiểu dần câu chuyện, hiểu nỗi oan ức của ông Hòa, tình người cũng ấm dần lên.

Bà Trần Thị Lan, ở thôn Lan Đình, xã Gio Phong, H.Gio Linh, một trong hàng trăm hộ dân ở Quảng Trị có gia súc bị “tiêu hủy” trong đại dịch LMLM năm 2007, nay hằng ngày cùng nhiều người khác giúp ông Hòa bổ những nhátcuốc cải tạo vườn xuống trang trại rộng khoảng 5ha của ông Hòa ở xóm Mít, thôn Gia Môn, xã Gia Phong.

Bà Lan kể rằng gia đình bà có 1 con trâu mẹ và 3 con nghé bị đưa đi tiêu hủy trong đại dịch, sau này nhận được “chỉ vài triệu đồng” tiền hỗ trợ gia súc bị tiêu hủy.

“Nơi đây từng là khu vườn, trang trại sầm uất, giống cao su bạc ngàn, người lao động như tụi tui cũng nhờ nhiều, nay thì hoang hóa thấy mà tội cho ông Hòa”, bà Lan nói, tiếp tục làm cỏ, cuốc đất trồng cây giúp ông Hòa dưới cái nắng vàng vọt giữa chiều đông.

Chung quanh nơi bà Lan cùng nhiều người lao động khác làm cỏ, cải tạo vườn đã bị hoang hóa từ 10 năm qua, cỏ mọc um tùm. Ông Hòa đang cải tạo đất trồng khoảng 300 gốc quýt rừng, tràm vàng, huê đỏ...

Trong khu vườn có cây đu đủ giàbị gió bão làm gãy ngang thân, nhưng vẫn không chết. Cây nẩy nhánh, vươn lên xanh tươi, trái to và ngon. Cạnh cây đu đủ là cái chuồng bò bỏ hoang. Đây là nơi nuôi, nhốt bò của ông Hòa, trong đó có cả những con “bò dự án” oan khiên ông nhập về để ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị thẩm tra, nghiệm thu trước khi đưa về cho dân...

Cũng ở cái chuồng bò ấy, trước đại dịch LMLM có số bò giống ông Hòa cung ứng cho dự án đã được tiêm phòng vaccine LMLM tuýp 0 (chủng virus bắt buộc tiêm); nhưng chủng virus gây ra đại dịch LMLM tại Quảng Trị lúc ấy lại là tuýp Asia 1, một chủng virus mới, khó phòng, có khả năng lây nhiễm qua đường không khí vốn chưa có quy định bắt buộc tiêm phòng của Bộ NN-PTNT; nhưng người ta vẫn khép tội ông Hòa cũng như bao người khác “làm lây lan dịch bệnh...”.

Người lao động xã Gio Phong đang giúp ông Hòa cải tạo lại khu trang trại 5ha bị bỏ hoang trong 10 năm qua- Ảnh: Nhật Lam

Công ty ông Hòa thời cao điểm có 60 lao động làm việc với mức lương khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Người đàn ông tuổi 62 có gương mặt khắc khổ kể, những ngày bị khởi tố, “cấm đi khỏi nơi cư trú” thi thoảng ông lên thăm trang trại kẻo nhớ. Nhìn cảnh tàn tạ, vườn rộng toàn cỏ không một bóng người chỉ biết rớt nước mắt. Rồi ông nhìn cây đu đủ gãy thân cố vươn sức sốngđể lấy thêm động lực đi đòi công lý, tiếp tục làm ăn nuôi 6 người con cũng tiếp tục học hành, lớn khôn.

Tài sản không “giam” không bồi thường?!

Sinh ra ở vùng đất nghèo Quảng Trị, ông Hòa học hết lớp 10/10. Từng đứng chân trong hàng ngũ công an chính quy, giữ chức Phó chủ tịch kiêm Trưởng công an xã Gio Phong (sau năm 1975) nên việc gì ông Hòa cũng cẩn trọng. Năm 1985 ông Hòa chuyển sang làm Phó GĐ một nông trường cao su, đến năm 2000 xin về hưu, rồi tự lập Công ty TNHH Thuận Thành chuyên “đánh” về cung ứng giống cao su cho nông dân Quảng Trị.

