Nghiên cứu do giới chức y tế Trung Quốc thực hiện chỉ ra rằng nước này đang đối mặt với tình trạng béo phì nghiêm trọng, tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính gia tăng.
Được thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh, Trung tâm Ung thư quốc gia, Trung tâm Bệnh tim mạch, nghiên cứu khảo sát hơn 60.000 người trên khắp Trung Quốc trong khoảng thời gian 2015 - 2020.
Kết quả cho thấy hơn 10% trẻ em dưới 6 tuổi bị béo phì và thừa cân, 19% trẻ hoặc thiếu niên từ 6 đến 17 tuổi thừa cân và béo phì. Béo phì ở mọi nhóm tuổi đều tăng. Bệnh tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao cũng tăng tương ứng.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Lý Bân nhận định tình trạng béo phì gia tăng là hệ quả của lối sống thiếu lành mạnh: mọi người đi ăn ngoài thường xuyên hơn, trẻ em tiêu thụ nhiều đồ uống có đường hơn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra tiêu chuẩn người châu Á có chỉ số khối cơ thể (BMI – tính bằng tỷ lệ giữa trọng lượng với chiều cao) trong khoảng 23 - 24,9 là thừa cân, từ 25 trở lên là béo phì. Tỷ lệ người thừa cân ở Trung Quốc hiện vẫn thấp hơn nhiều quốc gia phát triển. Giai đoạn 2002 - 2015, tỷ lệ người thừa cân của nước này chỉ tăng hơn 7 điểm phần trăm – hơn 30% người trưởng thành thừa cân, thấp hơn mức 70% của Mỹ (40% là béo phì).
Tiến sĩ Hoàng Chí Minh thuộc Khoa Công nghệ - Thông tin y tế thuộc đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) cảnh báo dù tỷ lệ người thừa cân của Trung Quốc thấp hơn Mỹ, nhưng lại gia tăng quá nhanh.