Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 0,89%.
Mức tăng CPI thấp nhất kể từ 2016
Cụ thể, trong mức tăng 0,62% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7.2021 so với tháng trước có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định.
Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,36% (làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88% (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm) chủ yếu do các đợt nắng nóng trong tháng làm chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 3,38% (làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm); giá dầu hỏa tăng 7,23%; giá gas tăng 7,77%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67% (làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm) do nhu cầu tích trữ hàng hóa của người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội tăng đột biến làm giá lương thực, thực phẩm tăng...
Lạm phát cơ bản tháng 7.2021 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.
Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư lo lắng biến thể COVID-19 mới có thể đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7.2021 tăng 0,09% so với tháng trước; giảm 0,23% so với tháng 12.2020 và giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải gặp khó khăn
Trong tháng 7, hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách gặp khó khăn khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Vận tải hành khách tháng 7 giảm 24,9% về lượng hành khách vận chuyển và giảm 25,7% về lượng hành khách luân chuyển so với tháng trước; vận tải hàng hóa giảm 11,6% về sản lượng vận chuyển và giảm 6,4% về sản lượng luân chuyển.
Tính chung 7 tháng năm 2021, vận chuyển hành khách giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách giảm 17,5% và vận chuyển hàng hóa tăng 3,1%, luân chuyển hàng hóa tăng 4,7%.
Vận tải hành khách tháng 7 ước tính đạt 146,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 5,6 tỉ lượt khách/km, giảm 60,2%. Tính chung 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 1,9 tỉ lượt khách vận chuyển, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 80,6 tỉ lượt khách/km, giảm 17,5%.
Xét theo ngành vận tải, vận tải hành khách đường bộ 7 tháng đạt 1,77 tỉ lượt khách vận chuyển, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước và 65,4 tỉ lượt khách/km luân chuyển, giảm 8%.
Đường thủy nội địa đạt 123,2 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 3% và 2,2 tỉ lượt khách/km luân chuyển, giảm 3,6%. Hàng không đạt 13,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 32,3% và 12,3 tỉ lượt khách/km luân chuyển, giảm 46,6%. Đường biển đạt 3,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 8,9% và 196,8 triệu lượt khách/km luân chuyển, giảm 2,7%. Đường sắt đạt 1,2 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 52,3% và 520,8 triệu lượt khách/km luân chuyển, giảm 54,1%.
Về vận tải hàng hóa, tháng 7 ước tính đạt 111,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 24,1 tỉ tấn/km, giảm 13,2%.
Tính chung 7 tháng năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 987,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,3%) và luân chuyển 196,4 tỉ tấn/km, tăng 4,7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,3%).
Đời sống người dân bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7.2021 đạt 7,5 nghìn lượt người, giảm 46,4% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Tính chung 7 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 95,7 nghìn lượt người, giảm 97,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ quan thống kê cho biết dịch COVID-19 tái bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là vùng ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh như: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng gói hỗ trợ là 26 nghìn tỉ đồng.
Đồng thời các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với đại dịch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Ngoài các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhiều tỉnh thành cũng đã sử dụng một phần kinh phí ngân sách địa phương để hỗ trợ các nhóm yếu thế, người lao động... do vậy, đời sống của người dân cơ bản ổn định.