Một mẫu bụi Mặt trăng được phi hành gia Neil Armstrong thu thập trong sứ mệnh Apollo 11 vào năm 1969 đang được rao bán đấu giá.

Bán đấu giá bụi Mặt trăng được lấy từ dạ dày gián

Long Hải | 27/05/2022, 14:51

Một mẫu bụi Mặt trăng được phi hành gia Neil Armstrong thu thập trong sứ mệnh Apollo 11 vào năm 1969 đang được rao bán đấu giá.

bui1.jpg
Mẫu bụi được thu thập cẩn thận từ dạ dày của ba con gián Đức

Mẫu bụi Mặt trăng hiện đang được bán đấu giá bởi RR Auction, công ty có trụ sở tại New Hampshire chuyên về các kỷ vật trong không gian. Bụi Mặt trăng là một trong những điểm nổi bật của phiên đấu giá mới của RR Auction, mở vào ngày 26.5 và kéo dài đến hết ngày 23.6.

Mẫu bụi Mặt trăng này nằm trong số mẫu vật mà các phi hành gia của sứ mệnh Apollo 11, những người đầu tiên đi bộ trên bề mặt Mặt trăng, mang về Trái đất vào năm 1969. Mẫu bụi được thu thập cẩn thận từ dạ dày của ba con gián Đức (blattella germanica).

“Chúng tôi rất hồi hộp khi đại diện cho một thứ gì đó từ Apollo 11, một sứ mệnh vô cùng quan trọng. Nhưng khi bạn nhận được những con gián đã ăn bụi Mặt trăng, điều đó cho thấy sứ mệnh Apollo đa dạng như thế nào. Đây là điều thật phi thường”, Bobby Livingston, Phó chủ tịch điều hành RR Auction, nói với collectSPACE.

Để hiểu lý do tại sao một số bụi Mặt trăng lại nằm trong đường tiêu hóa của những con gián Đức, chúng ta cần biết khái niệm ngắn gọn về “bọ Mặt trăng”.

Trong quá trình thực hiện sứ mệnh đầu tiên đưa con người lên Mặt trăng, các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn về những gì các phi hành gia sẽ gặp phải. Mặc dù các robot thăm dò đã được gửi lên trước để thử nghiệm hạ cánh trên bề mặt Mặt trăng, nhưng một số chuyên gia lo ngại tàu đổ bộ hoặc các phi hành gia sẽ bị nhấn chìm trong một lớp đất dày, giống như cát lún đang phủ trắng Mặt trăng.

Do đó, các dây buộc đã được thiết kế và các biện pháp phòng ngừa khác được đưa ra để đảm bảo rằng các thành viên phi hành đoàn Apollo 11 là Neil Armstrong và Buzz Aldrin có thể nhanh chóng thoát ra khỏi Mặt trăng nếu cần.

Tương tự, trong khi hầu hết các nhà sinh vật học chắc chắn rằng Mặt trăng không có bất kỳ sự sống nào, họ cũng không thể loại trừ hoàn toàn việc các phi hành gia sẽ mang về vi khuẩn hay “bọ Mặt trăng” có thể đe dọa sự sống trên Trái đất. Vì vậy, phi hành đoàn, tàu vũ trụ và mọi thứ trở về cùng họ được cách ly trong 21 ngày, bắt đầu từ thời điểm rời khỏi Mặt trăng.

bui3.jpg
Hình ảnh phóng đại của “mẫu vật Mặt trăng được thu hồi từ các thử nghiệm sinh học”

Bên trong Phòng thí nghiệm Tiếp nhận Mặt trăng, một cơ sở đặc biệt mà NASA xây dựng để cách ly con người và vật chất trở về từ thế giới bên ngoài, các phi hành gia đã trải qua các cuộc kiểm tra y tế. Trong khi đó, các sinh vật không xương sống như cá, chuột, gián… được tiếp xúc với đá và bụi Mặt trăng để xem chúng sẽ phản ứng như thế nào.

