Lúc 23h ngày 9/7, tàu cá QNg- 90559-TS của Ông Trương Văn Đức (Bình Sơn, Quảng Ngãi) khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa thì bị 3 tàu Trung Quốc rượt đuổi. Hậu quả khiến tàu bị chìm, 11 ngư dân rơi xuống biển và mất toàn bộ tài sản...

Bị tàu Trung Quốc đâm tại Hoàng Sa, ngư dân phải ôm thúng để giữ mạng

Một Thế Giới | 13/07/2015, 16:43

Lúc 23h ngày 9/7, tàu cá QNg- 90559-TS của Ông Trương Văn Đức (Bình Sơn, Quảng Ngãi) khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa thì bị 3 tàu Trung Quốc rượt đuổi. Hậu quả khiến tàu bị chìm, 11 ngư dân rơi xuống biển và mất toàn bộ tài sản...

Trước tình hình trên, ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu ra: "Trung bình mỗi tháng có 4 tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công, làm thiệt hại đến vật chất, tinh thần của bà con ngư dân".
Tàu cá ngư dân lại bị tấn công

Liên quan đến vụ việc trên, vào ngày 10/7, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hội Nghề cá Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Hội Nghề cá Việt Nam và các bộ ngành liên quan về việc tàu cá QNg- 90559-TS của ngư dân Trương Văn Đức, ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa.

Theo thông tin ban đầu các ngư dân báo về, tối 9/7 khi tàu cá QNg-90559-TS của ngư dân Trương Văn Đức đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì xuất hiện 2 tàu Trung Quốc. Tàu Trung Quốc dùng đèn pha công suất lớn, loa... liên tục xua đuổi tàu cá của ngư dân.

Trước sự hung hăng của tàu Trung Quốc, tàu cá của ngư dân bỏ đi. Tuy nhiên, đến khoảng 23h ngày 9/7, tàu TQ bất ngờ tăng tốc và đâm mạnh vào tàu cá QNg-90559-TS. Cú đâm mạnh đến mức tàu cá QNg-90559-TS chìm ngay xuống biển. 11 thuyền viên phải bám vào thúng và các phao cứu sinh trên tàu để chống chọi với sóng to.

Khi phát hiện vụ việc, tàu cá QNg- 95248-TS của ngư dân Lê Văn An, ngụ xã Bình Châu đã kịp thời tiếp ứng đến cứu vớt 11 ngư dân lên tàu. Đến khoảng 7 giờ sáng 10/7, toàn bộ 11 ngư dân trên tàu QNg-90559-TS đã được chuyển qua tàu QNg-95779-TS của bà Trương Thị Điều để quay vào bờ.

Cũng trong sáng 10/7, theo thông tin từ UBND huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), vào khoảng 20h ngày 9/7, trong lúc đánh bắt ở khu vực đảo Đá Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa, tàu cá mang số hiệu QNg- 98604-TS bất ngờ bị phá nước dẫn đến tàu bị chìm.

Nhận được thông tin cầu cứu của các ngư dân, lúc Oh ngày 10/7, lực lượng cứu hộ vùng 4 Hải quân đã điều động tàu 641 đang hoạt động gần đó đến tìm kiếm, cứu nạn.

Liên quan đến tai nạn của con tàu QNg-98604-TS, chiều 10/7, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, chị Phan Thị Ánh Tuyết (37 tuổi, ngụ xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) – vợ ông Nguyễn Văn Thu - thuyền trưởng tàu cá QNg-98604-TS cho hay sau hơn một đêm mất đứt liên lạc, trưa cùng ngày, gia đình chị đã liên lạc được với ông Thu.

"Qua điện thoại, ổng (thuyền trưởng Thu - PV) nói do tàu đang bị chìm dần nên toàn bộ 12 thuyền viên trên tàu phải bám vào chiếc thúng để chờ tàu khác đến ứng cứu. Vì chiếc thúng nhỏ, chỉ chứa được 6 người nên họ thay nhau lên xuống thúng để đảm bảo sức khỏe, chờ tàu khác đến cứu. Hiện có 7 tàu cá đang đánh bắt gần chỗ chồng tôi gặp nạn nhận được thông tin và trên đường tới ứng cứu", chị Tuyết nói.

