Đó là thông tin được ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý bảo hiểm đưa ra tại phiên họp báo chuyên đề về kết quả tình hình triển khai thực hiện Chiến lược giai đoạn 2011-2015 và các giải pháp thực hiện giai đoạn 2016-2020 trong lĩnh vực bảo hiểm diễn ra chiều 29.3.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về công tác thanh tra các công ty bảo hiểm năm 2016, ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý bảo hiểm, cho biết, năm nay sẽ thanh kiểm tra 7 doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm: Bảo hiểm Liberty, Bảo hiểm Bảo Long, Prudential, Dai-ichi, Cathay, MIC, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội.
Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu chiến lược, Cục Quản lý Bảo hiểm cho biết, đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 61 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, có 29 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài; 17 DNBH nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm và 12 DN môi giới bảo hiểm.
Trong giai đoạn này, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỉ đồng, trong đó tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới hơn 10 triệu tỉ đồng, tổng giá trị được bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là 1 triệu tỉ đồng; trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, sức khỏe là 700 nghìn tỉ đồng.
Về chỉ tiêu tổng doanh thu bảo hiểm, Cục Quản lý Bảo hiểmcho biết,đến hết năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường ước tính đạt 84.375 tỉ đồng, đạt khoảng 2% GDP, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16%/năm. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng bình quân 11,7%/năm; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng bình quân 24,6%/năm.
Cũng trong giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm đã đóng góp hơn 4.975 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước, góp phần ổn định kế hoạch huy động nguồn thu, hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, Cục Quản lý Bảo hiểm cho biết.
Đề ra giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm trong giaiđoạn 2016-2020, Cục Quản lý Bảo hiểm cho rằng phải tập trung vào một số nội dung như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; Nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DN bảo hiểm; Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; Đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm và đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi được báo giới quan tâm đólà: “Bảo hiểm có phải bà đỡ của nền kinh tế?"Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh đã thẳng thắnkhẳng định, đây là chức năng cơ bản của bảo hiểm đã được định sẵn. Bên cạnh đó, bảo hiểm còn góp phần thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô; với 80% công trình lớn của nhà nước được bảo hiểm thì khi có rủi ro, DN bảo hiểm sẽ đứng ra giải quyết theo hợp đồng bảo hiểm.
Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh cũng nhìn nhận rằng, bảo hiểm còn đóng vai trò là kênh đầu tư trở lại đối với nền kinh tế khi DN bảo hiểm tham gia mua trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài từ 20-30 năm. Đặc biệt, bảo hiểm cũng góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội thông qua chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản... ... Kịp thời khắc phục hậu quả thông qua bảo hiểm cùng các nhà đầu tư đã góp phần ổn định và thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế mà tiêu biểu là các vụ bồi thường tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh năm 2014 là minh chứng cụ thể.
Tuyết Nhung