Bộ Tài chính dự báo, CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27 - 3,51%.

Bộ Tài chính dự báo CPI năm 2022 tăng khoảng 3,27 - 3,51%

Tin và ảnh: Tuyết Nhung | 13/10/2022, 17:07

Bộ Tài chính dự báo, CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27 - 3,51%.

cpi.jpg

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 9 tháng và định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2022 ngày hôm nay (13.10).

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, chỉ số tiêu dùng CPI tháng 9.2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12.2021, CPI tháng 9 tăng 4% và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Bộ Tài chính dự báo, thời gian tới, giá xăng dầu vẫn biến động phức tạp, khó dự đoán. Trong khi đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm. Giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo.

Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch có sự phục hồi trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm có thể làm tăng nhu cầu các mặt hàng vật tư xây dựng, có thể tác động đến giá cả nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời…

Theo đó, Bộ Tài chính dự báo, CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27 - 3,51%. Tổng cục Thống kê dự báo, CPI bình quân trong khoảng 3,2 - 3,5%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,4% (dao động khoảng 0,2%).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, theo dõi sát kinh tế và lạm phát thế giới và các biện pháp ứng phó của các nước, đặc biệt các nước lớn, các đối tác thương mại quan trọng của nước ta; cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường để kịp thời có các biện pháp điều hành giá chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để chủ động thực hiện các biện pháp điều hành phù hợp, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: Xăng dầu, năng lượng, lương thực thực phẩm, dịch vụ vận tải…

Bộ Công Thương triển khai các giải pháp để đảm bảo nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả. Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (về dịch vụ y tế, giáo dục, điện), Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành chủ động các phương án để triển khai điều chỉnh vào thời điểm thích hợp.

Bài liên quan
Tổng cục Thống kê nói gì về 'nghịch lý' nhiều mặt hàng tăng giá, CPI lại giảm
Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4.2021 giảm 0,04% so với tháng trước, trong khi nhiều loại hàng hóa lại tăng giá từ đầu năm đến nay. Liệu đây có phải là nghịch lý?

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính dự báo CPI năm 2022 tăng khoảng 3,27 - 3,51%