Sáng 7.9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện

07/09/2020, 13:54

Sáng 7.9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Ảnh: Dân Trí

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nguy cơ thiếu điện 2020-2025.

Bên cạnh đó, có tình trạng mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ.

“Một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát. Đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Bộ trưởng Công Thương cũng cho hay nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.

Ngoài ra, huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn, cũng là một hạn chế. Cụ thể, trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỉ USD. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của họ cũng gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ …)

Bộ Công thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Hiện tại, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỉ đồng là UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở của đơn vị thực hiện dự án hoặc nơi có dự án lưới điện truyền tải đi qua. Quy định này sẽ khó khăn đối với việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đường dây truyền tải điện đi qua nhiều tỉnh/thành.

Bộ Công thương kiến nghị quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỉ đồng đến dưới 5.000 tỉ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, thuộc về Thủ tướng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị của Bộ là cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.

Kiến nghị cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện; cho phép chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)), chỉ lập ĐTM trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Bộ trưởng cũng kiến nghị cho phép các dự án điện thuộc trường hợp là công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp hoặc các công trình điện xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện thì chỉ phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ mà không phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Về câu chuyện vận hành giá điện theo cơ chế thị trường, ông Trần Tuấn Anh khẳng định, ngành điện đang hướng đến một thị trường điện cạnh tranh, thực hiện theo từng mức độ. Hiện đã có hơn 94 nhà máy điện đã tham gia vào phát triển thị trường điện cạnh tranh. Việt Nam sẽ có thị trường bán buôn điện cạnh tranh, với sự tham gia của các tổng công ty lớn.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thành đơn vị hạch toán độc lập thuộc EVN để tăng cường tính minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử giữa các thành viên thị trường điện.

Thí điểm cơ chế cho phép các nhà máy điện năng lượng tái tạo được phép trực tiếp bán điện cho các khách hàng sử dụng điện cuối cùng để vừa mở rộng đối tượng người mua trên thị trường điện, đồng thời thí điểm các cơ chế vận hành của thị trường bán lẻ cạnh tranh.

“Qua thời gian thí điểm từ 2021 đến 2023, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện các cơ chế, hành lanh pháp lý để chính thức áp dụng từ năm 2024", Bộ trưởng Công Thương khẳng định.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện