Sáng 24.4, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị tìm giải pháp để “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn trong bối cảnh giá lợn hơi tại Việt Nam xuống mức thấp nhất thế giới.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi loại tốt (khối lượng trung bình từ 100-110kg/con) đã xuống thấp dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguy hiểm hơn, các sản phẩm chăn nuôi trong nước nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa.
“Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được. Việc khôi phục lại sản xuất chăn nuôi lợn sau này sẽ rất khó khăn”- ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng này là nguồn cung lớn hơn cầu. Hiện nay cả nước có 30 triệu con lợn, trong đó có 4,2 triệu con lợn nái. Trong 20 năm qua, riêng về sản lượng thịt tăng khoảng 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn trong khi cơ cấu bữa ăn của người dân đã thay đổi nhiều so với trước.
Một nguyên nhân nữa được Bộ trưởng chỉ ra là trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô hộ nhỏ lẻ với 3 triệu hộ chăn nuôi, quy mô nhỏ khiến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi, dẫn đến khi có sự cố thị trường thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi là chế biến, tiêu thụ vẫn chủ yếu là bán tươi theo kiểu truyền thống. Công tác tổ chức thị trường cũng bộc lộ không ít yếu kém cả trong nội địa lẫn xuất khẩu, chưa xâm nhập được vào thị trường lớn, nhất là Trung Quốc.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho hay, dù giá lợn hơi nông dân bánra ở mức rất thấp nhưng giá thịt lợn bán trên thị trường vẫn không giảm giá bao nhiêu. Đây là trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Về giải pháp cho tình trạng này, trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị hạ ngay yếu tố đầu vào như: cám, thuốc thú y… trên cơ sở rà soát công tác quản trị, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.
Còn về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng cần tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô đàn lợn, nhất là lợn nái; tổ chức lại ngành hàng sản xuất, chăn nuôi tập trung, có kế hoạch đầu ra, phát triển đối tượng khác thay thế, mở rộng xuất khẩu chính ngạch…
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đề nghị giảm giá thức ăn chăn nuôi, tạm ngừng nhập khẩu và doanh nghiệp lớn tăng cường thu mua để giải quyết lượng thịt dư thừa. Đồng thời với đó là thúc đẩy, xúc tiến việc xuất khẩu thịt lợn, cấp đông và hỗ trợ một số chi phí cho người chăn nuôi.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, doanh nghiệp này đang tăng lượng thu mua đầu vào, thuê thêm kho để cấp đông thịt, chế biến lâu dài. Tuy nhiên, một khó khăn là do nguồn cung quá lớn trong khi nhu cầu của người dân không tăng theo. Hơn nữa, hệ thống phân phối còn quánhiều khâu trung gian khiến giá lợn đến tay người tiêu dùng vẫn còn cao. Về lâu dài, Bộ NNPT-NT cần xem xét lại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
Để hỗ trợ người dân, Tập đoàn Dabaco cũng cho biết đã giảm giá thức ăn chăn nuôi từ 5-7%, giảm giá bán con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra. Đồng thời giảm đàn lợn nái nhưng áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng.
Hoài Phong