Bitcoin vẫn là loại tiền mã hóa gây ô nhiễm nhất năm 2022 với tác động đến môi trường của nó đang gia tăng, theo một báo cáo từ nhà cung cấp dữ liệu thị trường Forex Suggest.
Trong khi loại tiền mã hóa lớn thứ hai Ethereum đã chứng kiến lượng khí thải giảm đáng kể.
Là loại tiền điện tử lớn nhất thế giới tính theo tổng giá trị thị trường, Bitcoin tạo ra 86,3 triệu tấn khí thải CO2 vào năm 2022, tăng từ 56,8 triệu tấn vào 2021, theo báo cáo Tác động toàn cầu của Giao dịch tiền mã hóa Forex Suggest vừa được công bố.
Tuy nhiên, Ethereum đã chứng kiến lượng khí thải CO2 của nó giảm từ 21,95 triệu tấn vào năm 2021 xuống còn 8.824 tấn trong 2022, theo nhà cung cấp dữ liệu, sau một sự điều chỉnh vào tháng 9.2022 với blockchain của nó không còn yêu cầu quy trình khai thác tiêu tốn năng lượng.
Được Forex Suggest xếp hạng là loại tiền mã hóa gây ô nhiễm thứ hai vào 2021, Ethereum trong năm 2022 được xếp sau hàng loạt loại tiền mã hóa về tổng lượng phát thải, gồm cả Polygon và Cardano.
Litecoin đã thay thế Ethereum trở thành tiền mã hóa gây ô nhiễm thứ hai trên bảng xếp hạng của Forex Suggest. Trong khi chỉ sử dụng 19 kilowatt giờ (kWh) cho mỗi giao dịch, Litecoin đã thải ra 525.212 tấn CO2 vào năm 2022 do có số lượng lớn giao dịch, theo Forex Suggest, trích dẫn một loạt nguồn dữ liệu, gồm cả BitInfo Charts và Digiconomist.
Các tài sản kỹ thuật số dựa trên blockchain như tiền mã hóa đang phải đối mặt với sự tính toán công khai sau một số cuộc khủng hoảng nền tảng trong năm 2022, bao gồm cả sự sụp đổ gần đây của FTX - sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ hai thế giới.
Các cơ quan quản lý chứng khoán trên khắp thế giới đã tăng cường giám sát tài sản ảo khi các nhà đầu tư tổ chức và bán lẻ chịu tổn thất nặng nề từ hàng loạt sự cố, trong khi nhiều chính phủ vẫn đề phòng tác động môi trường của tiền mã hóa.
Vào tháng 3.2022, Tổng thống Joe Biden cho biết trong một lệnh hành pháp rằng Mỹ “phải thực hiện các bước mạnh mẽ để giảm thiểu rủi ro mà tài sản kỹ thuật số có thể gây ra cho người tiêu dùng, nhà đầu tư và bảo vệ doanh nghiệp.... cũng như biến đổi khí hậu và ô nhiễm”.
Hồi tháng 9.2022, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng cho biết trong một báo cáo rằng, từ tháng 1.2020 đến tháng 1.2022, tỷ lệ khai thác Bitcoin toàn cầu của Mỹ đã tăng từ 4,5% lên 37,8% và quốc gia này cần đảm bảo các tài sản kỹ thuật số sẽ không cản trở khả năng đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của chính phủ.
Tại Trung Quốc, chính phủ đã cấm các hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa để tránh những thiệt hại tiềm ẩn với sự ổn định tài chính và môi trường của đất nước.
“Khai thác tiền mã hóa tiêu tốn rất nhiều năng lượng và tạo ra lượng khí thải và chất thải lớn, nhưng đóng góp rất ít cho việc làm, phát triển công nghiệp và tiến bộ công nghệ”, CCTV, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, cho biết trong một video gần đây nêu chi tiết những hành vi sai trái của một cựu quan chức đã hỗ trợ khai thác tiền mã hóa.
Dù Bitcoin gặp phải những thời điểm khó khăn nhất trong năm 2022, nhưng dữ liệu thống kê chỉ ra rằng chuỗi khối Bitcoin vẫn chiếm số lượng giao dịch đáng kể.
