Qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước phát hiện hàng chục bến đò hoạt động không phép từ rất lâu. Biết việc đưa đò là không hợp pháp, chủ yếu những bến đò vẫn hoạt động công khai hoặc lén lút, vì mưu sinh.

Bình Phước: Nhiều bến đò hoạt động không phép hơn 20 năm

03/03/2020, 12:57

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước phát hiện hàng chục bến đò hoạt động không phép từ rất lâu. Biết việc đưa đò là không hợp pháp, chủ yếu những bến đò vẫn hoạt động công khai hoặc lén lút, vì mưu sinh.

Một con đò hoạt động không phép trên địa bàn huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước

Hơn 20 năm hoạt động không phép

Vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước kiểm tra những bến đò tự phát trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, hầu hết các bến đò ở địa phương này đều không phép, mặc dù đã hoạt động từ rất lâu, ít thì 10, còn lại đã hơn 20 năm.

Bến đò 7 Mẫu ở thôn 8, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng do gia đình bà Lý Thị Mọi cầm lái, đưa đò không phép đã 20 năm. Bến đò này kết nối thông thương cho những hộ dân bị chia cách bởi con sông thuộc thôn 6, xã Bình Minh và thôn 8, xã Minh Hưng (cùng huyện Bù Đăng).

Tương tự, đã hơn 15 năm qua, con đò, bến nước trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập đã gắn bó với ông Võ Đức Thông.

Đò được đầu tư hơn 200 triệu đồng, có trang thiết bị đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. "Tôi đã đi học và được cấp các loại giấy tờ cần thiết trong hoạt động đường thủy như giấy chứng nhận bơi lội, bằng thuyền viên. Nhưng tôi vẫn rất lo lắng vì biết rằng hoạt động đưa đò của mình vẫn chưa đúng luật pháp", ông Thông nói.

Chủ đò Phạm Văn Hồng ở Xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập cũng đã gắn bó với công việc đưa đò hơn 23 năm qua. Các loại giấy tờ, từ chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận phương tiện kỹ thuật…, ông Hồng đều đủ cả. Nhưng ông không có giấy phép hoạt động bến đò của ông.

"Những năm qua, tôi đã kiến nghị đến cơ quan chức năng địa phương nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết", ông Hồng nói.

Giấy phép hoạt động… vẫn mơ

Chủ các bến đò thuộc huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập cho hay, biết việc đưa đò này là không đúng pháp luật, nhưng vẫn phải hoạt động vì ngưng sẽ chẳng biết sống bằng nghề gì. Ngoài ra, người dân sẽ phải qua lại sông nước bằng những chiếc xuồng gỗ tự trang bị rất nguy hiểm, thiếu an toàn nếu gặp gió lớn, sóng to trên lòng hồ.

"Tôi cũng như nhiều chủ đò đã đóng tàu vỏ sắt, trang bị bảo hộ, áo phao và các giấy tờ thủ tục đảm bảo cho hoạt động giao thông đường thủy, nhưng không hiểu sao không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động", chủ đò Phạm Văn Hồng bức xúc.

Lý giải nguyên nhân, UBND huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập cho biết do phà, xuồng, ghe máy không rõ nguồn gốc, không xuất xứ. Các bến đò còn tự thiết kế rồi đóng theo "ý thích" cá nhân mỗi chủ đò, không theo các quy chuẩn quy định.

Một con đò hoạt động không phép trên địa bàn huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước

Bên cạnh đó, các bến đò hoạt động trên lòng hồ hai nhà máy thủy điện Thác Mơ và Cần Đơn (tọa lạc trên địa bàn huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập), và do các nhà máy thủy điện này quản lý, không có bến bãi hợp pháp, không có hợp đồng bến bãi, nên cơ quan chức năng không thể cấp phép hoạt động.

Hầu hết những bến đò trên địa bàn huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập không đủ điều kiện để đăng kiểm. Không có đăng kiểm nên không có cơ sở pháp lý để cấp phép hoạt động. Do vậy, trong quá trình kiểm tra, hầu hết các bến đò đều bị lực lượng chức năng đề nghị ngừng hoạt động cho đến khi có đủ điều kiện.

"Để cấp phép hoạt động cho các bến đò, thứ nhất cần phải có sự đồng ý từ phía các công ty như Thủy điện Cần Đơn, Thủy điện Thác mơ. Mặt khác, các phương tiện muốn đủ điều kiện đưa vào hoạt động phải đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Những vấn đề này về phía người dân chưa làm được và đang kiến nghị với huyện và tỉnh giải quyết", một vị lãnh đạo UBND huyện Bù Gia Mập cho hay.

Biết nguy hiểm nhưng vẫn đi đò

Hai địa phương Bù Đăng và Bù Gia Mập có hệ thống sông hồ, suối, kênh rạch chằng chịt, chảy dọc ngang, trải dài khắp nơi. Thực tế trong nhiều năm qua, nhu cầu di chuyển bằng đò của người dân hai địa phương này trên lòng hồ Thủy điện Thác Mơ và Thủy điện Cần Đơn rất lớn.

Những con đò không phép neo đậu bên lòng hồ Thủy điện Thác Mơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước

Vào thời điểm mùa vụ, mỗi ngày có đến hàng trăm chuyến đò chở khách và hàng hóa, nông sản qua lại trên lòng hồ, bất kể ngày đêm. Mặt khác, mỗi ngày còn có hàng trăm chiếc xuồng, ghe gỗ do người dân tự đóng để đi câu, giăng lưới đánh bắt cá, qua lại trên lòng hồ.

Vấn đề an toàn giao thông đường thủy - nhất là trong mùa mưa bão - rất được các ngành chức năng quan tâm. Thời gian qua đã có những vụ tai nạn giao thông đường thủy thương tâm xảy ra, do đò gỗ nhỏ của người dân tự trang bị không đảm bảo an toàn khi gặp phải mưa bão, những cơn gió to và sóng lớn trên lòng hồ.

Cơ quan chức năng của hai huyện và tỉnh đã kiểm tra nhắc nhở, xử phạt nhiều lần, nhưng việc cấm tuyệt đối các bến đò hoạt động dường như không thể được, vì nhu cầu của người dân qua lại lòng hồ để làm ăn rất lớn.

Anh Hải ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập cho hay đa số khách qua đò sinh sống ở huyện Bù Gia Mập nhưng vườn rẫy lại ở huyện Bù Đăng. "Để di chuyển từ xã Đức Hạnh và Phú Văn, huyện Bù Gia Mập sang xã Bom Bo, huyện Bù Đăng bằng đường bộ phải mất từ 60-70km, với thời gian khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Nhưng nếu di chuyển bằng đường thủy, với số tiền khoảng 20.000 đồng thì chỉ mất hơn 15 phút. Do đó, nhiều người dân vẫn ưu tiên lựa chọn việc di chuyển bằng đường thủy, mặc dù những chuyến đò đang hoạt động tại đây vẫn chưa được cấp phép đầy đủ", anh Hải nói.

Vấn đề đặt ra hiện nay là chính quyền các cấp cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong việc cấp giấy phép hoạt động cho các bến đò. Các ngành chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra việc hoạt động của các bến đò nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Bùi Kiệt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
42 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Phước: Nhiều bến đò hoạt động không phép hơn 20 năm