Ngày xuân trên đất Tây Đô, du khách sẽ thấy đây là thành phố trẻ đầy sinh lực, tuy nhiên, trong tương lai đô thị này sẽ hoành tráng gấp 5-10 lần hiện nay bởi theo định hướng phát triển, đây là một thành phố mang tầm cỡ quốc tế.
So với các đô thị khác ở ĐBSCL, Cần Thơ sinh sau đẻ muộn. Những Vĩnh Long, Mỹ Tho, Hà Tiên… có lịch sử hình thành phát triển hơn 300 năm, còn Cần Thơ đến nay chỉ mới 145 năm thành lập.
Trong Cần Thơ xưa và nay (xuất bản năm 1967) của Nhà biên khảo Huỳnh Minh có viết: “Theo nghị định của Soái phủ Sài Gòn năm 1876, vùng Phong Phú lập thành tỉnh mang tên Cần Thơ. Tòa bố chánh đặt tại tỉnh lỵ Cần Thơ”. Trước khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, vùng đất Cần Thơ lúc đó chỉ là một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Qua lời kể của những các cụ già về Cần Thơ xưa thì khoảng 100 năm trước, trung tâm tỉnh lỵ Cần Thơ lúc ấy còn hoang sơ lắm. Cách nay gần 15 năm, trong một cuộc triển lãm ảnh về Cần Thơ xưa tại Thư viện TP.Cần Thơ, tôi thấy nhiều bức ảnh rất quý về đô thị Cần Thơ khoảng 100 năm trước.
Chẳng hạn ảnh một hiệu ăn của người Hoa ở Cần Thơ tên Chui Hoa. Quan sát kỹ bức ảnh, có thể thấy đây là quán cơm, hủ tíu… Người đàn ông ăn mặc tươm tất có thể là chủ quán, một người mặc áo bà ba là nhân viên phục vụ, chạy bàn ngồi trước quán. Điều lý thú là trong quán có người đàn ông ở trần, trẻ em có đứa ở truồng…, quán treo rất nhiều thịt, cá, gà vịt đã làm sẵn… Theo những người am hiểu, quán này nằm ở đường Lê Lợi xưa dọc sông Cần Thơ, ở phường Tân An hiện nay.
Một bức ảnh khác ghi lại con rạch trước cổng Bệnh viện Cần Thơ trên đường Nguyễn An Ninh hiện nay. Bây giờ là một đại lộ đẹp của trung tâm TP, tuy nhiên, trăm năm trước nơi đây có con rạch chạy gần đến bệnh viện.
Một bức ảnh khác nữa có giá trị lịch sử lớn, là tấm ảnh ghi lại lễ khánh thành Bệnh viện Cần Thơ năm 1906. Trong ảnh có những người cảnh sát Tây đứng nghiêm trang kiểu lễ tân mặc đồng phục trắng, quan khách đến dự rất đông, bệnh viện là những dãy nhà lá thô sơ, trước bệnh viện là những ao vũng, có thể nơi đây cũng là nơi tiếp giáp với con rạch chạy từ sông Cần Thơ vô rạch đến bệnh viện khi khánh thành.
Một bức ảnh khác do cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Bé chụp khoảng năm 1920, đó là cảnh trường Trung học College, sau đổi tên là Trường trung học Phan Thanh Giản, nay là Trường trung học Châu Văn Liêm. Trường này nằm ở trung tâm quận Ninh Kiều ngày nay.
Tôi đã may mắn gặp cụ Trần Văn Bé trong một lần triển lãm ảnh về Cần Thơ, khi hỏi cụ về bức ảnh Trường College, cụ bảo: “Vào những năm 1920, trường xây dựng xong nhưng dân cư quanh vùng này còn thưa thớt lắm”. Trong bức ảnh, trường như nằm trên một cánh đồng hoang, còn ngày nay chỗ này là trung tâm đô thị với “tấc đất tấc vàng”.
Cũng theo cụ Trần Văn Bé, vào những năm 20 của thế kỷ trước, dân cư Cần Thơ thưa thớt, chỉ tập trung gần chợ Cần Thơ nơi có những dãy phố buôn bán của người Hoa, do gần chợ nên sầm uất. Còn lại, nhà nằm ven những con đường nội ô phần lớn là nhà trệt thô sơ, chỉ có vài căn biệt thự của nhà giàu, quan chức, giáo chức, thông ngôn, thầy ký… Một số dinh thự, cơ quan do Pháp xây dựng như kho bạc, bến xe, trụ sở làm việc thường có kiến trúc na ná như biệt thự, một trệt một lầu, mái lợp ngói.
Ông Bùi Văn Tước, hơn 90 tuổi, tuy sống ở H.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, nhưng vào những năm 1930 đã tới Cần Thơ, ông cho biết: “Cần Thơ sau năm 1930 vẫn là một một tỉnh lẻ chưa phồn thịnh bằng Vĩnh Long, nhà cửa, dân cư thưa thớt. Phà qua sông là những chiếc phà tải trọng 10 - 20 tấn. Cây cầu sắt Sáu Thanh đường lên bến xe mới ngày nay xe đò chạy qua chỉ được một chiếc, chứ hai chiếc không qua mặt nhau được”.
Theo tôi tìm hiểu, phà Hậu Giang đã có từ năm 1900, tuy nhiên lúc ấy chỉ như chiếc đò lớn đưa người qua sông Hậu chứ không bề thế và hiện đại như sau này.
Nhà văn Sơn Nam trong cuốn Văn minh miệt vườn xuất bản năm 1992 có viết: “Tiêu biểu cho “miệt vườn” của tỉnh Cần Thơ là làng Long Tuyền ở rạch Bình Thủy gồm 11.939 dân, làng Nhơn Ái (Phong Điền) với 10.464 dân. Mỗi làng của miệt vườn nói trên đông bằng dân số tỉnh lỵ Cần Thơ 10.000 người”.
Số liệu này nhà văn Sơn Nam dẫn từ tài liệu của Pháp năm 1899 có thể thấy vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, dân số tỉnh lỵ Cần Thơ quá ít dù người Pháp thành lập tỉnh lỵ đã khoảng 25 năm. Cần Thơ thời đó dân cư thưa thớt bởi so các đô thị lâu đời hơn như Sài Gòn, Chợ Lớn, khi đó là thành phố thuộc tỉnh Gia Định đầu thế kỷ 20 khoảng 180.000 người, Mỹ Tho khoảng 20.000, hai đô thị này tính tới đầu thế kỷ 20 đã có tuổi gần 200 năm, thì Cần Thơ mới 25 năm, dân số ít là đương nhiên. Theo nhà văn Sơn Nam, tính chung cả Nam Kỳ vào năm 1900 chưa được 3 triệu người.
"Hiểu xưa để biết nay", và mong rằng Cần Thơ ngày một đẹp hơn, hiện đại hơn khi được trở thành đô thị đặc biệt của vùng Tây Nam Bộ.