Một ngày sau khi đi học, bé gái 9 tuổi bất ngờ trợn tráo mắt, trụy tim mạch, ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ xác định bệnh nhi bị viêm cơ tim, sốc tim nguy kịch.
Chiều 12.4, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho hay các bác sĩ ở đây vừa kịp thời cứu sống một bé gái bị trụy tim mạch, ngưng tim, ngưng thở do viêm cơ tim, sốc tim nguy kịch.
Theo người nhà của bé gái B.H.P.N. (9 tuổi, quê Tiền Giang), trong lúc bé đang đi học thì bị ói, sốt nhẹ và mệt nên gia đình đưa về nhà nghỉ. Sau đó, bé N. được đưa đến một phòng khám tư gần nhà để điều trị. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau bé bất ngờ ói liên tục rồi trợn mắt ngất lịm, gia đình liền đưa em vào bệnh viện địa phương cấp cứu trong tình trạng đã trụy tim mạch.
Tại đây, các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngưng tim, ngưng thở, ổn định tạm huyết áp bằng nhiều loại thuốc vận mạch liều cao. Sau khi siêu âm và xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện men tim quá cao. Xác định bệnh nhi bị viêm cơ tim, sốc tim, các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Theo bác sĩ Phương Vũ, tình trạng bệnh nhi lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”. Toàn bộ các ê kíp cấp cứu, hồi sức tích cực, ECMO (tim phổi nhân tạo), ngoại lồng ngực, tim mạch... thay nhau túc trực, tăng cường tua trực. Các bác sĩ cũng hội chẩn tham vấn liên tục qua các ứng dụng trực tuyến, theo dõi sát từng biến chuyển của ca bệnh phức tạp.
“Suốt gần 1 tuần chạy ECMO cùng với sự điều trị tích cực của các chuyên khoa, trái tim em đã bắt đầu nảy tràn trề sinh lực. Bệnh nhi tỉnh dần, cải thiện mọi thông số máy móc, chức năng cơ quan tim, thận, gan, phổi… và từng bước vượt qua mọi thử thách cam go trong quá trình vận hành ECMO như: rối loạn nhịp, ứ máu buồng tim, phẫu thuật xé vách buồng tim cấp cứu tại giường, truyền máu và chế phẩm máu...”, bác sĩ Vũ cho biết.
Theo bác sĩ Vũ, đến sáng nay (12.4) bệnh nhi đã chính thức cai máy ECMO. Đây là ca thứ 17/24 ca nguy kịch tim phổi mà bệnh viện cứu sống được nhờ thực hiện kỹ thuật ECMO. Như vậy, tỷ lệ cứu sống thành công bằng kỹ thuật ECMO tại bệnh viện lên đến 70%, trở thành đơn vị y tế ở phía Nam có số lượng bệnh nhi được cứu sống cao nhất nhờ ECMO.
“Trái tim em đã tự đập ổn định sau khi rút ECMO, từng nhịp thở tràn trề sinh lực cũng trở lại thường hơn, dồn dập và khoẻ khoắn hơn. Chúng tôi tin em đang dần bứt phá ngoạn mục để trở lại đường đua của một nữ sinh giỏi”, bác sĩ Vũ chia sẻ.