Ngày 6.1.2018, Một Thế giới đăng bài "Vi phạm tác quyền, Alphabooks trước nguy cơ bồi thường cuốn Hải ngoại kỷ sự". Alphabooks vi phạm bản quyền đã đành, nhưng liệu Đại học Huế hiện nay có đủ tư cách giữ bản quyền bản dịch Hải ngoại kỷ sự?

Bản quyền Hải ngoại kỷ sự có thuộc Đại học Huế?

07/01/2018, 15:57

Ngày 6.1.2018, Một Thế giới đăng bài "Vi phạm tác quyền, Alphabooks trước nguy cơ bồi thường cuốn Hải ngoại kỷ sự". Alphabooks vi phạm bản quyền đã đành, nhưng liệu Đại học Huế hiện nay có đủ tư cách giữ bản quyền bản dịch Hải ngoại kỷ sự?

Ấn bản Hải ngoại ký sự (1963 và hai ấn bản 2016 của Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội và Đại học Sư phạm)

>> Vi phạm tác quyền, Alphabooks trước nguy cơ bồi thường cuốn Hải ngoại kỷ sự

Xin giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và bản dịch Hải ngoại kỷ sự. Tác giả, Hòa thượng người Trung Hoa Thích Đại Sán (1633 - 1705), tự Thạch Ông, đạo hiệu Thạch Liêm và Đại Sán, tục gọi là Thạch Đầu. Mùa xuân năm Ất Hợi (1695), đáp lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, ông cùng tùy tùng từ Quảng Đông đến xứ Thuận Quảng (Huế và Quảng Nam bây giờ) và lưu lại nơi này đến mùa hạ năm Bính Tý 1696. Thích Đại Sán tường tận góp nhặt từng việc trong chuyến đi đưa vào cuốn sách đặt tên là Hải ngoại kỷ sự (Ghi chép sự việc ở nước ngoài).

Bản dịch Hải ngoại kỷ sự in lần đầu năm 1963. Trang bìa và trang tiêu đề bản dịch thể hiện Viện Đại học Huế, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam là cơ quan ấn hành còn trang chi tiết ấn phẩm cuối sách xác định: "Hải ngoại kỷ sự do Linh mục Nguyễn Phương, Hải Tiên Nguyễn Duy Bột phiên dịch với sự cộng tác của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam". Như vậy, theo cách hiểu thông thường, có thể xác định bản quyền thuộc hai dịch giả và nhóm cộng tác.

Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam do Viện Đại học Huế thành lập năm 1959 có nhiệm vụ vừa nghiên cứu và biên mục châu bản triều Nguyễn, vừa hiệu đính và phiên dịch các bộ sử Việt Nam (Lời giới thiệu của Linh mục Cao Văn Luận in đầu sách Hải ngoại kỷ sự). Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế lần lượt cho xuất bản Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập thứ I, triều Gia Long (1960) và tập thứ II triều Minh Mạng (1962). Về sách dịch, ngoài tập Hải ngoại kỷ sự kể trên đây, còn có bản dịch An Nam chí lược, công bố năm 1961. Đến năm 2002, Nhà Xuất bản Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông tây tái bản với lời nói đầu có ghi lời của ông Trần Kinh Hòa (1918 - 1995), người giữ cương vị Tổng Thư ký Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam lúc ấy: "Các bạn Việt Nam có toàn quyền sử dụng bản dịch An Nam chí lược (bản in 1960, đúng ra 1961) gia công biên tập lại để xuất bản mà khỏi phải bận tâm gì về vấn đề "tác quyền"... Đây cũng là một chứng lý gián tiếp khẳng định nhóm dịch giả mới giữ bản quyền dịch phẩm này chứ đâu phải Viện Đại học Huế!

Ấn bản An Nam chí lược (1961, 2002, 2006, 2015, 2016). Ngoài ra còn in chung trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1). Nxb Thanh niên. 2012

Vấn đề mấu chốt nhất là Đại học Huế bây giờ có quyền kế thừa di sản Viện Đại học Huế ngày xưa không? Câu hỏi không dễ gì trả lời. Bởi lẽ kể từ khi Viện Đại học Huế dừng bước vào năm 1975 đến Đại học Huế thành lập vào năm 1994 đã có một đoạn dài đứt gãy, gần 20 năm còn gì. Hơn nữa, các trường “thành viên”, Trường Đại học Sư phạm Huế và Đại học Tổng hợp Huế đã tổ chức hội ”hành hương” về nguồn nhân 10 năm thành lập (1975 - 1985). Như muốn phủ nhận Viện Đại học Huế đã từng tồn tại trước đó.

Và dù thế nào đi nữa, có thể khẳng định bản quyền sách này thuộc về nhóm dịch giả và vẫn còn hiệu lực. Có thể tham khảo điều L.123-1, bộ Luật về quyền sở hữu trí tuệ (1992) của Pháp ”Tác giả hưởng suốt đời độc quyền khai thác tác phẩm của mình dưới bất kỳ hình thức nào và thu lợi về tiền nong. Khi tác giả qua đời, quyền này vẫn tồn tại và những người có quyền được hưởng trong năm lịch thường đó và bảy mươi năm sau”. Như vậy, nói cho rõ hơn, ”sự bảo hộ được cấp cho đến ngày 31.12 của năm kỷ niệm lần thứ 70 năm ngày mất của tác giả”(*).

Nguyễn Duy Long

-----------------------

(*) Xem: Emmanuel Pierrat. Quyền tác giả và hoạt động xuất bản. Hồ Thiệu, Nguyễn Đức Tiếu dịch. In lần thứ 3, xem lại và bổ sung. Nxb Hội Nhà văn, Trung tâm Quyền Tác giả Văn học Việt Nam. Hà Nội. 2007, trang 175, 437 - 438.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bản quyền Hải ngoại kỷ sự có thuộc Đại học Huế?