Trở về từ Hoàng Sa

Còn nhớ vào thời điểm 29/5, tàu ĐNa- 90152 cùng 10 ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa đã được tàu VT-57 kéo về Lý Sơn (Quảng Ngãi). Riêng xác tàu ĐNa-90152 sẽ tiếp tục được kéo về Đà Nẵng để sửa chữa. Các ngư dân mình đầy thương tích kể lại sự hung hãn, dã man của các tàu Trung Quốc. Khi 10 ngư dân trên tàu ĐNa-90152 do ông Đặng Văn Nhân (42 tuổi, Thanh Khê, Đà Nắng) làm thuyền trưởng cập đảo Lý Sơn, hằng trăm người dân địa phương ùa ra đón.

Thuyền trưởng Nhân, da đen sạm, vẫn chưa hoàn hồn kể: Ngày 26/5, khi đang cùng khoảng 30 tàu cá khác của ngư dân Đà Nẵng và Quảng Nam đánh bắt theo tổ đội tại vùng biển Hoàng Sa, cách vị trí giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý thì bị các tàu cá của Trung Quốc bao vây, áp sát, gây hấn, không cho đánh bắt cá.

Các tàu sắt Trung Quốc to gấp 4 - 5 lần tàu cá ngư dân, liên tục rồ máy, tăng tốc áp sát, cố tình đâm vào tàu của ngư dân Việt Nam. Đến 16h cùng ngày, tàu ĐNa- 90152 bị 3 - 4 tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc bao vây, một tàu cá vỏ sắt to lớn của Trung Quốc mang số hiệu 11202 bất ngờ áp sát khoảng 30m.

Thấy họ hành động hung hãn, anh Nhân khôn khéo né tránh. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc tăng tốc rất nhanh, đâm vào đuôi tàu. Cú đâm mạnh khiến bánh lái sau bị gãy. Sau đó, tàu TQ tiếp tục tăng tốc, tiến lên phía mạn trái của tàu ĐNa 90152, rồi bất ngờ bẻ lái, tăng tốc đâm chính diện thân tàu. Cú đâm mạnh làm tàu ĐNa-90152 nghiêng, xoay tròn mất lái và 5 phút sau thì chìm hẳn.

7 anh em thuyền viên ngồi phía trước mũi tàu nhảy nhanh xuống nước. Riêng anh Nhân cùng ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên và Nguyễn Văn Bình bị chìm theo tàu. Rất may cả ba người đều kịp bơi ra khỏi tàu. Riêng anh Biên bị thương nặng do các mảnh vỡ thủy tinh cắt vào mặt, tay và chân.

Sau khi thoát ra khỏi tàu, 10 ngư dân chơi vơi bơi giữa biển. Trong khi đó, các tàu Trung Quốc vẫn vờn xung quanh, mặc cho ngư dân Việt Nam đối diện cái chết. "Tàu TQ cố tình đâm chìm tàu cá, giết chết ngư dân chúng tôi. Hành động của tàu Trung Quốc hết sức độc ác và nham hiểm. Rất may các tàu cá khác kịp thời ứng cứu, đưa anh em lên tàu", anh Nhân kể.

Tàu ĐNa-90152 chìm, nhưng các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục quần thảo khoảng hơn 30 phút rồi mới bỏ đi. Anh em các tàu cá xung quanh nhanh chóng tiếp cận, neo tàu ĐNa-90152 để không bị chìm sâu xuống nước.

Ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên trở về với những vết băng bó ở tay và chân, khuôn mặt bị nhiều vết cắt. Anh Biên thoát chết trong tích tắc nhờ bơi và lặn giỏi.

Anh Biên kể: Khi tàu Trung Quốc bao vây và đâm, có 7 ngư dân ngồi trước boong tàu. Anh Biên ngồi trong cabin cùng thuyền trưởng Nhân làm hoa tiêu để lái tránh các tàu Trung Quốc, riêng Bình ở dưới hầm đang nấu ăn cho anh em. Do tàu chao đảo, lật từ trái qua phải, lật úp rồi chìm, nên thuyền trưởng Nhân kịp nhảy ra khỏi tàu. Anh Biên và Bình mắc kẹt bên trong. Nước ngập sâu nhấn chìm tàu cá, Biên và Bình kịp thời tìm cách bơi ra ngoài. Những mảnh vỡ của gương và bóng đèn khiến cả hai bị cắt, mình đầy thương tích, máu me.

