Biến động giá xăng dầu và giá các loại nguyên vật liệu sẽ gây sức ép lớn đến việc kiểm soát lạm phát năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, 8 tháng qua, kinh tế trong nước phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt.
Dự báo thời gian tới, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới.
Ngoài ra, một số yếu tố khác gây áp lực lên mặt bằng giá như: đồng đô la Mỹ tăng giá; giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ tết cuối năm. Giá thịt lợn đang có xu hướng tăng do ảnh hưởng của thị trường một số nước lân cận và chi phí sản xuất. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch có sự hồi phục trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm cũng có thể làm giá cả biến động nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời.
Ngược lại, có một số yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá như nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, giá điện bình quân được giữ ổn định trong những tháng còn lại của năm 2022.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cập nhật dự báo, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm trong quý 4/2022, bình quân cả năm ở mức 115 - 125 USD/thùng (giảm so với mức dự báo 130-140 USD/thùng đưa ra tại cuộc họp vào tháng trước).
Theo tính toán, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới quý 4/2022 sẽ ở mức 110-120 USD/thùng (tăng 18,64% – 31,49% so với cùng kỳ năm 2021), cả năm 2022 ở mức 115-125 USD/thùng (tăng từ 46,3% - 64,1% so với năm 2021). Bình quân giá bán lẻ xăng dầu trong nước năm 2022 ước tăng so với bình quân giá bán lẻ xăng dầu năm 2021 từ 23,43%-37,16% đối với mặt hàng xăng và tăng khoảng 36,1% đến 46,4% đối với mặt hàng dầu diesel.
Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính ước tính CPI tháng 8 tăng 0,006%, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 4 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 1,27% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2022, dự báo của Ngân hàng Nhà nước về lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 trong khoảng 2,3 + 0,2%, Bộ Tài chính đã cập nhật 2 kịch bản điều hành giá.
Trong đó, ở kịch bản 1, giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 40% so với năm 2021, giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trong khoảng từ 5-10%, cộng với ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,2%, dự báo CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,37%.
Ở kịch bản 2, giả định như kịch bản 1 và thêm các yếu tố từ giá xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác tăng cao hơn từ 3-5%, ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,4%, dự báo CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,87%.
Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37 - 3,87%.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh dự báo trong 6 tháng cuối năm 2022, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao và các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thì kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7,0% - 7,5%. Khi đó, khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5% - 3,8%.
Còn trường hợp giá dầu thô hạ xuống thấp hơn, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng... thì tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8% - 8,4% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,8% - 4,1%.