Như nhiều người ở Hàn Quốc khác, youtuber Clark Park quá ngán ngẩm với giá thực phẩm tăng cao.

Món gà rán phản ánh lạm phát tại Hàn Quốc

Cẩm Bình | 18/09/2022, 14:36

Như nhiều người ở Hàn Quốc khác, youtuber Clark Park quá ngán ngẩm với giá thực phẩm tăng cao.

Vì vậy anh quyết định hòa vào dòng người chạy đi mua gà rán giá rẻ giảm 12% tại chuỗi siêu thị Homeplus vào một buổi sáng tháng 8.

“Đã có 50 người xếp hàng rồi, nhiều người đến sớm chờ hơn 1 tiếng. Chúng tôi chạy đến ngay khi siêu thị mở cửa. Tôi thấy cuồng món gà rán”, Park chia sẻ.

Gà rán từ lâu đã là món khoái khẩu của người tiêu dùng Hàn Quốc. Giờ đây món ăn này cũng phản ánh tình trạng lạm phát mà quốc gia Đông Bắc Á đang phải trải qua.

Số liệu chính thức cho thấy, giá gà rán trung bình tháng 8 tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái – cao hơn mức tăng giá các món ăn phổ biến khác như canh kim chi hay bulgogi (thịt bò nướng).

Nhà kinh tế học Jeong Woo Park, thuộc tập đoàn tài chính Nomura cho biết, người tiêu dùng còn cảm thấy sức ép tăng giá lớn hơn tùy thuộc mức chi phí mà nhà hàng hoặc siêu thị chuyển sang cho họ. Trong một số trường hợp, giá gà bán lẻ tăng hơn 50% trong 2 năm qua.

“Cuộc chạy đua” đến Homeplus mua gà rán là hình ảnh sống động về cách người dân Hàn Quốc thích ứng với lạm phát đã lên đến 5,7%, đồng thời phản ánh vấn đề quá phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm nhập khẩu của quốc gia Đông Bắc Á.

chic00.jpg
Gà rán bán tại Homeplus - Ảnh: CNN

Gà rán - "món ăn quốc dân"

Giống phi lê cá ăn kèm khoai tây chiên gắn liền với người Anh, gà rán là nét văn hóa của người Hàn Quốc. Nhiều người xem đây là món ăn vặt nhất-định-phải-có khi xem các sự kiện thể thao và ăn gà rán đến vài lần trong một tháng không phải chuyện hiếm. Bất cứ ai đến Hàn chắc chắn từng thử qua “chimac” – ăn gà rán uống bia, vì chính phủ nước này thống kê cứ mỗi 20 quán ăn thì có 1 quán bán món gà.

Theo số liệu từ đơn vị nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ gà rán lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc đông dân hơn.

Youtuber Park cho biết gà rán có thể được xem như món ăn quốc dân ở Hàn Quốc, ngang hàng kim chi, bulgogi, cơm trộn. Năm 2021, các quán bán món gà tại nước này đạt doanh thu 7,9 tỉ USD.

Sự yêu thích dành cho món gà rán đang làm khó người bán. Họ phải quan tâm lợi nhuận nhưng không thể làm mất khách hàng.

Nhà kinh tế học Jeong chỉ ra, mọi chi phí cho gà rán đều tăng rất nhanh. Người bán chịu sức ép lớn từ tiền dầu ăn, thuê mặt bằng, nhân công, dịch vụ giao hàng, thậm chí thức ăn cho gà. Một số quán ăn bắt đầu dùng robot để cắt giảm chi phí nhân công.

“Cuộc chiến” gà rán

Trước sức ép lạm phát, người bán có cách xử lý khác nhau. Nhà phân tích Yunjin Park thuộc Euromonitor International cho biết, một số chuỗi quán ăn hàng đầu đã tăng giá món trong thực đơn lên trung bình 2.000 won (1,50 USD) với lý do nguyên liệu tăng giá, giá gà rán tăng khoảng 10 - 15%. Thay đổi có vẻ ít, nhưng như vậy có nghĩa thực khách nay phải bỏ ra gần 22 USD cho một bữa ăn đơn giản.

“Thịt gà nay không còn là món gọi không cần đắn đo nữa”, theo nhà phân tích Park.

Siêu thị lại đi theo hướng khác. Chuỗi siêu thị Homeplus trong tháng 8 tổ chức khuyến mãi bán gà rán với giá chỉ bằng 1/3 so với mức giá các đơn vị khác đưa ra.

Một số đối thủ buộc phải làm theo để cạnh tranh. Chuỗi siêu thị Emart tung ra chương trình khuyến mãi bán gà rán giảm gần nửa giá trong vòng 1 tuần, họ bán được tổng cộng 60.000 miếng.

Nhà phân tích Barsali Bhattacharyya thuộc tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) chỉ ra: “Sở dĩ họ có thể bán giá thấp là nhờ lợi thế quy mô. Họ đủ mức mua vào nhiều hơn nên thương lượng mức giá tốt hơn với bên cung cấp. Cửa hàng nhỏ lẻ không có lợi thế này nên phải tính toán lại chi phí”.

chic01.jpg
Gà rán nằm trong số món ăn Hàn Quốc dùng để tính toán lạm phát - Ảnh: CNN

Khủng hoảng toàn cầu

EIU xác định một nguyên nhân khiến Hàn Quốc phải đối mặt với lạm phát là nước này quá phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm nhập khẩu.

Nomura vào tháng 6 cũng từng cảnh báo Hàn Quốc thuộc nhóm nền kinh tế châu Á dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình giá cả trên thế giới tăng vọt nhất, vì quốc gia Đông Bắc Á phụ thuộc nhiều quốc gia khác với nhiều loại thực phẩm.

Giá lương thực toàn cầu năm nay tăng vọt, chủ yếu do cuộc chiến Nga phát động tại Ukraine. Cả hai nước đều là quốc gia xuất khẩu nông sản thiết yếu như lúa mì hay dầu hướng dương.

Đến tháng 8, lạm phát tổng thể ở Hàn Quốc giảm nhiều hơn dự kiến. Tuy nhiên tình hình sẽ không sớm được cải thiện.

Nhà kinh tế Min Joo Kang thuộc tổ chức phân tích ING khuyến cáo: “Chúng ta cho rằng lạm phát đã qua đỉnh, nhưng có khả năng lạm phát duy trì ở mức trên 5% cho đến cuối năm”.

Nhiều nơi khác ở châu Á cũng ghi nhận giá món ăn tăng lên. Thái Lan tháng trước tăng giá mì ăn liền lần đầu tiên sau 14 năm.

Theo nhà phân tích Bhattacharyya, lạm phát lương thực là vấn đề nan giải đối với châu Á. Do thu nhập của hầu hết quốc gia châu Á hiện còn nằm ở mức thấp và trung bình nên thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu của người tiêu dùng khu vực (trong một số trường hợp chiếm đến 30 - 40%).

“Tôi nghĩ khủng hoảng giá lương thực toàn cầu tấn công châu Á chỉ là vấn đề thời gian mà thôi”, nhà phân tích Bhattacharyya nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Món gà rán phản ánh lạm phát tại Hàn Quốc