"Lúc đó, em nghĩ rằng mình đã chết. Sự việc xảy ra rất nhanh. Cú đâm đầu tiên từ phía sau làm bánh lái gãy, tàu mình không thể tăng tốc. Lúc đó, cứ tưởng tàu Trung Quốc sẽ buông tha. Nhưng bất ngờ tàu cá Trung Quốc tăng tốc rồi đâm chính diện khiến anh em chẳng kịp trở tay. May mắn thoát chết trong tích tắc", anh Biên kể. Nguyễn Văn Bình (19 tuổi), ngư dân trẻ nhất trên tàu ĐNa-90152, được phân công phụ trách nấu nướng cho đội tàu. Về đến Lý Sơn, Bình vẫn chưa hết hoàn hồn.

"Lúc đó, em đang ở dưới hầm chuẩn bị bữa tối cho anh em thì nghe cái rầm. Tàu lật nghiêng, mọi thứ đổ tung, em bị hất ngã xuống sàn. Nước tràn rất nhanh vào hầm, em bơi ngoi ngóp trong ngổn ngang vật dụng trên tàu. Chưa kịp bơi ra cửa thì tàu lật úp, em bị nhấn chìm theo tàu. Cố gắng lấy hơi, bơi lặn để tìm lối ra. Khi thoát ra được thì tàu đã lật úp và chìm xuống. Lúc đó, nhìn quanh thấy anh em đang chơi vơi giữa biển, tàu Trung Quốc vẫn lởn vởn xung quanh nhưng không hề cứu", Bình kể.

Ngư dân Hồ Ngọc Pháp, 46 tuổi nói: Khi chúng tôi vừa ra đến vùng biển Hoàng Sa nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép thì liên tục bị các tàu Trung Quốc chèn ép, tông va, cố tình đâm tàu ngư dân Việt Nam. Các tàu Trung Quốc cậy thế to lớn đâm tàu chúng tôi, nhưng chúng tôi không sợ.

Tất cả các tàu có mặt trên vùng biển Hoàng Sa vẫn kiên cường, đoàn kết sát cánh bên nhau, tìm cách né tránh đụng độ với tàu Trung Quốc".

"Tàu Trung Quốc to lớn nhưng không hề đánh bắt mà chỉ quấy phá tàu ngư dân Việt Nam. Tôi nghi ngờ đó là những tàu giả dạng tàu cá của Trung Quốc để bảo vệ giàn khoan trái phép. Thấy tàu chúng tôi chìm, ngư dân sắp chết nhưng tàu Trung Quốc vẫn không hề có động thái gì cứu giúp. Họ cố tình giết chết chúng tôi, rất độc ác", ông Pháp bức xúc.

Dù tàu chìm, thoát chết trở về, nhưng 10 ngư dân quả cảm vẫn khẳng định họ sẽ tiếp tục bám biển Hoàng Sa. Chị Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa-90152, khi hay tin anh em và tàu cá được kéo về đã tức tốc từ Đà Nẵng ra đảo Lý Sơn để đón anh em. Khuôn mặt chị phờ phạc sau mấy đêm mất ngủ vì lo lắng. Bắt tay, ôm từng thuyền viên gắn bó với mình bao nhiêu năm, chị Hoa không giấu được những giọt nước mắt. "Anh em an toàn về đến đất liền là mừng rồi. Tàu hư hỏng sẽ sửa lại để bám biển, quan trọng nhất vẫn là mạng người. Còn người là còn của", chị Hoa nghẹn ngào.

Cũng theo nhiều bà con ngư dân từng là nạn nhân của tàu Trung Quốc, họ đều cho biết luôn luôn bám biển kiên cường, bảo vệ lấy nghề của cha ông, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Phạm Thủy / Gia đình & Pháp luật

Bài liên quan
Căn bản giải quyết tình trạng tàu cá “3 không”
Bộ NN-PTNT cho biết Việt Nam đã căn bản giải quyết tình trạng tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
một giờ trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị tàu Trung Quốc đâm tại Hoàng Sa, ngư dân phải ôm thúng để giữ mạng