Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã ứng dụng công nghệ số vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Việc làm này giúp địa phương thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Hướng đến nông thôn mới thông minh
Đầm Dơi là huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, những năm qua luôn tích cực phát triển hạ tầng giao thông, mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng... với mục tiêu hướng tới ứng dụng chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới (NTM) thông minh.
Đến nay, trên địa bàn huyện Đầm Dơi có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp được ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sơ chế, đóng gói, và đăng bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội.
Anh Nguyễn Văn Miên (Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi, xã Quách Phẩm Bắc) cho biết cơ sở sản xuất của anh hiện có nhiều mặt hàng được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao như ba khía muối, ba khía trộn sẵn, riêu ba khía, mắm tôm chua ngọt...
“Hợp tác xã Đầm Dơi đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và khẳng định được chất lượng, uy tín trên thị trường. Trong đó, các sản phẩm từ ba khía là mặt hàng chủ lực. Chúng tôi đã ứng dụng nền tảng công nghệ số để phát triển thương hiệu sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm của Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi được khách hàng gần xa biết tới, nhiều mặt hàng còn ra cả thị trường nước ngoài”, anh Miên nói.
Ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho hay việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.
Theo ông Hiền, việc ứng dụng công nghệ số được đánh giá là một trong những nền tảng để các địa phương phát triển thành công ngành thủy sản. Nhờ công nghệ số mà sự kết nối giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp, với vùng nuôi dễ dàng hơn; tạo được sự liên kết giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp, giữa nuôi trồng chế biến, nắm bắt yêu cầu thị trường; kết nối quốc tế diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Từ đó, huyện phát triển và đầu tư xây dựng một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị...
Huyện cũng đồng thời giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP trên các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc Facebook, Zalo...).
Đến nay, toàn huyện Đầm Dơi có 40 loại sản phẩm của 12 chủ thể ở 10 xã được đánh giá, phân hạng và được UBND tỉnh Cà Mau quyết định công nhận đạt 4 sao, 3 sao theo Bộ tiêu chí quốc gia.
“Đầm Dơi là huyện có số sản phẩm đạt OCOP nhiều nhất của tỉnh Cà Mau với 40/128 sản phẩm. Trong số 40 sản phẩm OCOP của huyện có 35 sản phẩm thuộc bộ sản phẩm chế biến từ thủy-hải sản; 3 sản phẩm thuộc bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ; 2 sản phẩm thuộc bộ sản phẩm rau củ quả, hạt tươi. Hiện nay huyện có 23/40 loại sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử, trong đó 3 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao”, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi thông tin.
Nỗ lực từng ngày
Sau 13 năm thực hiện phong trào thi đua “U Minh chung sức xây dựng NTM”, huyện U Minh đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo tiền đề giữ vững, củng cố ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng, trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để huyện trở thành huyện NTM vào năm 2025.
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sinh sống ở địa bàn nông thôn. Huyện tập trung xây dựng NTM theo hướng chuyển đổi số từ việc giúp người dân tiếp cận nhanh với mạng lưới thông tin; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá việc mua bán các sản phẩm du lịch, nông nghiệp trên môi trường mạng.
Với ý tưởng làm du lịch sinh thái theo hướng an toàn sinh học góp phần xây dựng NTM, anh Bùi Việt Tân (40 tuổi), ngụ ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh đã nghĩ ra việc nuôi trùn quế kết hợp đào ao nuôi cá, lên liếp trồng cây ăn trái để phát triển du lịch cộng đồng. Mô hình của anh Tân là mô hình khép kín, nói "không" với việc sử dụng thuốc, phân bón hóa học phun xịt, bón lót cho cây trồng. Tất cả phân bón, thức ăn cho cá, trồng cây, nuôi trùn đều được anh Tân sử dụng sản phẩm sinh học.
“Sau khi ủ phân nuôi trùn quế, mình lấy trùn làm thức ăn cho cá, phân khi đã ủ mình bón cho cây trồng để tạo độ màu mỡ, tơi xốp cho đất. Các sản phẩm mình cung cấp cho khách du lịch đều là sản phẩm sạch, không sử dụng bất kỳ loại thuốc, phân bón hóa học nào nên rất an toàn cho sức khỏe”, anh Tân cho biết.
Ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận cho rằng xây dựng NTM là một quá trình nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân. Trong đó, vai trò của người dân rất quan trọng, địa phương nhận được sự đồng thuận cao của bà con trong quá trình xây dựng NTM. Hiện nay, trên địa bàn xã có vài điểm du lịch phát triển theo hướng cộng đồng kết hợp mua bán các sản vật quê hương như mắm cá các loại và sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn phân hạng 3 sao, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng NTM ở địa phương.
Phó chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết thêm, địa phương chú trọng phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, nhất là tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, tăng cường dạy nghề, truyền nghề, từng bước nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giúp nhiều nông dân có việc làm để tăng thu nhập, ổn định phát triển đời sống.
“Đi đôi với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện U Minh tập trung triển khai các dự án khuyến nông, khuyến công nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, bền vững; tích cực tuyên truyền, giáo dục cho các hộ nuôi trồng thủy sản về lợi ích của việc xây dựng, tu sửa ao nuôi, hệ thống kênh mương và thực hiện các biện pháp cải tạo ao đầm, kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc, phòng trị bệnh cho thủy sản. Đồng thời, huyện đã tiến hành xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản để nhân ra diện rộng. Địa phương rất quyết liệt, nỗ lực từng ngày để đưa huyện U Minh về đích huyện NTM”, ông Thịnh nói.
Đến nay, huyện U Minh có 4 xã đạt chuẩn NTM gồm Khánh An, Khánh Hòa, Khánh Tiến và Khánh Hội. Mục tiêu xây dựng NTM của huyện U Minh trong thời gian tới là tăng cường công tác chỉ đạo, sớm đưa các xã Khánh Lâm, Khánh Thuận, Nguyễn Phích... về đích NTM và duy trì và nâng chất các tiêu chí NTM tại các xã đạt chuẩn.