Bán hàng qua mạng, kinh doanh thương mại điện tử... được ngành thuế đưa vào "tầm ngắm" để thanh tra thuế.

Bán hàng qua mạng, thương mại điện tử vào ‘tầm ngắm’ của ngành thuế

Phan Diệu | 16/01/2021, 21:40

Bán hàng qua mạng, kinh doanh thương mại điện tử... được ngành thuế đưa vào "tầm ngắm" để thanh tra thuế.

Doanh thu “khủng” nhưng nộp thuế ít

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội ngày càng phát triển. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát là “cơ hội vàng” cho việc mua bán hàng qua mạng. Việc này đã đem lại lợi nhuận “khủng” cho người kinh doanh qua mạng, nhất là doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Shoppee...

Tuy nhiên, việc truy thu thuế đối với các đối tượng này là khá thấp. Trên thực tế, nhiều người bán hàng qua mạng không biết hoặc không muốn thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, kê khai và nộp thuế cho Nhà nước.

Đơn cử, trên nền tảng YouTube, thống kê mới nhất của Bộ Thông tin - Truyền thông cho thấy ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh bật nút kiếm tiền, trong đó có khoảng 350 kênh có doanh thu lớn, từ 1 triệu người đăng ký theo dõi kênh trở lên.

Thế nhưng, chỉ 30% trong số đó, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam có kê khai và nộp thuế đảm bảo đầy đủ.

Còn đối với thương mại điện tử, Tổng cục Thuế cho biết hoạt động này trong những năm gần đây phát triển mạnh. Một số tổ chức, cá nhân là người Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho các trang mạng xã hội xuyên biên giới có thu nhập “khủng” đã kê khai và nộp thuế.

Mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như: Google, YouTube, Facebook… cũng đã được cơ quan thuế quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh thông qua các đối tác, đại lý quảng cáo của các công ty này hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp tại Việt Nam.

Số thuế được người nộp thuế kê khai từ hoạt động thương mại điện tử ngày càng tăng. Mặc dù vậy, tính cả năm 2020, ước thu thuế được từ hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng của các tổ chức, cá nhân (Facebook, YouTube, Google... ) chỉ khoảng trên 1.000 tỉ đồng.

khuyen-mai-dip-le.jpg
Các sàn thương mại điện tử phát triển mạnh trong thời kỳ COVID-19 - Ảnh: Phan Diệu

Nhiều đối tượng vào “tấm ngắm” chống thất thu thuế

Trước tình trạng này, Tổng cục Thuế chỉ đạo quyết liệt các cục thuế, đặc biệt là cục thuế lớn như: Hà Nội và TP.HCM rà soát, yêu cầu người nộp thuế đăng ký, kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội và TP.HCM phối hợp với các ngân hàng thương mại thực hiện kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân (thực chất là chi trả lợi tức, thu nhập, lương…); tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Tại TP.HCM, theo ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, năm 2021, ngành thuế thành phố sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế thực hiện theo đúng quy trình, nguyên tắc quản lý rủi ro.

Trong đó, các doanh nghiệp nằm trong nhóm ngành nghề kinh doanh mới như kinh doanh qua mạng, kinh tế chia sẻ, đa cấp, game… sẽ là một trong những nhóm đối tượng được Cục Thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Đối với hộ kinh doanh, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế, chống thất thu tập trung lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bất động sản, thừa kế, cổ phiếu…

Riêng đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, ông Bình nói rằng TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán, các nhà mạng trong quản lý thu thuế đối với các loại hình này. Việc này sẽ giúp cơ quan thuế nắm được các giao dịch, doanh thu, thu nhập từ các nhà cung cấp nước ngoài; từ đó có cơ sở đề nghị các tổ chức này kê khai và nộp thuế.

Hiện nay, TP.HCM có 15.528 tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng trên mạng. Còn tại Hà Nội, từ năm 2017, Cục Thuế TP.Hà Nội đã rà soát và gửi tin nhắn SMS thông báo, hướng dẫn tới 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng, đến thời điểm hiện tại có trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế dùng để kê khai, nộp thuế.

Đối với tổ chức, cá nhân có thu nhập do cung cấp dịch vụ có thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội nước ngoài như: Google, Facebook, YouTube..., theo dữ liệu của các ngân hàng thương mại, số lượng mở tài khoản tại các ngân hàng là 18.304 tổ chức, cá nhân với tổng số thu nhập nhận được là hơn 1.462 tỉ đồng.

Bài liên quan
Nhiều mô hình thương mại điện tử mới ra đời trong đại dịch COVID-19
Trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19, thị trường thương mại điện tử đã có nhiều mô hình mới được ra đời như đi chợ, siêu thị điện tử…

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
12 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bán hàng qua mạng, thương mại điện tử vào ‘tầm ngắm’ của ngành thuế