Làm ăn được, ông Hòa mở thêm những nhiều vườn ươm ở Gio Linh, rồi thuê đất làm vườn ươm ở Bình Dương, Bình Phước, Lao Bảo (Quảng Trị)... và sang tận tỉnh Savannakhet (Lào).

Những năm 2000 cao su tiểu điền không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà là cây làm giàu của nhiều nông dân Quảng Trị và doanh nghiệp ông Hòa là nơi cung ứng giống chủ yếu. Ông cũng được mệnh danh là “vua”, “bá chủ” giống cao su của 8 xã vùng đông, 2 xã vùng tây Quảng Trị.

Cùng với những thành tích trước và sau năm 1975 được ghi nhận, ông Hòa còn được T.Ư Hội nông dân tặng danh hiệu Trang trại và doanh nghiệp nông dân điển hình tiêu biểu toàn quốc.

Một chứng từ quan trọng do Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cấp năm 2007 cho Công ty Thuận Thành để vận chuyển “bò dự án” nhưng không được cơ quan tố tụng Quảng Trị xem xét góp phần làm nên vụ án oan hơn 3.600 ngày - Ảnh: Nhật Lam

Thế nhưng kể từ sau cái ngày ông bị khởi tố trong đại dịch LMLM, bị cấm đi khỏi nơi cư trú, cơ nghiệp của ông “tuột dốc không phanh”. Ông Hòa đã phải trả lại đất thuê làm vườn ươm nhiều nơi, vỡ hợp đồng, giống cao su ươm dở không giao được hư chết hoặc vứt không...

Ông phải bán một số bất động sản ở TP.Đông Hà để trả lương cho công nhân, trang trải nợ nần, đi lại theo đuổi vụ kiện trong hơn 3.600 ngày để cuối cùng Viện KSND tỉnh Quảng Trị buộc phải ra quyết định đình chỉ vụ án do “hành vi không cấu thành tội phạm” (khoản 2, điều 107 Bộ luật tố tụng Hình sự, theo chỉ đạo của Viện KSND tối cao).

Tuy đã được minh oan và kết thúc vụ án hình sự sau hơn 3.600 ngày, nhưng lại mở ra một vụ án khác, khi ông Hòa yêu cầu Viện KSND tỉnh Quảng Trị chỉ bồi thường gần 18 tỉ đồng, gồm các khoản tổn thất tinh thần; tổn hại sức khỏe; thu nhập bị mất (giảm sút); tài sản bị xâm phạm... do thiệt hại tài sản lẫn tinh thần “do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự” theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Tuy nhiên, thụ lý từ tháng 1.2018, sau 4 lần thương lượng về việc bồi thường, ngày 14.6.2018, Viện KSND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định giải quyết bồi thường (theo Luật TNBTCNN năm 2009) với mức bồi thường 217.750.000 đồng cho khoản bồi thường tổn thất tinh thần; hơn 31 triệu đồng tiền dịch vụ pháp lý, giấy tờ, xăng xe; bác tất cả các yêu cầu bồi thường khác.

Ông Dương Văn Hòa (trái) cùng luật sư Võ Công Hạnh đang theo đuổi vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản và tinh thần, sức khỏe theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước- Ảnh: Nhật Lam

Viện KSND tỉnh Quảng Trị cho rằng tài sản thiệt hại của ông Hòa “không do cơ quan tố tụng thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý gây nên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên không bồi thường”. Việc này buộc ông Hòa khởi kiện Viện KSND tỉnh Quảng Trị ra TAND cùng cấp để yêu cầu bồi thường.

“Chúng tôi đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng cứ đến TAND tỉnh Quảng Trị để chứng minh yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, các thu nhập thực tế bị mất, các khoản phạt hợp đồng đối với bên thứ ba và các khoản bồi thường thiệt hại khác. Chúng tôi mong mỏi một phán quyết công tâm để bù đắp những thiệt hại khủng khiếp đã gây ra cho ông Hòa và gia đình”, Luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty luật TNHH Công Khánh (TP.Huế), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hòa, cho biết.

Bài, ảnh: Nhật Lam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài cuối: Bại sản bởi án oan, chỉ bồi thường tổn thất tinh thần!?