Nhiều ngôi trường ở Cà Mau đã xây dựng mô hình quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ngay tại khuôn viên nhà trường để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ học sinh.

Cà Mau: Nhân rộng mô hình giáo dục về chủ quyền biển đảo trong học đường

Trần Khải | 07/04/2021, 15:02

Nhiều ngôi trường ở Cà Mau đã xây dựng mô hình quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ngay tại khuôn viên nhà trường để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ học sinh.

3cotcodaotruongsatrongsantruong07042021.jpg
Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa được xây dựng trước sân trường - Ảnh: Trần Khải

Trung tuần tháng 4, PV có dịp quay trở lại H.Ngọc Hiển (Cà Mau), mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho quê hương. Tình cờ chúng tôi gặp thầy Hồ Sỹ Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Bông Văn Dĩa. Qua trò chuyện với thầy Hưng và tham quan thực tế ngôi trường, chúng tôi thấy được mô hình giáo dục về tình yêu biển đảo cho học sinh của nhà trường rất hay và ý nghĩa.

1hieutruongtruongthcsbongvandiahosyhung07042021.jpg
Thầy Hồ Sỹ Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Bông Văn Dĩa giới thiệu về truyền thống của nhà trường - Ảnh: Trần Khải

Theo đó, giữa sân trường là biểu tượng cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa được xây dựng sừng sững, hiên ngang để khẳng định chủ quyền thiêng của đất nước, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, chủ quyền biển đảo cho các thế hệ học sinh. Cô Nguyễn Thị Huyền Trang, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Bông Văn Dĩa cho biết: “Đây là mô hình hay, giáo dục lòng yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương cho học sinh rất hiệu quả. Các em rất háo hức, mạnh dạn tìm hiểu về lịch sử hình thành cũng như vị trí địa lý của hòn đảo được đặt tên cho lớp mình và thuyết trình dưới cờ rất hăng say”.

Cô Trang còn nói, trước đây khi trường chưa xây dựng mô hình này, thậm chí giáo viên còn không biết mấy quần đảo đó nằm ở đâu, vị trí nào trên bản đồ chứ nói gì học sinh. Nhưng bây giờ, hình ảnh biểu tượng ấy rất thiết thực và sống động, cả thầy và trò đều háo hức, tự hào về trường mình. “Tôi nhận thấy đây là mô hình hay rất cần được nhân rộng trong ngành để giáo dục tình yêu biển đảo quê hương cho học sinh”, cô Trang nói thêm.

2thayvatrotruongthcsbongvandia07042021.jpg
Giờ học của cô và trò Trường THCS Bông Văn Dĩa - Ảnh: Trần Khải

Xuất thân là một người lính, từng đóng quân tại bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), hơn ai hết, tình yêu biển đảo quê hương đã ghi dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn thầy Hưng hiệu trưởng. Chia sẻ về ý tưởng xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa trong khuôn viên nhà trường, ánh mắt thầy Hưng vụt sáng, bồi hồi đầy cảm xúc thầy tâm sự: “Trước đây tôi công tác ở lực lượng hải quân. Sau này, vì hoàn cảnh gia đình nên tôi ra quân và vào Cà Mau công tác trong ngành giáo dục. Dù không còn công tác trong lực lượng vũ trang, nhưng tình yêu biển đảo trong tôi luôn rất lớn và bản thân luôn mong muốn xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa trong khuôn viên nhà trường để giáo dục cho học sinh biết được chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.

4moilophocduocdattenchomothoadao07042021.jpg
Ở Trường THCS Bông Văn Dĩa, mỗi lớp học được đặt tên của một hòn đảo - Ảnh: Trần Khải

Theo thầy Hưng, năm 2016 khi Trường THCS - THPT Ngọc Hiển chia tách thì Trường THCS Bông Văn Dĩa được thành lập. Được công tác ở ngôi trường mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa - người con ưu tú của quê hương H.Ngọc Hiển, nên thầy Hưng càng muốn tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông để giáo dục cho từng thế hệ học sinh về lòng yêu nước, sự kiên trì, dũng cảm, mưu trí, gan dạ biết vượt qua khó khăn gian khổ, đánh đuổi giặc ngoại xâm để giành lấy chủ quyền, độc lập cho Tổ quốc.

