Dạy con học cách chi tiêu từ sớm tưởng chừng là việc không quan trọng nhưng lại quyết định rất lớn đến tính cách sau này của mỗi đứa trẻ.
Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ và cha mẹ chính là người thầy đầu tiên giúp trẻ làm quen với tiền cũng như là người đi cùng con trong suốt quá trình phát triển của trẻ.
Hầu hết trẻ em có được kiến thức về tiền từ chính bố mẹ mình cũng như định hướng về tài chính của trẻ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ chính những thói quen của cha mẹ. Nhưng có một thực tế là rất ít các bậc cha mẹ Việt Nam chú tâm dành thời gian để dạy tài chính cá nhân cho trẻ em có hiệu quả hay thậm chí là cố tình bỏ quên vấn đề này.
Tiết kiệm
Hãy chỉ cho con tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền. Vì không phải người lớn, những đứa trẻ chưa từng trải qua những vấp ngã hay thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, chúng sẽ không biết cách tiết kiệm ổn định.
Để dạy trẻ tính tiết kiệm, hình thành thói quen chỉ mua những thứ con cần từ tiền chúng tiết kiệm được hàng tháng. Ví dụ, bạn cho con 5 ngàn mỗi sáng và con bạn muốn mua một món đồ chơi có giá 250 ngàn. Hãy yêu cầu con tiết kiệm đủ số tiền nếu muốn sở hữu món đồ. Điều này dạy trẻ hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc tiết kiệm, đồng thời cũng rèn luyện cho trẻ đức tính kiên nhẫn.
Hãy để trẻ học tập cách chúng ta sử dụng tiền
Không gì có thể dạy trẻ cách sử dụng tiền tốt hơn giáo dục trực quan. Cụ thể là cho con được nhìn thấy cách bạn tiêu tiền. Hãy dẫn trẻ đi mua sắm cùng gia đình tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, trung tâm mua sắm hay cửa hàng sách… Khi lựa những món đồ cần mua, hãy giải thích để con cũng nghe được vì sao bạn quyết định chọn mua sản phẩm này.
Hãy đưa ra hai món đồ có công dụng như nhau và phân tích: cái nào tốt hơn, phù hợp hơn, cái nào cần mua cái nào không. Thông qua việc nghe cách lựa chọn đồ, trẻ sẽ học hỏi được rằng bạn không mua tất cả những món mình thích, mà mua vì món đồ đó phù hợp với nhu cầu sử dụng của cá nhân hay gia đình.
Đây cũng chính là cách dạy con sử dụng tiền sớm nhất, có thể bắt đầu cả với những trẻ ở độ tuổi nhỏ khi đã hiểu mọi người xung quanh nói gì.
Hãy nói với trẻ tiền từ đâu mà có
Hai nhà tâm lý học nổi tiếng của Ý Anna Berti và Anna Bombi nhận xét trẻ trong độ tuổi từ bốn đến năm thường nghĩ rằng mọi người ai cũng có tiền và ngân hàng là nơi phát tiền cho mọi người sử dụng. Phần lớn trẻ chỉ được nhìn thấy bố mẹ, người thân đến quầy giao dịch ngân hàng hay cây ATM rút tiền, nên không có gì ngạc nhiên khi trẻ có suy nghĩ như vậy.
Hãy từ từ giải thích cho trẻ hiểu tiền thực sự từ đâu mà có. Nói với trẻ về công việc mà bạn làm, bạn được trả lương như thế nào, vì sao ngân hàng đưa tiền cho bạn. Hãy giải thích thời gian ban ngày bạn không ở bên con là để đi làm, để kiếm tiền ra sao. Bằng cách tâm sự, con của bạn sẽ dần hiểu được tiền có được là dựa trên lao động, công sức; chính vì thế không nên phí phạm hay sử dụng hoang phí đồng tiền kiếm được.
Luôn hỏi ý kiến các bé khi mua đồ
Trẻ em Singapore được giáo dục về tài chính một cách rất bài bản. Tại tất cả các trường học trên đất nước Singapore, Giáo dục tài chính được dạy như một môn học chính khóa.
Thêm vào đó, các bậc phụ huynh tại đảo quốc sư tử cũng có rất nhiều những phương pháp giáo dục hiệu quả, giúp trẻ em nước này có một nền tảng rất tốt về tài chính ngay từ khi con nhỏ. Ví dụ thay vì mua cho con những thứ mà con thích thì các bà mẹ Sing lại cùng con lập một danh sách những thứ mà con thích và tính toán từng khoản tiền cho từng hạng mục.
Theo đó, mỗi tuần các con sẽ được trích 1/2 số tiền được bố mẹ cho để tiết kiệm cho kế hoạch lớn. Số còn lại các bé sẽ được tự quyết định để mua sắm những thứ mà mình thích.
Các bà mẹ Singapore cho rằng, “Bố mẹ hoàn toàn có thể mua cho con cái những thứ mà con thích nhưng việc tự mua bằng tiền tiết kiệm của mình sẽ khiến con có trách nhiệm hơn với từng đồng mình kiếm được”. Mặt khác, các mẹ muốn con “phải học được thứ tự ưu tiên khi mua đồ cũng như biết được đâu là cái mình cần và đâu là cái mình muốn”.
Theo dõi chi tiêu
Sắm cho con một cuốn sổ nhỏ và yêu cầu con ghi chép lại số tiền mà con đã tiết kiệm được cũng như tiền mà chúng sử dụng đều đặn mỗi ngày. Sau vài tháng, bạn có thể cùng con thống kê lại bảng chi tiêu, chỉ cho con những món hàng con nên tiết kiệm và thay đổi cách sử dụng tiền như nào cho hợp lý. Bài tập này sẽ dạy cho con về duy trì ngân sách hàng tháng, điều này rất hữu ích đối với mỗi đứa trẻ trong cuộc sống sau này.
Ảnh hưởng của quảng cáo
Hiện nay, rất nhiều công ty chi một số tiền lớn cho các quảng cáo dành cho trẻ em. Một nghiên cứu chỉ ra rất nhiều ứng dụng điện thoại dành cho trẻ dưới 5 tuổi đều có ít nhất một quảng cáo. Những quảng cáo này được thiết kế nhằm khuyến khích trẻ muốn mua hàng. Các bậc phụ huynh nên chỉ cho con những mặt lợi hại của mỗi quảng cáo như vậy để trẻ học cách chi tiêu có trách nhiệm hơn và không bị các quảng cáo cám dỗ.
Ủng hộ con phát triển khả năng tính toán
Những đứa trẻ không giỏi việc tính toán thường có xu hướng lo lắng về tiền bạc nhiều hơn những trẻ cùng lứa tuổi. Ngược lại đứa trẻ giỏi toán thì phần lớn biết chi tiêu hợp lý, có khả năng tiết kiệm tiền hay thậm chí biết sử dụng tiền cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Chính vì vậy, bạn nên khuyến khích con tính toán các khoản chi tiêu, phát triển khả năng toán học cũng như cân đối tài chính.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi bạn áp dụng nguyên tắc dạy con sử dụng tiền mà kết quả chưa đạt được như ý muốn, hãy luôn tâm niệm rằng quá trình nuôi dạy đứa trẻ cần nhiều thời gian và không thể vội vàng. Sự quan tâm và định hướng từ cha mẹ là một trong những yếu tố quyết định đến phát triển của một đứa trẻ.
Lan Chi (t/h)