Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường ngày càng nhiều hơn là dư luận dần trở lên miễn nhiễm, coi nó như một hiện tượng bình thường.

Bạo lực học đường: 22,6% đứng xem; 5,4% quay phim; 7,8% cổ vũ; 30,9% tránh đi nơi khác

Một Thế Giới | 25/12/2014, 06:33

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường ngày càng nhiều hơn là dư luận dần trở lên miễn nhiễm, coi nó như một hiện tượng bình thường.

Thạc sĩ Đinh Anh Tuấn, Khoa Tâm lý giáo dục và công tác xã hội, Trường ĐH Quy Nhơn, Bình Định đã nhận định như thế tại hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông”, do Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 24.12.

“Ém thông tin vì sợ hình ảnh xấu”
Theo thạc sĩ Đinh Anh Tuấn, tình trạng bạo lực học đường thời gian gần đây xảy ra hên tục nhưng phần lớn chỉ đưa thông tin, hình ảnh các vụ việc, chưa có báo cáo riêng biệt. Có đại biểu cho rằng nhiều trường còn ém nhẹm thông tin vì sợ làm xấu hình ảnh đơn vị mình. Nếu có thống kê đầy đủ, trung thực và thẳng thắn thì số vụ bạo lực sẽ rất lớn, phổ biến ở các trường phổ thông.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay mọi người gần như chấp nhận bạo lực học đường là bình thường nên có thái độ thờ ơ, dửng dưng. Theo một nghiên cứu về bạo lực học đường ở TP. Quy Nhơn (Bình Định), khi xảy ra vụ việc, khoảng 22,6% học sinh cho biết chỉ đứng xem, 36,5% nói báo với giáo viên, 5,4% quay phim chụp hình, 7,3% hô hào, cổ vũ và đến 30,9% bỏ đi nơi khác để an toàn.        
Ông Tuấn cho rằng cách phản ứng của học sinh trước bạo lực thật đáng lo ngại khi các em thờ ơ bỏ đi nơi khác,đứng xem, thậm chí còn hô hào cổ vũ, quay phim chụp ảnh. “Nhiều em cho rằng bạo lực là chuyện thường ngày ở trường”, ông Tuấn nhắc lại.
Theo thạc sĩ Phan Đình Nhân - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Khánh Hòa), có 50,5% ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh trong cuộc khảo sát cho rằng bạo lực hiện nay rất phổ biến.
Nhận định về tình trạng này, giảng viên Trương Thanh Thuý, Khoa Tâm Lý (Trường ĐH Sư phạm Huế), nói: “Trong khoảng 10 năm gần đây, bạo lực xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn, cả nam lẫn nữ. Điều này gây những tác động xấu đến mối quan hệ thầy trò, giữa trò và trò... Đây thực sự là một vấn đề đáng lo ngại”.
bao luc hoc duong
 Những hình ảnh như thế này càng ngày phổ biến ở học sinh phổ thông trung học

Quên dạy làm người

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục, ngăn chặn tình trạng bạo lực. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do trường phổ thông hiện nay chỉ chú trọng dạy chữ hơn dạy làm người.

Nói về vấn đề nay, ông Phạm Hữu Khương, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Ninh Thuận, cho biết: “Đến lúc chất lượng giáo dục phải làm lại cách đo. Phải đo chất lượng ở ngoài nhà trường; đo về nhân cách; đạo đức của học sinh chứ không chỉ đo về học lực và hạnh kiểm như trước đây. Đồng thời nhà trường cần chú trọng phần dạy làm người cho học sinh. Nếu cần phải đổi mới căn bản; toàn diện giáo dục; thì chúng ta cần phải thay đổi tư duy đã trở thành cố hữu đó. Cần bỏ đi chuyện học gì thi nấy; thi gì học nấy học để hoàn thiện bằng cấp; củng cố địa vị; làm đẹp chỉ tiêu nấng chuẩn công chức; viên chức...”.

Ông Khương còn cho rằng đáng buồn khi hiện nay chuyện học để làm người; học để lĩnh hội tri thức và áp dụng vào công việc; cuộc sống chỉ xem là thứ yếu. “Vì vậy kết quả là tạo ra thế hệ ngày càng nhiều đối tượng thiếu kỹ năng sống; ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, kể cả khi trở thành cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền. Phải thay đổi phương pháp giáo dục trong nhà trường, căn bản là tránh việc chỉ toàn bàn khâu thi cử”, ông Khương mong muốn.

Ông Châu Thái Lộc, Phó trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên  (Sở GD-ĐT Khánh Hoà) đề nghị cần nghiên cứu để điều chỉnh chương trình môn giáo dục công dân cho phù hợp.

Một nguyên nhân khác, theo các đại biểu, phần lớn các trường phổ thông hiện nay thiếu hoặc không có chuyên viên tham vấn tâm lý, kịp thời giải quyết những vụ việc mâu thuẫn hoặc những khó khăn, bức bách của học sinh.

Minh Luân (Thanh Niên)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạo lực học đường: 22,6% đứng xem; 5,4% quay phim; 7,8% cổ vũ; 30,9% tránh đi nơi khác