Theo lời khai của cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sau khi bị miễn nhiệm, bị cáo không tham gia vào bất kỳ khâu nào trong quá trình thoái vốn của Sabeco.
Chiều 23.4, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Vũ Huy Hoàng khẳng định không hề tham gia vào bất kỳ công việc gì của Bộ Công Thương kể từ khi bị Quốc hội miễn nhiệm tư cách bộ trưởng. Bị cáo chỉ chuẩn bị bàn giao tài liệu và tham gia các phiên họp cuối cùng của Quốc hội về nhân sự; hoàn toàn không tác động, không can thiệp, không có động cơ, tư lợi gì trong việc Sabeco thoái vốn.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định bị cáo Vũ Huy Hoàng, bị can Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, đang bị truy nã) và bị cáo Phan Chí Dũng đã có ý kiến chỉ đạo đối với các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công Thương và Sabeco trong quá trình Sabeco thực hiện thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) và dùng tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện dự án “Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê” trên khu đất 6.080m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư dự án cho liên doanh Sabeco Pearl và đề nghị được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung chức năng officetel (mô hình kết hợp văn phòng cho thuê với khách sạn) và căn hộ ở cho dự án, ngay sau đó Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh.
Kể từ đó, diễn ra sự hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.816 tỉ đồng là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỉ đồng.
Theo lời khai của cựu bộ trưởng, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thoái vốn ngoài ngành, do nhà đầu tư yêu cầu tăng vốn điều lệ nhưng Sacbeco không có khả năng đáp ứng…, đồng thời Bộ Công Thương có nhận được công văn của nhà đầu tư xin thoái vốn nhưng Bộ không trả lời, mà chuyển văn bản theo đúng thủ tục hành chính - chuyển sang Vụ Công nghiệp nhẹ, để hỏi ý kiến Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco.
Sau khi có ý kiến của HĐQT Sabeco, phân tích lợi ích, rủi ro, Sabeco đề nghị Bộ cho phép thoái vốn. Bị cáo Vũ Huy Hoàng cho biết căn cứ đề nghị của Sabeco, Bộ đồng ý về mặt chủ trương, hướng dẫn thủ tục để Sabeco thoái vốn nhưng phải bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn tài sản của Nhà nước.
Sabeco đã làm phương án sơ bộ về thoái vốn (làm theo Luật Doanh nghiệp, chọn công ty tư vấn thẩm định giá…), đồng thời đề nghị rằng thoái vốn nhưng vẫn cần có địa điểm làm trụ sở. Theo cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, về mặt chủ trương, đây là đề xuất của HĐQT, phù hợp với chủ trương của Nhà nước, Bộ thấy hợp lý.
“Lúc này, Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) lấy ý kiến các đơn vị liên quan, đề xuất cuộc họp có nội dung xem xét chủ trương thoái vốn và đầu tư trụ sở mới. Do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đi vắng nên tôi chủ trì họp thay”, bị cáo Hoàng khai.
Ngoài ra, lời khai của bị cáo Vũ Huy Hoàng tại phiên tòa chiều nay còn cho biết khi kết luận cuộc họp, bị cáo có nói: "Lấy giá sàn làm căn cứ tham khảo làm giá khởi điểm, bản thân không kết luận về giá. Sabeco căn cứ vào quy định của pháp luật xây dựng việc thoái vốn để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích của các bên".
Cuối lời, cựu bộ trưởng cho biết ngày 8.4.2016, Quốc hội miễn nhiệm ông với tư cách bộ trưởng; ngày 30.5.2016, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức; tháng 6.2016, tổng công ty mới tiến hành đấu giá, ngày 30.8.2016 mới báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt. “Sau khi bị miễn nhiệm, tôi không tham gia vào bất kỳ khâu nào trong quá trình thoái vốn của Sabeco”, cựu bộ trưởng khẳng định.