Sau khi ngưng lọc máu, bệnh nhân 91 mắc COVID-19 - phi công người Anh đã tiếp tục ngưng sử dụng thuốc giãn cơ và giảm dần liều thuốc an thần. Hiện bệnh nhân đã tiểu khá hơn rất nhiều, nhưng chức năng thận vẫn chưa phục hồi.
Phi công người Anh đã được ngưng lọc máu hoàn toàn
Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ huy động toàn lực để cứu phi công người Anh
Chỉ còn 10% phổi hoạt động, phi công người Anh được chỉ định ghép phổi
Phổi phi công người Anh chưa chết hoàn toàn và chưa đủ điều kiện ghép phổi
Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay trong sáng nay (25.5) bệnh nhân 91 – phi công người Anh đang được điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Hiện bệnh nhân đã giảm liều thuốc an thần và ngưng sử dụng thuốc giãn cơ.
Như vậy, sau khi ngưng lọc máu liên tục từ tối 22.5, bệnh nhân 91 tiếp tục ngưng sử dụng thuốc giãn cơ và giảm liều thuốc an thần.
BSCK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau khi ngưng lọc máu, bệnh nhân tiểu tốt, nhưng chức năng thận vẫn chưa phục hồi. Bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch với tế bào lympo máu kéo dài. Hiện bệnh nhân vẫn còn hôn mê nhưng đã giảm liều thuốc an thần, mạch và huyết áp ổn định.
Bệnh nhân tiếp tục được điều trị với máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo ECMO, thở máy, điều trị kháng sinh, dinh dưỡng, vật lý trị liệu.
“Hiện lưu lượng máu ECMO vẫn còn cao, bệnh nhân phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ECMO, tình trạng nhiễm trùng phổi chưa được khống chế. Do đó, tiên lượng của bệnh nhân này vẫn còn nặng”, bác sĩ Thức cho biết thêm.
Bệnh nhân 91 là một bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất, tình trạng bệnh diễn biến rất thất thường. Bộ Y tế nhận định đây là bệnh nhân có yếu tố cơ địa rất kỳ lạ, nếu theo y học thì khả năng sống sót là rất thấp.
Bệnh nhân này ngoài bị rối loạn đông máu còn mắc hội chứng "cơn bão cytokine", khiến hệ miễn dịch phản ứng thái quá, giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Các thuốc trong nước điều trị kháng đông cho bệnh nhân này đều bị kháng thuốc. Tuy vậy, sau hơn 65 ngày điều trị tích cực, trong đó có 47 ngày lọc máu, hỗ trợ tim phổi nhân tạo ECMO bệnh nhân đã dần hồi phục, 7 lần liên tiếp âm tính với vi rút SARS-CoV-2 được xác định khỏi bệnh COVID-19, phổi đã hoạt động được 30% nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị nội khoa nhằm xử lý tình trạng nhiễm trùng phổi.
Về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết TP đang cách ly 303 hành khách đến từ châu Âu và đã lấy mẫu lần 1 để xét nghiệm những người này.
Như vậy đến thời điểm này, TP đang cách ly tập trung để giám sát, theo dõi COVID-19 đối với 506 người, trong đó đông nhất là tại khu cách ly ở Sư đoàn 317 có 200 người; kế đến là trường Thiếu sinh quân Củ Chi (Khu C) có 139 người; khu cách ly ở huyện Nhà Bè có 62 người... Ngoài ra còn có 14 người đang được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo ThS-BS Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện TP chỉ còn 4 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được theo dõi, điều trị. Trong đó, bệnh nhân 278 (chuyển từ tỉnh Bạc Liêu lên TP.HCM) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Hiện bệnh nhân này tỉnh táo, khỏe nhiều, ăn uống tốt, giảm ho nhiều, không sốt, mạch, huyết áp bình thường. Riêng 3 bệnh nhân còn lại (271, 321 và 322) đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi đều có sức khỏe ổn định.
“Trong lúc này, vệ sinh tay là vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống bệnh COVID- 19. Do đó, mọi người phải rửa tay trước khi vào và rời khỏi trường học, nơi làm việc, trung tâm thương mại… Thực hành rửa tay theo các bước hướng dẫn của Bộ Y tế”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Hồ Quang