Từ suy nghĩ “Trăm nghe không bằng một thấy”, thầy Hưng đã có ý tưởng xây dựng mô hình cột mốc đảo Trường Sa ngay trong sân trường để hằng ngày đến trường các em học sinh có thể nhìn vào đó và biết được quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam. “Xuất phát từ ý tưởng đó nên tôi đã mạnh dạn làm đề xuất xin kinh phí để triển khai xây dựng. Trường có 23 lớp, mỗi lớp là một chi đội được đặt tên một hòn đảo của Việt Nam”, thầy Hưng chia sẻ.

6cotcodaotruongsa07042021.jpg
Biểu tượng cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa - Ảnh: Trần Khải

Theo thầy Hưng, với hòn đảo được đặt tên cho chi đội của mỗi lớp, giáo viên chủ nhiệm lớp đó sẽ cho các em tìm hiểu về vị trí địa lý, nguồn gốc lịch sử của hòn đảo, tại sao được đặt tên như vậy... Sau đó, vào những buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần các chi đội sẽ luân phiên giới thiệu cho toàn thể giáo viên, học sinh của trường cùng nghe, cùng tìm hiểu về hòn đảo của lớp mình.

Thầy Hưng nói thêm: “Từ khi nhà trường xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, đã có hai lần Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển IV chọn địa điểm trường THCS Bông Văn Dĩa tổ chức cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đây không phải là mô hình mới nhưng có thể nó mới đối với H.Ngọc Hiển nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung”.

Tương tự, tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (P.8, TP.Cà Mau) cũng có một mô hình như thế. Em Trần Nguyễn Nhật Duy, học sinh lớp 1 hồn nhiên: “Mỗi lần đến lớp, con đi ngang qua những hòn đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì con có hỏi ba mẹ là hòn đảo đó có ý nghĩa gì, tại sao lại xây ở trong trường thì ba mẹ con nói những hòn đảo đó thuộc chủ quyền của đất nước mình, nhà trường xây dựng lên để giáo dục tình yêu quê hương, biển đảo cho học sinh chúng con. Con rất là tự hào”.

5cotcodaohoangsatrongtruongtieuhocnguyendinhchieu07042021.jpg
Biểu tượng cột mốc chủ quyền đảo Hoàng Sa ở Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (TP.Cà Mau) - Ảnh: Trần Khải

Chị Nguyễn Thúy Như ngụ TP.Cà Mau có con đang học tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu nêu quan điểm: “Hiện nay tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển rất phức tạp và chưa có hồi kết. Vì vậy, việc nhà trường xây dựng biểu tượng của quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa để giáo dục học sinh về lòng yêu nước, tôi thấy rất thiết thực và bổ ích, nhất là ngôi trường mang tên của một nhân sĩ yêu nước là Nguyễn Đình Chiểu”.

7cotmoctoadoquocgiatrongtruongtieuhocnguyendinhchieu07042021.jpg
Biểu tượng cột mốc tọa độ của quốc gia tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: Trần Khải

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc (H.Ngọc Hiển) cho hay: “Mô hình biển đảo trong trường học là mô hình hay, mang tính giáo dục rất lớn. Trước đây mình tuyên truyền, giảng dạy cho học sinh nhưng chỉ trên giấy nên các cháu rất mơ hồ, khó hình dung ra. Tuy nhiên, khi xây dựng các hòn đảo trong trường thì những giờ thực hành, ngoại khóa hay sinh hoạt dưới cờ, các cháu được giáo viên hướng dẫn, tìm hiểu thực tế thì rất thiết thực, hiệu quả cao hơn. Khi hỏi những hòn đảo này của nước nào, các cháu trả lời rất tự tin là của Việt Nam. Theo tôi, mô hình này cần nhân rộng ra toàn tỉnh”.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Nhân rộng mô hình giáo dục về chủ quyền biển đảo trong học đường