Vì một người đi lấy mẫu xét nghiệm ở Trường tiểu học Hồng Hà có kết quả dương tính với COVID-19, Ủy ban nhân dân phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM phải thông báo khẩn tìm người liên quan.
Chiều tối 4.7, Ủy ban nhân dân phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM thông báo khẩn tìm người từng ghé Trường tiểu học Hồng Hà (155A Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh) vì có ca dương tính với COVID-19 từng đến đây xét nghiệm.
Cụ thể hơn, Ủy ban nhân dân phường 17, quận Bình Thạnh thông báo và đề nghị các cá nhân từng đến xét nghiệm tầm soát tại Trường tiểu học Hồng Hà trong khoảng thời gian từ 15 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 2.7 liên hệ với Trạm Y tế phường 17 (105 Xô Viết Nghệ Tĩnh, số điện thoại 028.39880972) hoặc trạm y tế nơi cư trú (bằng điện thoại, không tập trung đông người) để được hướng dẫn khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm.
Trường này tạm thời đóng cửa để lực lượng y tế phun khử khuẩn.
Ngày 27.6 vừa qua, Trung tâm y tế quận 8 (TP.HCM) phát thông báo tìm người liên quan ca mắc COVID-19 trên địa bàn đến trường tiểu học tiêm vắc xin.
Cơ quan y tế xác định người này có đến tiêm vắc xin COVID-19 tại trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (số 4, đường Trương Đình Hội, phường 16, quận 8) vào ngày 22.6 (lúc 16 giờ - 18 giờ) và ngày 23.6 (lúc 8 giờ - 10 giờ).
Ngành y tế quận 8 đề nghị người dân từng đến điểm tiêm vắc xin tại trường này khẩn trương liên hệ trạm y tế gần nhất để khai báo.
Người dân có thể gọi 090.3186883 (đường dây nóng Trung tâm y tế quận 8) để khai báo y tế và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
TP.HCM đang bước vào giai đoạn tăng cường xét nghiệm toàn dân. Việc xét nghiệm cho cộng đồng đã được nhắc đến nhiều như một giải pháp cần thiết để phát hiện F0, F1, F2… Thế nhưng, SARS-COV-2 chủ yếu lây qua giọt bắn và tiếp xúc nên thao tác lấy mẫu nếu không cẩn thận có thể giúp vi rút này phát tán trong không khí, qua đó sẽ tạo nguy hiểm cho những người đến lấy mẫu, ngay cả khi có đảm bảo khoảng cách 2m.
Theo PGS.BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, đã cảnh báo rằng việc lấy mẫu quá tải ở thành phố như hiện nay có thể tăng thêm nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Bà Thư cho rằng, do áp lực số lượng lấy mẫu quá nhiều trong một thời gian ngắn nên nhân viên lấy mẫu không thể tuân thủ đúng việc thay găng, rửa tay giữa mỗi lần thực hiện và có thể làm lây nhiễm chéo qua đường tiếp xúc cho những người đến lấy mẫu.
Vì thế, PGS.BS Lê Thị Anh Thư đặt câu hỏi cho ngành y TP.HCM: "Liệu việc để phát hiện ra 1 F0 có đổi lại là làm tăng thêm nhiều hay rất nhiều F0 do lấy mẫu tập trung hay không?".
Bà Thư nói việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc phải tuân thủ đúng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản, phải có lịch hẹn từng người, tránh tiếp xúc, tránh tập trung đông người, nhân viên lấy mẫu phải tuân thủ đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Nếu không thực hiện được như vậy thì không nên tổ chức xét nghiệm sàng lọc tập trung đồng loạt.
Việc tổ chức lại hoạt động xét nghiệm tại TP.HCM cần theo phương châm trật tự, an toàn, đúng diện, đúng điểm, đúng hẹn và thông suốt. Đây là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM - Ngô Minh Châu về công tác tổ chức hoạt động điều tra, truy vết, tổ chức xét nghiệm tại thành phố.
Thời gian qua, công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm một số nơi tổ chức chưa tốt. Việc tổ chức cần phải đảm bảo phương châm trật tự, giữ khoảng cách an toàn khi thực hiện. Địa phương tổ chức cần huy động người dân theo hộ gia đình, theo tổ, thực hiện cuốn chiếu, không để tập trung đông người. Việc lấy mẫu xét nghiệm cần làm theo tổ dân phố kết hợp phân chia theo giờ hợp lý, đảm bảo giãn cách. Đội ngũ lấy mẫu phải chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, được chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế đầy đủ. Mẫu lấy phải đạt kết quả, việc lấy mẫu phải đúng diện.
Khu vục phong tỏa, khu vực lấy mẫu liên quan ca bệnh, khu vực trọng điểm thì triển khai lấy mẫu toàn bộ người dân. Hoạt động tầm soát diện rộng thì lấy đại diện hộ gia đình với quy tắc hộ dưới 5 người thì chọn 1 người, hộ trên 5 người thì chọn 2 người. Người được chọn phải là người có nguy cơ cao trong hộ như di chuyển nhiều hoặc có tiếp xúc nhiều…
Việc lấy mẫu phải đúng điểm: Triển khai chiến lược xét nghiệm kháng nguyên nhanh bên cạnh xét nghiệm RT-PCR. Phát huy vai trò của xét nghiệm kháng nguyên nhanh theo chỉ định đặc biệt ở những khu vực nguy cơ nhưng không được lạm dụng. Xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ giúp phát hiện sớm các ca nhiễm ở những khu vực nguy cơ cao, từ đó cách ly, khoanh vùng nhanh chóng, cắt đứt chuỗi lây.
Năng lực lấy mẫu cần phù hợp với năng lực xét nghiệm. Thành phố đang triển khai thêm hệ thống xét nghiệm PCR trong vài tuần tới để đạt công suất tổng của toàn thành phố là 500.000 mẫu đơn/ngày.
Ngoài ra, việc tổ chức xét nghiệm cần đúng hẹn: Hẹn giờ lấy mẫu xét nghiệm chính xác và trả kết quả đúng thời gian quy định.
Các trường hợp F1, mẫu xét nghiệm từ khu cách ly… phải được vận chuyển trong vòng 2 giờ đến các phòng xét nghiệm. Kết quả các trường hợp F1 phải có trong vòng 12 giờ, F2 có kết quả trong vòng 24 giờ để phục vụ công tác truy vết. Việc giao mẫu đến các phòng xét nghiệm thống nhất giao thành 3 lần trong ngày: Lúc 11 giờ, 19 giờ và trước 23 giờ để đảm bảo phòng xét nghiệm luôn có mẫu chạy, không để dồn ứ mẫu vào một thời điểm trong ngày.
Cuối cùng, việc tổ chức điều tra truy vết cũng như thực hiện xét nghiệm cần thông suốt. Việc phân công phân nhiệm rõ ràng, có cụ thể người làm và người chịu trách nhiệm. Từ đó giải quyết các tắc nghẽn đang gặp, thông suốt quá trình điều hành, quản lý từ trên xuống dưới.
TP.HCM sẽ thành lập Trung tâm điều hành, điều phối công tác xét nghiệm do 1 Phó Chủ tịch đảm nhiệm để đảm bảo các quy trình liên quan được vận hành linh hoạt, nhịp nhàng đáp ứng được yêu cầu chống dịch trong tình hình hiện nay.