Khoảng 10% trong số 22 kg đá Mặt trăng do sứ mệnh Apollo 11 mang về đã được phân bổ cho các thử nghiệm có tính phá hủy. Sau khi cho cá và côn trùng ăn, không ai mong đợi được nhìn thấy vật chất Mặt trăng đó một lần nữa.

Brooks-Wallace, nhà côn trùng học từ Đại học St. Paul đã được NASA ký hợp đồng để nghiên cứu sâu hơn về loài gián ăn bụi Mặt trăng. Mặc dù thời gian cách ly đã hết mà không có động vật nào chết do tiếp xúc với vật chất từ Mặt trăng, nên NASA muốn tìm hiểu đầy đủ hơn về bất kỳ tác động xấu nào mà vật chất ngoài Trái đất có thể gây ra.

Vì vậy, trong khi các nhà khoa học khác trên thế giới chờ đợi để nhận đá và bụi Mặt trăng nguyên sơ để nghiên cứu, thì Brooks là người đầu tiên được tin tưởng giao cho các mẫu bụi Mặt trăng, dù chúng nằm bên trong 8 con gián.

Mặc dù Brooks nói rằng có thể nhìn thấy bụi Mặt trăng bên trong côn trùng bằng mắt thường, nhưng bà đã mổ xẻ chúng để chuẩn bị các slide mô học cho việc nghiên cứu bằng kính hiển vi. Bà đã làm việc với một nhóm gián được cho ăn thức ăn thông thường, cùng với một số khác ăn chất bẩn Mặt trăng đã được khử trùng.

“Tôi không tìm thấy bằng chứng nào về các tác nhân lây nhiễm”, bà nói với báo chí vào thời điểm đó và nói thêm rằng không có dấu hiệu nào cho thấy đất Mặt trăng là độc hại hay nguy hiểm đối với gián.

bui2.jpg
Các slide kính hiển vi được chuẩn bị từ những con gián được cho ăn đá Mặt trăng

Bất chấp những lời khuyên về sức khỏe, Brooks vẫn tiếp tục việc nghiên cứu của mình, giữ lại các phiến kính và xác gián. Bà nghỉ việc tại trường đại học vào năm 1986, nhưng trước đó đã thu thập lại những gì còn lại từ nghiên cứu về bụi Mặt trăng.

Theo đó, Brooks đặt “mẫu bụi Mặt trăng được thu hồi từ các thử nghiệm sinh học” vào một lọ thủy tinh nhỏ và bảo quản xác ba con gián Đức. Sau đó, bà treo những vật lưu niệm trên một bức tường trong nhà, nơi chúng vẫn được lưu giữ trong nhiều năm. Brooks qua đời tại nhà riêng vào năm 2007 ở tuổi 89.

Ba năm sau, bảng trưng bày mẫu, bao gồm hai “slide kính hiển vi được chuẩn bị từ những con gián được cho ăn đá Mặt trăng” cùng 66 slide khác đã được bán đấu giá 10.000 USD bởi Phòng trưng bày Regency-Superior cũ ở Beverly Hills, California.

Vào tháng 4 năm nay, Bonhams đã bán đấu giá một mẫu siêu nhỏ của bụi Mặt trăng Apollo 11 với giá 504.375 USD. Như một điểm tham khảo khác, ba mẫu đá Mặt trăng có tổng trọng lượng khoảng 0,2 gram được mang về bởi tàu thăm dò Luna 16 của Liên Xô vào năm 1970 cũng đã được Sotheby's bán với giá 855.000 USD vào năm 2018.

Trong khi đó, lọ đựng mẫu vật bụi Mặt trăng của Brooks có khoảng 40 miligam vật liệu bên trong. RR Auction ước tính rằng mẫu bụi Mặt trăng này sẽ được bán với giá 400.000 USD. Phiên đấu giá đã mở vào ngày 26.5 ở mức giá 10.000 USD.

bui4.jpg
Những vật lưu niệm từ nghiên cứu về bụi Mặt trăng của nhà côn trùng học Marion Brooks
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bán đấu giá bụi Mặt trăng được lấy từ dạ dày gián