Báo động đỏ về biến đổi khí hậu trong phát triển đô thị Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vấn đề chính tại "Hội thảo Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng ĐBSCL".

Báo động đỏ về biến đổi khí hậu trong phát triển đô thị ĐBSCL

Văn Kim Khanh | 20/07/2023, 17:25

Báo động đỏ về biến đổi khí hậu trong phát triển đô thị Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vấn đề chính tại "Hội thảo Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng ĐBSCL".

"Hội thảo Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long" do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức vào ngày 18.7 tại TP.Vị Thanh, Hậu Giang. 

Đây là hoạt động trong chuỗi hội thảo cấp quốc gia về chủ đề tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các đô thị Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu.

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu chia sẻ những thách thức mà người dân và chính quyền ở ĐBSCL đang phải đối mặt; thảo luận về các cách thức hỗ trợ Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu của các tỉnh, thành phố trước tác động của biến đổi khí hậu, cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

dbscl.jpg
ĐBSCL là vùng có nhiều sông ngòi, kênh rạch - Ảnh: Văn Kim Khanh

Tại hội thảo, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng ĐBSCL là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh. ĐBSCL chiếm 19% dân số của cả nước, có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong.

Tuy nhiên, thực tế vùng này đang bị tác động rất mạnh đối với việc biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vấn đề được đặt ra tại hội thảo là tác động của biến đổi khí hậu đối với việc phát triển và bảo vệ các đô thị trong vùng.

20221013_082652.jpg
Nước lũ tràn ngập trung tâm TP.Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Báo cáo từ hội thảo cho biết, toàn bộ 13 tỉnh thành có nguy cơ ngập cao: Tỉnh Kiên Giang (80%), Hậu Giang (80%), Bạc Liêu (40 - 50%), Sóc Trăng (25 - 30%), Cà Mau (40 - 50%). Khu vực ngập dưới 1m có 23 đô thị trong đó có 3 thành phố lớn là Cần Thơ, Rạch Giá và Mỹ Tho.

Theo đó, 5 giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL được đưa ra là: Kết hợp phi tập trung và tập trung “nén” chủ động “dành chỗ cho nước”; Đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái và cấu trúc sông, kênh, rạch hiện có; Chọn đất phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn tính đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phù hợp với đặc điểm cấu trúc địa hình tự nhiên; Lồng ghép giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật với giải pháp phát triển giao thông - thủy lợi; Liên kết đô thị nông thôn theo tiểu vùng ngập để có giải pháp chống ngập và mô hình phát triển phù hợp, tương thích.

nga-bay.jpg
Đô thị Ngã Bảy là nơi thí điểm trong chỉnh trang đô thị ở ĐBSCL -  Ảnh: Văn Kim Khanh

Trước hội thảo, các đại biểu đi thực tế ở đô thị Ngã Bảy để trực tiếp tham quan và tìm hiểu về một số giải pháp và các mô hình tốt đã, đang và sẽ được triển khai tại các đô thị chủ nhà.

soc-trang-khu-5a.jpeg
ĐBSCL có nhiều khu đô thị mới và thu hút lượng cát rất lớn - Ảnh: Văn Kim Khanh

ĐBSCL là một trong những vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai và biến đổi khí hậu. Vùng được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới (một số nghiên cứu dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5-1m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số ĐBSCL chịu ảnh hưởng lớn).

Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL đều có nguy cơ ngập, trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như: TP.Rạch Giá, Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và TP.Cần Thơ.

Cũng tại sự kiện này, ông Hervé Conan - Giám đốc AFD Việt Nam mong mỏi việc chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia Pháp trong hội thảo sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách cấp địa phương của Việt Nam có được cái nhìn sâu rộng hơn về những thách thức mà họ phải đối mặt ngay tại địa phương của họ. Các trao đổi tập trung xoay quanh vấn đề quản lý rủi ro thiên tai, các mô hình và công cụ phát triển đô thị tương ứng với 3 khu vực miền núi, ven biển và ĐBSCL, các cách tiếp cận được ưu tiên trong bối cảnh đô thị phát triển mạnh mẽ và những điều chỉnh cần thiết của địa phương để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

khai-thac-cat-tren-song-hau-inter.jpg
Khai thác cát trên sông Hậu - Ảnh: Internet

Từ hội thảo, các vấn đề lớn được đặt ra cho vùng ĐBSCL về phát triển đô thị: Nhiều địa phương trong vùng đang phát triển rất nhanh về đô thị (trung bình mỗi tỉnh có 20 - 30 khu dân cư đô thị, khu tái định cư). Hầu hết các khu này đều rất cần đến cát lấp nền, cát xây dựng. Nhiều tuyến đường cao tốc sẽ được khởi công tiếp theo ở các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hút lượng lớn cát lấp nền.

Chỉ riêng từ nay đến 2025, các tuyến cao tốc ĐBSCL cần đến 40 triệu khối cát nền. Nguồn cung cát cho các công trình này cần đến hàng trăm triệu khối cát. Hầu hết sẽ được khai thác từ các mỏ cát ĐBSCL.

Tuy nhiên, nếu việc khai thác một lượng cát lớn từ ĐBSCL thì cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và mưa bão... sẽ làm cho nhiều nơi ở  ĐBSCL bị sạt lở, nhất là ven sông ở các tỉnh và sông Tiền, sông Hậu.

sat-lo-1(1).jpg
Sạt lở ở Tiền Giang vào ngày 18.7 - Ảnh: Mỹ Tho

TS.KTS Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: “Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục xem xét giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu đối với vùng này theo hướng phát triển hệ thống đô thị nông thôn kết hợp phi tập trung và nén, chủ động dành chỗ cho nước. Đây là nội dung hết sức quan trọng đảm bảo cân bằng hệ thống sinh thái và cấu trúc kênh rạch hiện có”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
10 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo động đỏ về biến đổi khí hậu trong phát triển đô thị ĐBSCL