Bất chấp giá Bitcoin giảm, vẫn có khoảng 8.200 tỉ USD giá trị giao dịch được chuyển qua chuỗi khối Bitcoin trong năm 2022. Con số quy đổi trung bình là 260.000 USD mỗi giây, theo ước tính dữ liệu của công ty phân tích tiền điện tử CoinMetrics.
Mức độ giao dịch đáng kinh ngạc nêu trên trong bối cảnh thị trường gấu (hiện tượng thị trường chứng khoán trên đà xuống dốc) làm nổi bật khả năng áp dụng ngày càng tăng của Bitcoin và vai trò của loại tiền này trong hệ thống tài chính nói chung.
Sau giai đoạn rơi tự do trong năm 2022, Bitcoin đã có một đợt phục hồi nhẹ vào đầu tháng 11.2022 khi nhận được sự thúc đẩy từ các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực. Tuy nhiên, điều này dường như chỉ tác động tối thiểu đến số lượng giao dịch trên chuỗi khối Bitcoin.
Khối lượng giao dịch cũng có thể được hoan nghênh bởi những người ủng hộ Bitcoin, có thể xem dữ liệu thống kê nêu trên như một dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của loại tiền này để tích hợp vào lĩnh vực tài chính chính thống. Điều đáng nói là Bitcoin đã luôn phải hoạt động trong môi trường hoài nghi của nhà đầu tư, bị cản trở bởi các yếu tố như lạm phát gia tăng và sự không chắc chắn về quy định.
Bitcoin trong năm 2022 đã bị ảnh hưởng từ sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX, tác động của nó được dự đoán sẽ lan sang năm 2023. Việc điều chỉnh giá cũng khiến số lượng triệu phú Bitcoin giảm hơn 70% vào năm 2022, theo báo cáo của Finbold.
Khi sự không chắc chắn về kinh tế chiếm ưu thế, các dự báo chỉ ra rằng Bitcoin có thể sẽ trải qua một đợt điều chỉnh giá kéo dài vào năm 2023, đặc biệt khi Bitcoin vẫn đang hoạt động trong môi trường lạm phát cao với sự không chắc chắn liên quan đến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nếu thị trường ghi nhận một đợt phục hồi trong thời gian tới, số tiền được chuyển trên chuỗi khối Bitcoin có thể sẽ còn tăng.
Sáng 13.1.2023, giá Bitcoin tăng 6% lên 19.005 USD, tăng 15,2% so với mức thấp nhất trong năm nay là 16.496 USD vào ngày 1.1. Song, giá Bitcoin hiện giảm xuống còn 18,795 USD.
Bitcoin đã mất hơn 70% giá trị kể từ đạt mốc cao nhất mọi thời đại, gần 69.000 USD vào tháng 11.2021.
Ether, đồng tiền được liên kết với mạng blockchain ethereum, đã tăng 3,06% lên 1.432,8 USD.
Dự đoán Bitcoin tăng giá lên 250.000 USD không thành hiện thực
Tại một hội nghị về công nghệ ở Amsterdam (thủ đô Hà Lan) vào năm 2018, Tim Draper, nhà đầu tư nổi tiếng của Thung lũng Silicon (Mỹ), từng dự đoán Bitcoin có thể tăng giá lên 250.000 USD vào 2022. Song, điều này đã không thành hiện thực.
Khi được hỏi về con số mục tiêu 250.000 USD cho Bitcoin hồi đầu tháng 12.2022, Tim Draper, người sáng lập công ty Draper Associates, khẳng định với đài CNBC rằng "đó vẫn là con số của tôi", nhưng ông dự đoán nó sẽ xảy ra trong 6 tháng tới.
Nếu dự đoán của Tim Draper thành hiện thực, Bitcoin sẽ cần phải tăng gần 1.400% so với mức giá hiện tại. Cơ sở cho dự đoán của ông là vẫn còn lượng lớn người chơi chưa khai thác đó là phụ nữ, vì họ đang nắm 80% chi tiêu bán lẻ và mới chỉ sở hữu 1/7 ví Bitcoin hiện nay.