Nằm cách thị trấn Sapa khoảng 15km, bản Tà Phìn (Sa Pa, Lào Cai) nổi tiếng với "đặc sản" truyền thống: tắm lá thuốc của người Dao đỏ. Theo chân người phụ nữ Dao đỏ vượt suối, băng rừng đi tìm 30 loại lá thuốc khác nhau mới thấy hết được sự kì công của loại nước tắm được xem là "thần dược" này.
Sau vài ngày mưa lớn, Sa Pa đón tôi bằng cầu vồng sau mưa và những cây mận trĩu quả nở rộ giữa miền sơn cước. Men theo sườn núi quanh co, cách không xa thị trấn, tôi vượt 15 km đường đèo để tới bản Tả Phìn, nơi đây có cộng đồng dân tộc Dao đỏ sinh sống và giữ được những phong tục tập quán truyền thống, trong đó có bài thuốc tắm lá bí truyền.
Bản Tà Phìn là một nơi nhiều du khách khi tới Sa Pa thường hay lui tới bởi sự hấp đẫn của bài thuốc tắm lá người Dao đỏ. Khi tới bản tôi may mắn gặp chị Phàn Phan Châu (40 tuổi, đội 4, thôn Sả Séng, Tả Phìn, Sapa) rất mến khách, chị đã nở nụ cười tươi rạng rỡ, rất thân thiện và đồng ý cho tôi theo chân lên rừng hái lá thuốc ngay trong buổi sáng đó.
Tuy còn trẻ tuổi so với người trong bản nhưng chị Châu lại là người phụ nữ Dao đỏ được giải nhất trong cuộc thi hiểu biết về lá thuốc cổ truyền. Tôi cảm thấy may mắn đã mỉm cưới với mình khi gặp đúng người đã đồng ý cho tôi theo chân lên rừng tìm lá thuốc, tìm về đúng cội nguồn của phương thức lắm lá thuốc người Dao đỏ nổi tiếng một vùng.
Người Dao thường xây nhà theo ba loại hình: nhà đất, nhà sàn và nhà nửa sàn, nửa đất, nhưng phần lớn người Dao đỏ ngụ ở bản Tả Phìn lại rất chuộng nhà đất với ba hoặc năm gian đứng. Người ta cho rằng có ở nhà nền đất thì mới có chỗ để cúng Bàn vương.
Trong ngôi nhà gỗ, tôi có thể nhìn thấy ngay những chiếc giỏ được đan bằng mây rừng chứa đầy các loại lá thuốc khô, tươi có đủ cả để bán cho du khách. Lá tắm người Dao đỏ không phải tự nhiên trở thành một thứ "đặc sản" của người dân bản Tà Phìn, bởi đây là bài thuốc bí truyền đời này qua đời khác. Người dân tộc Dao đỏ ở đây rất tự hào về bài thuốc tắm này bởi lá thuốc trên rừng kết hợp với nhau nấu nước tắm chữa được không ít bệnh đến thuốc Tây đôi khi cũng phải "bó tay".
Ban đầu nguồn gốc những lá thuốc cổ truyền của người Dao đỏ chỉ chuyên dùng cho phụ nữ sau sinh dưỡng thai, qua năm tháng người dân hoàn thiện thành những bài thuốc chữ ho, xương khớp, mệt mỏi...
Du khách khi tới Sa Pa du lịch sẽ mệt mỏi khi ngồi xe một chặng đường dài hay một ngày vui chơi dã rời chân tay, du khách luôn tìm đến cảm giác khoan khoái, thư giãn khi được tắm nước nóng trong thùng gỗ với đủ những loại lá của người Dao đỏ. Mùi hương thơm của lá rừng toả ra, cùng nước nóng ấm qua tháng năm đã trở thành thương một nếp hình thành trong du khách khi nhắc tới Sa Pa hay bản Tả Phìn...
Nhưng để có được những nồi thuốc công hiệu ấy, với chị Châu hay bất cứ người dân nào người Dao đỏ cũng đều phải đi một hành trình dài lên rừng tìm kiếm đầy vất vả, gian nan.
Khoác lên mình bộ trang phục người Dao đỏ được dệt thổ cẩm thủ công mang đậm sắc thái núi rừng hoang sơ, chị Châu bắt đầu dẫn tôi lên rừng để tìm đủ hơn 30 loại lá thuốc cổ truyền.
Đường đi lên hái lá thuốc hiểm trở dần theo độ cao của những quả núi, với tôi một anh phóng viên với ba lô máy ảnh nặng trĩu vai leo núi thật khó khăn. Nhưng với chị Châu tỏ ra nhẹ nhàng, khi đôi chân chị cứ bước theo những con đường mòn, đã trở nên quen thuộc với chị.
