Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, bước đầu, hai bộ GD-ĐT, Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học thêm 5%.

Bộ trưởng GD-ĐT: Tăng thêm phụ cấp ưu đãi 10% cho giáo viên mầm non, 5% cho tiểu học

Tú Viên | 15/08/2023, 16:30

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, bước đầu, hai bộ GD-ĐT, Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học thêm 5%.

Sáng 15.8, sự kiện Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giáo viên được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh thành với sự tham dự của đông đảo giáo viên. Từ 63 điểm tại các địa phương tiếp tục kết nối đến các nhà trường, thầy cô giáo để cán bộ, giáo viên cả nước theo dõi được sự kiện này.

Tại cuộc gặp gỡ, ý kiến các giáo viên từ mọi miền tổ quốc đã đề cập nhiều vấn đề “nóng” như lương giáo viên, những khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018...

1-3099.jpeg
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: Bộ GD-ĐT

Ghi nhận ý kiến tâm huyết của các nhà giáo về những khúc mắc khi triển khai chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó khăn dù đã được tập huấn, bồi dưỡng. Việc dạy các môn tích hợp, liên môn là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, là "điểm vướng, nghẽn, khó".

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Tinh thần là điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Bộ sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia để cân nhắc kỹ lưỡng. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Chia sẻ với vấn đề lương, phụ cấp của giáo viên, Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có nêu: Tiền lương giáo viên phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Mong muốn của chúng ta là vậy, nhưng con đường để hiện thực hóa còn nhiều việc phải làm và cần thuyết phục các bộ ngành và cơ quan hữu quan. Trách nhiệm của chúng ta là thuyết phục và rất cần sự đóng góp của xã hội.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non. Theo đó, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp một lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.

Theo bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ ngành đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao bộ làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ ngành, trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Bước đầu, hai bộ GD-ĐT, Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học.

bepan-16.9.jpg
Giờ ăn trưa của một lớp tiểu học tại TP.HCM - Ảnh: Internet

Bộ trưởng cũng chia sẻ, ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị nhưng cũng cần từng bước, hợp lý.

Ý kiến thầy cô trao đổi cũng nói đến giờ làm việc nhiều, chế độ trông buổi trưa, số giờ trông trẻ dài hơn, đến sớm, về muộn… Theo bộ trưởng, đây là một thực tế. Với số giờ lao động như vậy, thầy cô phải bỏ nhiều sức lực, còn ít thời gian phát triển chuyên môn, chăm sóc gia đình. Đó cũng là lý do nhiều người ngại ứng tuyển làm việc tại trường mầm non.

Một số địa phương đã có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ tiền ngoài giờ cho giáo viên mầm non nhưng hiện còn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, bền vững cho việc bù đắp này. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.

Về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, bộ trưởng cho biết: Hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý luật này, bộ đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Trong diễn đàn Người lao động năm 2023, việc này tiếp tục được Bộ GD-ĐT nêu kiến nghị.

Về tình trạng thiếu cơ sở vật chất và nhà công vụ dành cho giáo viên ở các điểm trường lẻ, khu vực vùng sâu vùng xa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, để giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm bám trường, bám lớp, nhà nước cần xây thêm nhà công vụ cho giáo viên ở những địa phương này.

Bài liên quan
ĐBQH: Nhiều giáo viên đang 'ngại' xử lý vi phạm của học sinh
ĐBQH cho rằng đang thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng GD-ĐT: Tăng thêm phụ cấp ưu đãi 10% cho giáo viên mầm non, 5% cho tiểu học