Kết quả khảo sát mới nhất được Harvard CAPS/Harris Poll công bố ngày 28.9, cho biết tỷ lệ cử tri nói sẽ bỏ phiếu cho đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng 3 điểm phần trăm lên 45%, rút ngắn khoảng cách với đối thủ là ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Cụ thể, 47% cử tri có thể đi bầu cho biết sẽ bỏ phiếu cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden nếu như cuộc bầu cử diễn ra tại thời điểm thăm dò. Với kết quả này, Tổng thống Trump đã rút ngắn chỉ còn 2 điểm khoảng cách với ông Biden so với kết quả cuộc thăm dò trong tháng 8.
Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, cách biệt giữa ông Biden và ông Trump đang ngày càng thu hẹp ở một số bang chiến địa, khi chỉ còn 5 tuần nữa là tới ngày bầu cử. “Trong khi tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Trump đang dần tăng lên, tỷ lệ ủng hộ của ông Biden có thể vẫn không thay đổi sau cuộc tranh luận quan trọng này”, Mark Penn, Giám đốc Harvard CAPS-Harris cho biết.
Trước đó, tờ New York Times ngày 27.9 đưa tin, hóa đơn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2017, một năm sau khi ông nhậm chức, là 750 USD, đồng thời cho biết ông 'chưa trả đồng thuế thu nhập nào trong 10 năm'.
Trong một cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh rằng báo cáo của New York Times hoàn toàn là “tin giả, bịa đặt”, đồng thời cho biết thêm rằng sẽ công bố tờ khai thuế để chứng minh điều đó. Trump tiết lộ ông có 108 trang hồ sơ khai thuế đang được kiểm kê lại trước khi công bố.
Những lùm xùm liên quan tới việc nộp thuế của ông Trump được tung ra ít ngày trước khi ông và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden có cuộc tranh luận đầu tiên, dự kiến bắt đầu vào tối 29.9 (giờ Mỹ)tại Cleverland, bang Ohio.
Cuộc tranh luận này được đánh giá là thu hút sự chú ý lớn. Trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, ông Trump và ông Biden dự kiến tranh luận về 6 chủ đề chính đã được lựa chọn trước liên quan tới hồ sơ của ông Trump và ông Biden, vấn đề bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao gây tranh cãi sau cái chết của Thẩm phán Ruth Ginsburg, đại dịch COVID-19, sự bất ổn của nền kinh tế Mỹ, các cuộc biểu tình bạo lực sau cái chết của người đàn ông Mỹ gốc Phi George Floyd, và “tính nguyên vẹn của cuộc bầu cử”.
Sau cuộc tranh luận đầu tiên tại Ohio, hai ứng cử viên sẽ còn có thêm hai cuộc tranh luận trực tiếp khác vào ngày 15.10 và 22.10. Bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào 3.11.
Eric S. Heberlig, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ) nhận định, sự kiện diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Tổng thống Trump đang tạm thua đối thủ về tỉ lệ ủng hộ của cử tri trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, do đó ông cần thể hiện tốt trong các cuộc tranh luận để thay đổi động lực của chiến dịch vận động tranh cử.
Theo ông Heberlig, với cương vị là tổng thổng đương nhiệm, ông Trump chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều câu chất vấn về thành tựu cũng như các quyết định khi điều hành đất nước. Do đó, ông Biden có thể tận dụng cơ hội này để tấn công và ông Trump phải sẵn sàng ở thế phòng thủ.
Trong khi đó, Scott Bennett, một cựu sĩ quan quân đội và hiện là nhà phân tích chính trị, dự đoán rằng ông Trump nhiều khả năng sẽ "dẫn dắt nhịp độ và chiều sâu của cuộc tranh luận". Ông Trump không chỉ quen với bối cảnh xung đột vào thời điểm này, mà còn có thể biến nó thành lợi thế. Ngược lại, ông Biden có thể chứng tỏ bản thân khó có thể chống chịu được xung đột hay sự giám sát và có khả năng trở nên "bối rối, phòng thủ và thù địch trong lúc tranh luận”.
David Schultz, giáo sư chính trị học tại Đại học Hamline (Mỹ) tin rằng lãnh đạo đương nhiệm Mỹ sẽ cố gắng công kích vào tuổi tác và tính cách của ông Biden như đã từng làm với bà Hillary Clinton hồi năm 2016. “Trump cũng sẽ cố gắng hướng cuộc tranh luận tránh xa khỏi chủ đề đại dịch COVID-19, điều ông được cho là làm không tốt theo kết quả thăm dò dư luận”, Schultz nói.
Chuyên gia Schultz cho biết, ông Trump sẽ chớp lấy cơ hội để khóa chặt Biden với làn sóng biểu tình bạo lực khắp toàn quốcnhằm đòi công bằng sắc tộc trong thời gian gần đây. Về phần mình, Biden "trước tiên cần phải chứng minh rằng ông ấy sẵn sàng cho cương vị tổng thống" và "khích lệ hứng thú vào chiến dịch nhàm chán và mờ nhạt của mình". Cựu phó tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ công kích ông Trump về cách ứng phó đại dịch COVID-19, nền kinh tế đang suy yếu, quyền nạo phá thai và vấn đề chăm sóc y tế để giành được sự ủng hộ của các cử tri.
Trang Nhung (theo The Hill, Sputnik)