Hơn 1 tuần qua, bức ảnh deepfake Giáo hoàng Francis trong chiếc áo phao của thương hiệu Balenciaga do Công nghệ AI tạo ra đã đánh lừa hàng triệu người dùng mạng xã hội Reddit và Twitter.
Trong bức ảnh này, vị Giáo hoàng 86 tuổi mặc áo phao dáng dài, thắt đai ở eo, đeo găng tay và giày thể thao, khác biệt với trang phục truyền thống trong tôn giáo của ông. Thoạt nhìn, trang phục cũng giống như những gì các giáo hoàng thường mặc là áo choàng, dây stola và chop mũ. Một số người tưởng bức ảnh là thật, một số khác nhanh chóng phát hiện ra ảnh giả mạo - sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI) Midjourney. Vài ngày sau, người tạo ra bức ảnh Pablo Xavier – một công nhân xây dựng 31 tuổi ở Chicago, Mỹ đã công khai là chủ nhân tạo ra bức ảnh bằng phần mềm.
Công nghệ càng phát triển, các công cụ hình ảnh sử dụng AI đang trở nên tinh vi hơn bao giờ hết. Công nghệ này có thể tạo ra hình ảnh hoàn chỉnh chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng.
Nó đã được sử dụng để thiết kế những buổi trình diễn thời trang, viết truyện tranh hoặc tạo ra một trường phái kiến trúc hoàn toàn mới.
Tuần trước, hình ảnh giả về việc cựu Tổng thống Donald Trump bị bắt trông giống như thật tràn ngập Twitter và các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt trong bối cảnh có tin ông Trump có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự trong một cuộc điều tra tài chính chiến dịch ở New York thì càng nhiều người tin vào bức ảnh này.
Sau ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trở thành nạn nhân kế tiếp của ảnh deepfake do AI tạo ra. Một tài khoản Twitter đăng tải 3 ảnh giả, trong đó ông Macron mắc kẹt trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Paris.
Gần đây nhất là loạt ảnh Elon Musk hẹn hò với nhiều phụ nữ, trong đó có Mary Barra, CEO tập đoàn General Motors.
Hình ảnh giả mạo do AI tạo ra có thể làm giảm sức mạnh và thông điệp của quần áo, đồng thời làm giảm quyền tự chủ của một cá nhân.
Trong lễ phục của các vị giáo hoàng, mỗi bộ quần áo đều mang ý nghĩa tôn giáo. Màu sắc trang phục được chọn sao cho phù hợp với các lễ kỷ niệm. Do vậy, những hình ảnh giả mạo về trang phục của Giáo hoàng có thể gây ra sự xúc phạm, báo động hoặc thậm chí là mất lòng tin trong cộng đồng Công giáo.
AI càng phát triển, những hình ảnh giả ngày càng lại trông giống thật hơn làm dấy lên lo ngại về đạo đức và sự phát triển của ngành thời trang.
Nhà báo Leah Dolan của CNN nhận định: "Nếu trang phục là một yếu tố quan trọng thể hiện bản thân thì trang phục do AI tạo ra không chỉ làm giảm sức mạnh và thông điệp vốn có của quần áo, mà còn cả quyền tự quyết của một người".
Việc thay đổi trang phục của ai đó bằng kỹ thuật số cũng có thể gây tổn hại uy tín của họ. Leah Dolan cho rằng, bằng AI, ai đó có thể đặt một người vào các tình huống bịa đặt mang tính ác ý và xuyên tạc.
Điển hình là trường hợp của Paris Hilton, năm 2021, một bức ảnh người đẹp mặc ba lỗ in dòng chữ “Stop Being Poor” (Hãy ngừng nghèo hèn) lan truyền trên mạng khiến nhiều người xem Paris như một người thừa kế hợm hĩnh của tập đoàn Hilton.
Sau đó, ngôi sao đã phải lên tiếng bằng cách tung ảnh gốc cho thấy trong bức ảnh tại buổi ra mắt dòng thời trang Chick by Nicky Hilton năm 2005 của em gái cô tại Las Vegas, chiếc áo cô mặc có in chữ Stop Being Desperate. Ngôi sao này đã viết lời nhắc nhở rằng: "Mọi người không nên tin vào những gì mình thấy".
Năm 2018, nhà tương lai học Sophie Hackford của Mỹ đã cảnh báo những tác hại của AI trong ngành thời trang. Ngoài việc dùng AI để làm giả các thiết kế, sự phát triển của AI có thể ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ, khi ngành công nghiệp thời trang sử dụng AI để tạo ra các mẫu vải, màu sắc và kiểu dáng. Với các thuật toán được AI thúc đẩy, có nguy cơ thời trang sẽ trở nên kém sáng tạo hơn do chỉ nhấn vào yếu tố nhu cầu của khách hàng. Khi AI có khả năng thực hiện công việc của các nhà thiết kế, nhà tiếp thị và các chuyên gia thời trang, nguy cơ một số công việc sẽ biến mất.
Trong một cuộc họp tại Vatican hôm 27.3, Giáo hoàng Francis đã đề cập đến sự xuất hiện của công nghệ AI và kêu gọi các nhà khoa học xem xét tác động của nó đối với con người.
“Tôi chắc chắn rằng tiềm năng này sẽ chỉ thành hiện thực nếu những người phát triển công nghệ có một cam kết liên tục và nhất quán để hành động một cách có đạo đức và trách nhiệm”.
Trước đó, tỉ phú Elon Musk từng cảnh báo về những mối đe dọa mà AI chưa qua kiểm duyệt có thể gây ra cho xã lội loài người. Tại sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới vừa tổ chức tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE), vị tỉ phú này tiếp tục khẳng định AI là "một trong những mối nguy lớn nhất cho tương lai văn minh nhân loại".
Ngay cả Sam Altman, CEO của OpenAI cũng từng nói rằng công nghệ AI và ChatGPT có thể gây họa cho con người. Ông lo ngại về việc sử dụng AI sai mục đích và chuyện làm cho AI an toàn hơn, hoạt động trong khuôn khổ là "không cường điệu hóa".