Bộ Tài chính vừa phản hồi về kiến nghị đưa sản phẩm test nhanh COVID-19 vào diện bình ổn giá vì dịch còn kéo dài.
14 Hiệp hội doanh nghiệp mới đây đã kiến nghị đưa sản phẩm test nhanh COVID-19 vào diện bình ổn giá. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật Giá năm 2012; Khoản 1 Điều 3, Nghị định số 177/2013/NĐ ngày 14.11.2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, thì "Sản phẩm test nhanh COVID-19" không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá và văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật Giá năm 2012 cũng quy định: Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí, gồm: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.
Theo đó, Bộ Tài chính ghi nhận đề xuất của các hiệp hội các doanh nghiệp, tuy nhiên theo quy định tại Luật Giá nêu trên, đề nghị Bộ Y tế (Bộ quản lý ngành, lĩnh vực) nghiên cứu đánh giá làm rõ sự cần thiết.
Trong đó, cần phải đánh giá kỹ về yêu cầu quản lý, những tác động của mặt hàng này đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp yếu tố thị trường và cơ chế tổ chức thực hiện sau khi Bộ Y tế quản lý giá theo danh mục bình ổn giá để có văn bản đề xuất danh mục mặt hàng, đối tượng, biện pháp... bình ổn giá theo quy định pháp luật về bình ổn giá tại Luật giá, pháp luật chuyên ngành về y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
"Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Y tế trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Tài chính đang đánh giá tổng thể để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giá năm 2012. Theo đó, sẽ phối hợp với Bộ Y tế cũng như các Bộ, ngành có liên quan đánh giá, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật giá năm 2012, trong đó rà soát bổ sung các mặt hàng nhà nước quản lý theo trình tự, thủ tục quy định, phù hợp yêu cầu quản lý và thực tiễn phát sinh", đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Vừa qua, Bộ Y tế đã có chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để nâng giá, đội giá, đảm bảo chất lượng và giá cả thị trường.
Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá do chưa được quy định trong luật. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc đưa sản phẩm này vào nhóm hàng cần thiết còn là do dịch còn kéo dài, nhu cầu cao trong khi giá thị trường đắt đỏ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, giá của mặt hàng test xét nghiệm SARS-CoV-2 thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:
Thứ nhất, nếu test có tiêu chuẩn của WHO thì giá cao so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất; Thứ hai, nếu test có xuất xứ ở các quốc gia Âu- Mỹ thì thường đắt hơn nơi khác; Thứ ba, ở giai đoạn cao điểm dịch gia tăng, nhà cung ứng ít thì đương nhiên giá sẽ cao hơn so với thời điểm dịch bệnh giảm, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, nhập khẩu và đơn vị trong nước sản xuất được test xét nghiệm và bán phi lợi nhuận; Thứ tư, nếu mua với số lượng nhiều thì thường giá sẽ rẻ hơn so với số lượng ít.
Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh test xét nghiệm thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu.