Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói mặc dù có một số ý kiến cho rằng điều hành chưa thực sự thông suốt nhưng kết quả của 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt cơ bản tốt; xuất khẩu 3,06 triệu tấn gạo, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 1,48 tỉ USD, tăng 25,44 %.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về lùm xùm xuất khẩu gạo thời gian qua

15/06/2020, 14:51

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói mặc dù có một số ý kiến cho rằng điều hành chưa thực sự thông suốt nhưng kết quả của 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt cơ bản tốt; xuất khẩu 3,06 triệu tấn gạo, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 1,48 tỉ USD, tăng 25,44 %.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời trước Quốc hội - Ảnh: VGP

Điều hành xuất khẩu gạo chưa thực sự thông suốt

Tại phiên thảo luận tại hội trường quốc hội về tình hình kinh tế xã hội (KH-XT) sáng 15.6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam được nhận định có khả năng trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020.

Đề cập đến công tác điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như trên thế giới những tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay thời điểm đó diễn biến xuất khẩu gạo phức tạp do các quốc gia đang trong thời kỳ chống dịch căng thẳng, khó khăn. Rất nhiều nước đang tăng mua, tăng tích trữ lương thực.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bên cạnh đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gây nguy cơ và tâm lý thiếu lương thực. Đặc biệt giá gạo liên tục tăng nhanh khi 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng tới 31,7% so với cùng kỳ; có nguy cơ đến đầu vụ hè thu sẽ bị thiếu hụt nguồn cung lương thực.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 để đảm bảo các nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo cũng như ổn định giá gạo trong nước và đảm bảo chủ động trong dự trữ lương thực.

Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở rà soát trữ lượng gạo tồn trữ ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như trên địa bàn cả nước, đồng thời, xem xét các hợp đồng gạo mà Việt Nam đã ký với nước ngoài, các bộ ngành đã chủ động báo cáo và Thủ tướng đồng ý cho phép tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn diện về các hợp đồng đã đăng ký xuất khẩu gạo cũng như hợp đồng gạo đã giao.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sau đó Thủ tướng chỉ đạo quản lý xuất khẩu gạo chặt chẽ và thông qua hạn ngạch xuất khẩu gạo tạm thời là 400.000 tấn trong tháng 4. Khi đánh giá có điều kiện để phát triển xuất khẩu gạo, trong khi có đủ cơ sở để yên tâm về vụ gạo hè thu sắp tới cũng như lượng gạo tồn trữ, Thủ tướng đã thống nhất (trong cuộc họp với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các bộ ngành) tiếp tục cho triển khai hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường trong tháng 5.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng mặc dù có một số ý kiến cho rằng điều hành chưa thực sự thông suốt nhưng kết quả của 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt cơ bản tốt; xuất khẩu 3,06 triệu tấn gạo, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 1,48 tỉ đô la Mỹ, tăng 25,44%.

Cần thêm 5.000 tỉ cho 3 dự án trọng điểm

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cũng trình bày về 25 dự án trọng điểm được các đại biểu quan tâm. Ông thông tin năm nay ngành giao thông được giao 37.500 tỉ đồng, đến ngày 30.5 đã giải ngân được 12.000 tỉ.

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đã giải ngân được 2.700 tỉ (khoảng 27% tổng vốn đầu tư cần giải ngân trong năm nay). Ông cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ giải ngân nốt vốn trong năm nay.

Còn về 3 dự án trọng điểm chuyển sang đầu tư công mà Quốc hội đang thảo luận, ông Thể cho biết ngành GTVT sẽ cần thêm 5.000 tỉ để triển khai tiếp.

Về dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Chính phủ, Quốc hội đã bố trí số vốn là 17.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30.5, dự án mới giải ngân được 1.200 tỉ. Tỉnh Đồng Nai đã cam kết sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng GTVT nói trước Quốc hội sẽ cố gắng giải ngân hết trong năm nay.

Giải đáp các thắc mắc của đại biểu về khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Thể cho rằng sẽ ưu tiên cho đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối TP.HCM với các tỉnh.