Sau những ngày mưa trước, đất rừng trơn trượt, cây rừng mọc tốt tươi nhưng để tìm những lá cây thuốc thật không dễ kiếm tìm. Những ngọn núi thấp quanh bản chỉ là những nơi lấy lá thuốc nhỡ khi thiếu, để đi hái đủ khoảng 30 loại lá thuốc chúng tôi phải đi những quả núi xa hơn.
Chị Châu được theo bố mẹ lên rừng hái lá thuốc từ nhỏ, nên chị thuộc tên và công dụng của loại lá, cây cỏ. Có những loại lá nếu ăn thì độc nhưng khi nấu nước cùng với loại lá khác trở thành thuốc, như lá ngón. Lá ngón có hai loại, lá ngón cha và lá ngón mẹ, tuỳ mỗi loại được phép dùng hay không chị Châu nói nhưng tốt nhất là nên tránh xa.
Tay chị hái những lá thuốc, chẳng mấy chốc chiếc giỏ mây đã nặng dần, nhưng để đủ 28 đến hơn 30 loại lá thì chúng tôi còn phải sang núi khác. Cứ theo chị Châu đi hái lá thuốc, vừa đi chị vừa kể về những lá thuốc quý hiếm khiến chúng tôi bẵng đi cái mệt mỏi, khi nhìn đồng hồ thì đã quá trưa và cũng là lúc chúng tôi xuôi về phía chân núi.
Chiếc giỏ mây đầy ắp những lá thuốc quý, có những lá rất hiếm khi gặp, chị Châu nhẩm rằng cũng đã được gần 30 loại thuốc rồi nên đi trên đường về nữa là đủ. Để tắm lá thuốc theo truyền thống của người Dao đỏ, mỗi thùng nước tắm thường dùng đến hơn 10 loại lá thuốc, thậm chí có khi dùng tới nhiều hơn 30 loại khác nhau.
Từ ngày làm quen với nghề du lịch, mở dịch vụ tắm lá thuốc người Dao phục vụ du khách trong và ngoài nước, chị Châu cũng như bao người phụ nữ khác đã quen với việc lần mò trong rừng.
Chị Châu chia sẻ: "Không phải lúc nào cũng tìm được lá thuốc quý, có những lá đi cả năm chỉ gặp vài lần nên khi tìm thấy chị thường về băm nhỏ phơi khô thì để được lâu. Nếu băm nhỏ phơi cẩn thận thì tuỳ mỗi lá thuốc quý có thể để lâu tới hàng năm".
"Những người khách nước ngoài lần đầu tắm lá thuốc của dân bản địa thì thích chí lắm, khen ngợi không ngớt những vị thuốc từ thiên nhiên làm con người ta sảng khoái, thư giãn tinh thần" chị Châu chia sẻ thêm.
"Cũng có những người dân miền xuôi lên đây lập nghiệp, không quen khí hậu và đường xá nên bị bệnh xương khớp, chỉ tắm 3 lần là đã khỏi hẳn những cơn đau" chị Châu nói thêm.
Vừa nói chị vừa ôm bó lá vừa chọn lên nồi nước lớn, đun trong vài giờ là có thể tắm được. " Nước lá thuốc tốt nhất cho người mới sinh xong, tắm 2 nồi xong khoảng nửa tháng sau có thể đi làm nương rẫy thoải mái" chị Châu vừa cười vừa nói.
Trời bắt đầu về xế chiều, nhiệt độ Sa Pa bắt đầu xuống thấp, chị Châu ngồi bên bếp lò chờ nước lá chín để cho khách tắm chị vừa tâm sự: " Những ngày chưa phải mùa vụ nương thì nồi lá thuốc là nguồn thu nhập chính nuôi gia đình của chị. Vì làm lâu năm cũng như cái tâm trong nghề nhà chị lúc nào cũng có khách trong và ngoài nước đến tắm. Năm nay thì hơi kém do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách giảm hẳn so với mọi năm, nên cuộc sống khó khăn hơn đôi phần".
Sau khoảng vài giờ đồng hồ đun lá thuốc, chị lại tự tay xách từng thùng nước thơm nức mùi cây lá, cỏ đổ vào bồn tắm gỗ sẵn sàng cho khách tắm.
Một ngày đi lên núi hái thuốc cùng chị Châu khiến tôi cũng thấm mệt, nhưng điều với tôi là kỳ diệu chỉ sau một hồi tắm lá thuốc tôi cảm thấy khoan khoái và xua tan đi mệt mỏi. Sau khi tắm xong người nhẹ nhàng cũng là lúc phải chào tạm biệt chị Châu để chúng tôi xuôi về Hà Nội. Chia tay trong niềm vui của hai chị em khép lại bằng những lời hứa khi quay lại Sa Pa sẽ lại đến thăm chị và tắm lá thuốc người Dao đỏ.
Theo Toàn Vũ/ Dân Trí