Về trục dọc, ông cho hay sẽ tập trung cho tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau; quốc lộ N2 từ Củ Chi đi Kiên Giang và nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 60 trong đó có cầu Rạch Miễu, cầu Cao Lãnh.

Ông Thể cho biết bộ sẽ tập trung thêm 4 dự án tại đồng bằng sông Cửu Long là quốc lộ 62, quốc lộ 30, cao tốc nối Châu Đốc, Cần Thơ và Sóc Trăng và cao tốc Kiên Giang đi Bạc Liêu.

Khu vực Đông Nam Bộ, ông cho hay sẽ đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc song song với quốc lộ 22 nối TP.HCM với Tây Ninh, cao tốc nối Biên Hòa với Vũng Tàu và một số dự án trọng điểm khác…

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bộ trưởng Thể cho hay sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội đầu tư tuyến cao tốc kết nối Hà Nội - TP.HCM khoảng 1.700km. Ngoài ra, bộ cũng tiếp thu các ý kiến của đại biểu để có một số dự án kết nối từ Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai…

Khu vực phía đông Hà Nội, trước mắt sẽ được đầu tư để hoàn thành cao tốc tới cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, Vân Đồn - Móng Cái, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đường ven biển đồng bằng Bắc Bộ.

Khu vực Tây Bắc, đang nghiên cứu tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Hà Nội - Lào Cai… Người đứng đầu Bộ GTVT nhấn mạnh đây đều là các dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, kết nối các vùng miền, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

"Đây là những công trình trọng điểm quốc gia ở các vùng miền để phát huy tốt nhất. Tuy nhiên, nghiên cứu thì nhiều còn quyền quyết định là ở Quốc hội. Do đó, rất mong các đại biểu quốc hội, các tỉnh ủng hộ nghiên cứu các dự án trọng điểm để có thể triển khai trong thời gian tới" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Coi ô nhiễm là kẻ thù

Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, nghiên cứu ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy nếu không thay đổi cơ cấu kinh tế thì không bảo đảm nguồn nước. Nói đến mùa khô hạn, Việt Nam mất đến 70-80% lượng nước do biến đổi khí hậu, chỉ còn 25%, nếu các nước ở thượng nguồn giữ lại khoảng 20% thì hoàn toàn bất ổn.

Ngoài ra, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy thể chế về nước của Việt Nam còn có vấn đề, chưa chặt chẽ, chưa có đầu tư về hạ tầng, chưa có chính sách kinh tế - tài chính. Do vậy, cần nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

“Chúng tôi đã xác định được nguyên nhân nhưng chủ quan là chính. Đó là cần xem xét lại thể chế để xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước. Hai là, làm rõ vấn đề nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, quan trắc, dữ liệu. Ba là quy hoạch. Bốn là làm tốt cơ chế phối hợp với các nước có liên quan, như ở lưu vực sông Mê Kông và có thể chế chung để các nước cùng tham gia phù hợp với quốc tế”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Về bảo vệ môi trường, ông Hà cho hay nhiều đại biểu quốc hội, nhà khoa học và nhân dân đánh giá, Chính phủ đã nhận diện, xác định và trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành.

“Quan điểm, chủ trương chỉ đạo chung đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển và không hy sinh môi trường vì kinh tế. Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã có nhiều vấn đề rất cụ thể, sát sườn, như xử lý nước thải, nước sinh hoạt… thì dự thảo luật đưa ra quan điểm người gây ô nhiễm phải trả tiền…”, ông Hà nói.

Bộ trưởng Hà cũng nêu rằng Nhà nước cam kết đầu tư vào môi trường, nhân dân là trung tâm triển khai thực hiện trong đó có vai trò giám sát. Coi rác thải là tài nguyên với hơn 40% tái chế sử dụng. Việc sử dụng này, Chính phủ cũng hết sức cẩn trọng và có lộ trình và nhiều phương thức trên kinh nghiệm quốc tế.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần coi chống ô nhiễm môi trường như chống giặc, coi ô nhiễm là kẻ thù, coi như chống dịch COVID-19 để bảo đảm sức khỏe nhân dân.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
41 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về lùm xùm xuất khẩu gạo thời gian qua